Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

CÁC THẦY XẨM Ở HỌC VIỆN KHXH CÙNG...XEM VOI


CÁC THẦY XẨM Ở HỌC VIỆN KHXH CÙNG...XEM VOI






Ngồi nhầm hội đồng có khác nào...
"Thầy bói xem voi"

Bạch Đằng
Báo Giáo dục
06:39 04/09/17

(GDVN) - Ngồi nhầm hội đồng, nhầm chuyên ngành đào tạo, văn bằng chưa được công nhận vẫn được học Tiến sĩ... là những sai phạm xảy ra ở Học viện khoa học xã hội.

Chuyện “Thầy bói xem voi” đang xảy ra ở Học viện khoa học xã hội?

Lâu nay, dư luận chẳng còn xa lạ gì khi Học viện khoa học xã hội – trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam được ví von là "lò ấp" vì mỗi ngày cho "ra lò" gần 1 Tiến sĩ và 5 Thạc sĩ.

Nhưng có lẽ bất cứ ai khi đọc bản kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cảm thấy ngỡ ngàng vì những sai phạm trong đào tạo quá sức tưởng tượng xảy ra ở đây.



Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều sai phạm
tại Học viện khoa học xã hội (ảnh Bạch Đằng).
Kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều điều đáng hổ thẹn đối với một trung tâm khoa học tầm cỡ như Học viện Khoa học xã hội.

Trong đó, việc ngồi nhầm hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp của một số nhà khoa học mang danh Giáo sư, Phó Giáo sư có lẽ là điều bất ngờ nhất.

Theo đó, thanh tra Bộ kiểm tra xác suất 2 hồ sơ thành lập hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp trình độ thạc sĩ năm 2016 ngành Quản lý giáo dục cho thấy: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn (Ngành Kinh tế học); Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Dũng (ngành Tâm lý học) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần thị Minh Hằng (ngành Tâm lý học) không đủ điều kiện tham gia hội đồng (không cùng chuyên ngành với học viên) theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 28 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

Qua kết luận thanh tra, dư luận hoàn toàn có lý khi đặt ra câu hỏi: Mới kiểm tra xác suất 2 hồ sơ đã phát hiện ra những sai phạm như vậy, thử hỏi một năm Học viện khoa học xã hội “sản xuất” ra tới gần 1.500 luận văn thạc sĩ thì sai phạm sẽ còn như thế nào?

Tại sao những nhà khoa học mang danh Giáo sư, Phó Giáo sư lại có thể vô tư ngồi nhầm chỗ trong hội đồng khoa học?

Việc phản biện khoa học theo cách này khác nào chuyện kể dân gian “Thầy bói xem voi”. Vì mù nên các thầy bói không nhìn thấy gì. Mỗi ông thầy bói phán theo cảm nhận riêng của mình mà không có góc nhìn tổng thể về con voi đã tạo nên tình huống khôi hài.

Khi các nhà khoa học không cùng chuyên ngành, nhận xét đánh giá luận văn ở lĩnh vực khác chả khác nào “thầy bói mù”.

Kết quả chắc chắn sẽ có sự lệch lạc và cuối cùng là những nhận xét, góp ý, đánh giá về đề tài theo kiểu tùy hứng, tùy tiện.

Trả lời báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài viết “Làm khoa học cũng có chuyện con voi chui lọt lỗ kim” trước những nghi ngại về chất lượng của các luận văn thạc sĩ do Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh hướng dẫn, ông Phạm Văn Đức – Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Chất lượng đào tạo có hội đồng bảo vệ thẩm định”.
.


Viện Khoa học xã hội nơi đào tạo 350 tiến sĩ , 1500 thạc sĩ mỗi năm (ảnh giaoduc.net.vn).

Nhưng với kiểu thành lập hội đồng khoa học tùy tiện, sai nguyên tắc như thế này thì làm sao đảm bảo chất lượng?

Cũng trong kết luận thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng một người hướng dẫn số lượng học viên vượt quá quy định không chỉ có riêng ông Võ Khánh Vinh.

Theo kết luận thanh tra thì khi kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá quy định.

Cần phải trở lại với câu hỏi: Vì sao Việt Nam nhiều "Tiến sĩ giấy"?

Kết luận thanh tra về công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội đã chỉ ra nhiều điểm không đúng.

Thông báo tuyển sinh trình độ Tiến sĩ có nội dung về điều kiện dự tuyển của nhiều ngành chuyên ngành khác với ngành chuyên ngành đăng ký được dự tuyển nghiên cứu sinh;

Người có bằng Thạc sĩ các ngành Chính trị học, Hành chính học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Quản lý khoa học và công nghệ được dự tuyển cả 4 chuyên ngành Luật (Luật Hiến pháp và Luật hàn chính, Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự, Luật Kinh tế; Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm).

Người có bằng thạc sĩ ngành Chính sách công, Quản lý công được dự thi chuyên ngành Kinh tế quốc tế…;

Kiểm tra xác xuất hồ sơ của 12 nghiên cứu sinh trúng tuyển 2016 cho thấy, phiếu đánh giá hồ sơ thí sinh của cả 5 thành viên tiểu ban chuyên môn chỉ cho điểm đánh giá bài luận về dự định nghiên cứu, không cho điểm hồ sơ trên phiếu đánh giá, chưa tổng hợp đầy đủ kết quả điểm đánh giá trong biên bản.

Về công tác tổ chức quản lý đào tạo trình độ Tiến sĩ, từ năm 2015 trở về trước, Học viện chỉ ban hành Đề cương các học phần ở trình độ Tiến sĩ cho các ngành, chuyên ngành đạo tạo, không ban hành Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ theo quy định.

Về cấu trúc chương trình đào tạo, trong tất cả các chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các thành phần theo đúng quy định.

Các học phần ở trình độ Tiến sĩ không có các học phần lựa chọn theo đúng quy định. Tất cả các chương trình đào tạo đều có cấu trúc chương trình gồm 16 tín chỉ chưa đúng quy định.

Học viện chưa xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra của các ngành chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ, chưa thực hiện việc công bố công khai chương trình đào tạo, mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trên trang thông tin điện tử theo đúng quy định.

Kiểm tra danh sách hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý giáo dục (năm 2015) cho thấy có nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn chưa đúng quy định: Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Phước Minh là Tiến sĩ ngành kinh tế, nhưng lại được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh Trần Thị Lan Thu chuyên ngành Quản lý giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học.

Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ nghiên cứu sinh cho thấy có 3/5 hồ sơ nghiên cứu sinh có bằng Thạc sĩ không phải là ngành đúng và ngành phù hợp với ngành chuyên ngành nghiên cứu sinh đang học hoặc đã tốt nghiệp.

Kiểm tra hồ sơ quản lý đào tạo nghiên cứu sinh cho thấy, hồ sơ của nghiên cứu sinh Phạm Văn Thùy chuyên ngành quản lý kinh tế và nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Khoa chuyên ngành Luật kinh tế cho thấy, bản nhận xét phản biện, bản nhận xét tóm tắt luận án Tiến sĩ không ghi ngày tháng, không ký tên người phản biện.

Nghiên cứu sinh Phạm Văn Thùy có bằng Thạc sĩ do Trường Đại học Griggs cấp nhưng chưa thực hiện việc công nhận văn bằng theo quy định.

Nhận xét phản biện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn; Bản nhận xét tóm tắt luận án Tiến sĩ của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Cù Chí Lợi không ghi ngày tháng, không ký tên;

Đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của nghiên cứu sinh không ghi ngày tháng, không có họ tên nghiên cứu sinh và không có các thông tin về tên đề tài, chuyên ngành… nhưng lại có xác nhận đồng ý của người hướng dẫn;

Nghị quyết của Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Học viện không ghi ngày ban hành…

Với hàng loạt các sai phạm đã được chỉ ra, đây là những sai phạm cố ý, cần thiết phải xem rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai sót trên.

Không thể để tình trạng, một trung tâm đào tạo các nhà khoa học lại trở thành nơi đào tạo vô lối như vậy.


Bạch Đằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét