Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Ăn mày dĩ vãng


VNTB - Ăn mày dĩ vãng

0 Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Trúc Giang (VNTB) Từ chiều ngày 1-9-2017 đã râm ran tin ông cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam (từ năm 1988 – 1999) sẽ chính thức đưa ra lời tuyên bố từ bỏ “đảng Nguyễn Phú Trọng” vào ngày 2-9-2017 đã nhanh chóng thu hút sự... tò mò; vì trên thực tế Việt Nam vẫn là chế độ độc đảng toàn trị (Điều 4, Hiến pháp 2013).



Gs Tương Lai

Đảng viên Cộng sản sẽ lật đổ chính mình?


Ông cựu Viện trưởng trả lời Đài RFA như sau (trích): “Tôi đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này, thì như tôi đã viết trong lời tuyên bố để nói rằng đây là một cái ý định nghiêm túc và nhất quán từ trước tới nay, chứ không phải là chịu tác động của một nhân tố mới ngẫu nhiên nào.


Vì sao? Vì tôi khi tôi ở lại trong đảng mà tôi biết rằng Nguyễn Phú Trọng thao túng nhưng mà tôi vẫn cố gắng kiên trì ở lại để làm gì? Vì tôi biết rằng hiện tại chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế đảng cầm quyền hiện nay, và kinh nghiệm lịch sử cho thấy chỉ những người cộng sản, những người đảng viên trong nội bộ đó tự chuyển biến để mà giải quyết vấn đề thay đổi thế chế chính trị giống như những nước xã hội chủ nghĩa khác đã làm. 
Vì thế mà tôi ở lại trong cái đảng của Nguyễn Phú Trọng, nhưng mà tôi ở lại trong cái đảng Nguyễn Phú Trọng này với tư cách của một người đảng viên không công nhận đảng cầm quyền này là đảng tiếp nối của truyền thống của đảng của Hồ Chí Minh.


Tôi ở lại với tính cách là một đảng viên đảng Lao động Việt Nam như khi tôi vào đảng là đảng của Hồ Chí Minh. Nhưng mà đến bây giờ vì một sự kiện như tôi đã nói trong bản tuyên bố khiến người ta vì một lý lẽ gì đấy để làm vừa lòng ai đó gây sức ép sau khi tôi tổ chức làm kỷ niệm Lưu Hiểu Ba, thì người ta quyết liệt phải khai trừ tôi ra khỏi đảng. Đây là một thái độ hèn nhát của đảng cầm quyền này trước những sức ép của bên ngoài. Chính vì thế dù muốn hay không thì tôi không thể nào ẩn nhẫn được nữa. Vì thế tôi quyết định tuyên bố lấy ngày 2/9 này để tôi dứt bỏ mọi liên hệ với đảng cầm quyền do Nguyễn Phú Trọng thao túng. [https://goo.gl/t3TX2q]


Một dĩ vãng nhắc lại vẫn rùng mình


Câu hỏi đặt ra theo ngôn ngữ dân dã: thế thì ông cựu Viện trưởng nghĩ gì khi Đảng Lao động Việt Nam mà ông đang tự hào ấy, lại là cha đẻ của “chương trình Cải cách ruộng đất” được đánh giá là một sai lầm chết người trong lịch sử?


Sách sử của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 11-2 đến ngày 19-2-1951 tại Vinh Quang, Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Đại hội đã quyết định thành lập ở Việt Nam, Lào và Campuchia mỗi nước một đảng Mác - Lênin riêng biệt thích hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc. Đại hội quyết định ở Việt Nam lập Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia” [https://goo.gl/ihR9Td]


Ông Trường Chinh là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Lao động Việt Nam [https://goo.gl/ihR9Td], và ông cũng là trưởng ban chỉ đạo trong cuộc Cải cách ruộng đất. Kết quả là việc thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả to lớn. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan. Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66% ["Phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất", Tạp chí Xưa&Nay, Hà Nội, số 297, 2007, trang 10 – 15]


Bình mới, rượu cũ


Hạ tuần tháng 12-1976, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm có 11 chương, 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức vụ Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 uỷ viên chính thức và 32 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết. Ông Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


Như vậy, có thể thấy rằng Đảng Lao động Việt Nam hình thành để thích ứng với từng giai đoạn khác nhau của lịch sử. Sau tháng 4-1975, kết thúc chiến tranh giữa hai miền Bắc – Nam, cũng đồng nghĩa kết thúc vai trò của Đảng Lao động Việt Nam. Do đó, việc tuyên bố là đảng viên trung thành của Đảng Lao động Việt Nam hôm 2-9-2017 của ông cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói trên, cho thấy dường như chỉ mang ý nghĩa tố cáo về sự độc tài chuyên chế của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại.


Có người bình phẩm rằng tuyên bố ông cựu Viện trưởng lại làm người ta nhớ đến nhà văn quân đội – đại tá Chu Lai với tiểu thuyết để đời: “Ăn mày dĩ vãng”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét