Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Chống tham nhũng không phải là công cụ chia chác tiền tham nhũng


Huy Đức - Chống tham nhũng không phải là công cụ chia chác tiền tham nhũng

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, June 28, 2017 | 28.6.17

Quang cảnh buổi họp báo sáng nay 28/6.

Một xã hội càng tha hóa khi những kẻ nhân danh chống tham nhũng coi công cuộc cấp thiết này như một công cụ chia chác tiền tham nhũng. Khi Duy Phong bị bắt, rất nhiều đồng nghiệp ở miền Bắc cho tôi biết những tai tiếng trước đó của anh nhưng tôi vẫn khuyên các bạn trẻ đừng định kiến, cần suy đoán theo hướng vô tội. Và, đây là một diễn tiến không bất ngờ nhưng thật đau lòng.


Cho dù vụ "bắt quả tang nhận tiền tại bàn ăn" có nhiều dấu hiệu là một vụ gài bẫy, tôi vẫn phê phán sự "bất cẩn" của Duy Phong và báo GDVN khi vừa "chống tham nhũng ở Yên Bái" lại có thể quay lại đó mà không cảnh giác. Nếu đúng như Bộ Công an đã thông tin, trong thời điểm đó mà Phong vẫn còn có thể lên Yên Bái "cung cấp thông tin" và yêu cầu Giám đốc sở KHĐT, Vũ Xuân Sáng, đưa 200 triệu, thì đúng như tôi chat với một nhà báo trẻ ở HN, "tôi không đủ kiến thức để hiểu thế hệ nhà báo hiện nay".


Hành động đưa 200 triệu cho Duy Phong của ông Vũ Xuân Sáng đã đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ, nhất là khi CAYB khởi tố Duy phong về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn". Tuy nhiên, rất có thể Yên Bái sẽ cứu ông Sáng bằng cách coi đó như một kịch bản "làm án" của CAYB [thay vì bắt Duy Phong khi ông Sáng đưa 100 triệu lần hai, CA đã bắt Duy Phong theo kịch bản không có ông Sáng]. Trong trường hợp đó thì phải khởi tố cả ông Thực và ông Sáng theo Điều 20 của BLHS, "xúi dục người khác phạm tội".


Cả hai tình huống đều đã có án lệ: Vụ án xử nhà báo Hoàng Khương, Tuổi Trẻ 4 năm tù; và vụ phòng PV11, CATP HCM yêu cầu khởi tố nhà báo Nguyễn Hoài Nam, Thanh Niên, khi anh được cho là "bẫy CSGT nhận hối lộ"; PC11 coi hành vi của Hoài Nam, tương tự như hành vi của ông Thực và ông Sáng, là "tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội".


Huy Đức
(FB Trương Huy San)
.......

Bộ Công an thông tin về vụ bắt nhà báo Duy Phong



Quang cảnh buổi họp báo sáng nay 28/6.

Trong buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2017, sáng nay 28/6, phóng viên đặt câu hỏi: Liên quan đến vụ bắt giữ nhà báo Duy Phong, Báo Giáo dục Việt Nam, Công an tỉnh đã báo cáo sự việc tới Bộ Công an như thế nào? Quan điểm của Bộ trong vụ việc này ra sao?


Trả lời câu hỏi, Trung tướng Trần Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái về việc CATP Yên Bái bắt giữ nhà báo Duy Phong ngày 22/6.


“Đến nay, theo báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nêu một số vi phạm của Sở. Đồng thời, PV Phong cung cấp một số thông tin để giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng.


Thời điểm đó, ông Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, chiều chuyển tiếp 100 triệu đồng” - Trung tướng Tuyến thông tin và cho biết, ngày 22/6, khi bị phát hiện, bắt giữ, nhà báo Duy Phong đã thừa nhận việc nhận tiền ngày 16/6.


Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Yên Bái (Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.


Ông Phong bị bắt về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.


Vào hồi 12h45 ngày 22/6, cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái đã bắt ông Lê Duy Phong (32 tuổi, ở Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, thường trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khi ông này được cho là có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản của một doanh nghiệp tại tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái.


Tiến Nguyên

(Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét