CHUYỆN TỰ DO BÁO CHÍ
Mạc Văn Trang
Chiều 20/6 thằng cháu nhà báo đến chơi tặng cho tập thơ.
-Sao mày chán báo đi làm thơ à?
- Vẫn làm báo, nhưng những cái bức xúc không nói được bằng báo thì làm thơ cũng là cách giải tỏa …
- Sao bảo bây giờ báo chí “quốc doanh” cũng tự do lắm cơ mà?
- Tự do được nói một nửa sự thật…
- À, chú mới tìm thấy bài của Phan Đăng Lưu nói về “Tự do báo chí” rất ngắn gọn mà hay”.
- Ông Phan Đăng Lưu cũng họ mình đấy chú nhỉ. Có bao nhiêu họ đã tìm lại gốc họ Mạc rồi chú?
- Có hơn 50 họ rồi. Anh nào có đệm chữ “Đăng” cũng là một trong những chỉ dấu gốc Mạc đấy: Trần Đăng Ninh, Trần Đăng Úy, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Đăng Khoa…
- Cháu có đọc bài “Về tự do báo chí” của Phan Đăng Lưu rồi, viết từ 1938 nay vẫn nguyên giá trị…
- Nhưng ông ấy sống đến ngày nay vẫn đòi tự do báo chí theo tư tưởng ấy, chắc chính quyền Nguyễn Tấn Dũng cho đi tù rồi…
- Hoặc là ông ấy cũng trở thành Nguyễn Tấn Dũng, vì cơ chế làm nên con người mà…
- Có lý! Có lý! Hậu sinh khả úy. Thằng cháu thế mà khá!
Dưới đây là bài viết của Phan Đăng lưu trên tờ BáoTiếng Dân (số ra ngày 19/1/1938).
Về tự do báo chí
Phan Đăng Lưu
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền, vì nhiều lẽ:
1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.
Báo DÂN TIẾN (số ra ngày 10/11/1938)
Ghi chú:
Phan Đăng Lưu, (1902-1941) là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông tốt nghiệp Trường Canh nông và tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng) giữ chức uỷ viên Tổng bộ. Ngày 15 tháng 12 năm 1928, ông sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, sau gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 9/1929, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt và bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Ra tù năm 1936, ông tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế. Trong thời gian này ông đã viết nhiều bài báo, tác phẩm với bút danh Tân Cương, Phi Bằng.
Năm 1938, ông được bầu uỷ viên ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Đông dương và uỷ viên thường vụ trung ương. Tháng 11/1939, ông tham dự Hội nghị thứ VI (Hội nghị quyết định nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế).
Tháng 11/1940, tại Hội nghị VII của Ban Chấp hành trung ương Đảng CSĐD, ông được bầu là Ủy viên Thường vụ và được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ. Tháng 11/1940, ông bị bắt khi vừa về đến Sài Gòn. Ngày 18/8/1941, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị bắn ở Hóc Môn.
M.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét