Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Đồng Tâm lại phân tâm


Nguyễn Sĩ Dũng - Đồng Tâm lại phân tâm

Đăng bởi Elvis Ất on Friday, June 16, 2017 | 16.6.17



Mặc dù khởi tố điều tra chỉ là một công đoạn trong tố tụng hình sự, người dân Đồng Tâm có bị truy tố hay không là điều chưa thể khẳng định được vào lúc này, quyết định của Công an tp Hà Nội “khởi tố vụ án hình sự để điều tra hai tội danh bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” đang làm rất nhiều người phải băn khoăn.



TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Trước hết, người ta băn khoăn vì Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm. Cam kết của ông Chung là một cam kết nhân danh chính quyền. Nếu cam kết này chẳng có ý nghĩa gì, thì các cam kết khác của chính quyền nên được hiểu như thế nào?!


Hai là, quyền phản kháng chống lại hành vi bắt giữ người trái pháp luật là một quyền được pháp luật của nhiều nước theo pháp quyền công nhận*. Người dân Đồng Tâm bắt giữ người của chính quyền, vì trước đó những người đại diện cho chính quyền đã bắt giữ cụ Kình và những người dân khác trái pháp luật. Đây quả thực là một sự phản kháng chống lại hành vi bắt người trái pháp luật.


Người dân Đồng Tâm cũng như những người dân Việt nam khác cũng đang sống trong một nhà nước pháp quyền, vậy họ có quyền phản kháng chống lại việc bắt giữ người trái pháp luật hay không? Cho dù, pháp luật nước ta không ghi nhận quyền này (cũng như rất nhiều quyền khác) ở đâu cả, thì theo nguyên tắc của pháp quyền, người dân vẫn đương nhiên có quyền. Và quyền này chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Khi Hiến pháp đã trao cho tòa án trách nhiệm phải bảo vệ công lý, thì tòa án cũng bắt buộc phải áp dụng pháp luật sao cho quyền này được bảo vệ. Tòa án ở ta đã sẵn sàng làm điều này chưa?


Cuối cùng, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm không chỉ không tạo ra tiền lệ xấu, mà còn thúc đẩy chính quyền phải luôn luôn hành xử hợp pháp. Không có việc bắt giữ người trái pháp luật trước, thì không có gì có thể biện hộ cho việc người dân bắt giữ người của chính quyền cả!

Nguyễn Sĩ Dũng


--------------------------------------


* Beginning with Magna Carta (15 June 1215), the governments of Britain and later the United States of America have recognized the right of the people to forcefully resist unlawful arrest by the governmental agents (including police), using deadly force if necessary. John-Henry Hill. M. D., PhD; The Right to Forcefully Resist Unlawful Arrest (using deadly force, if necessary).


Đại hiến chương Magna Carta được Vua Anh John chấp thuận ngày 15 tháng 6 năm 1215. Đây được coi là văn bản đặt nền tảng cho pháp quyền.


(FB Nguyễn Sĩ Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét