Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Quân đội tạm thôi 'nhảy múa kiếm cơm’, còn công an thì sao?


Quân đội tạm thôi 'nhảy múa kiếm cơm’, còn công an thì sao?

Đăng bởi Elvis Ất on Monday, June 26, 2017 | 26.6.17



Rõ ràng, làm kinh tế trong đội ngũ giữ gìn an ninh quốc gia đang biến lực lượng này thành hủ hóa, và khiến cho an ninh bị xâm hại nghiêm trọng; tính trục lợi từ “tài nguyên quốc gia” ở Bộ quốc phòng đã chuyển thành trục lợi “chính sách quốc gia” ở Bộ Công an.




Quân đội thôi “nhảy múa kiếm cơm”?

Ngày 23/06 đón một tin đặc biệt, khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa’. Thay vào đó là tập trung xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ bảo vệ Đảng.


Quan điểm nào diễn ra trong bối cảnh của ‘sân golf Tân Sơn Nhất’, và nối tiếp ý kiến của thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, về vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó khẳng định: Nếu có nhiệm vụ quốc phòng sẽ thu hồi sân golf vô điều kiện.


Là một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong thời đại Cộng sản, tôi thích cách đặt tiêu đề của Zing hay Vnmedia hơn là của báo Thanh Niên. Đó là: Thượng tướng Lê Chiêm: Quân đội xem xét không làm kinh tế nữa.


“Xem xét” là một quá trình, là sự lưỡng lự buông bỏ lợi ích. “Không” là một sự quyết định mang tính chắc chắn.


Rõ ràng, hoàn cảnh hiện tại của quân đội, khi bất động sản – ngân hàng – viễn thông là những mối lợi sinh ra cho tướng lĩnh cấp cao, thì “xem xét” vẫn là một cụm từ chuẩn nhất để phản ảnh, ít nhất nó đảm bảo cho tướng lĩnh không bị “bất ngờ”, và tìm một con đường lui đẹp.


Ngay trong trường hợp không còn “lăn tăn gì hết”, thì “cổ phần hóa, thoái vốn” hết cũng là một vấn đề cực kỳ nan giải và mang hơi hướng lợi ích. Một bất động sản có trị giá 100 tỷ đồng không phải vị tướng lĩnh nào cũng muốn “thoái vốn, cổ phần hóa” nó cả, do vậy, ngay cả khi làm vậy, nó cũng là một hình thức mang tính chuyển nhượng từ lợi ích quân sự sang lợi ích dân sự.


Không nói đâu xa, Tân Cảng Sài Gòn vốn là một doanh nghiệp quân đội trực thuộc Quân chủng Hải quân, nhưng nó trở nên đắt giá hơn khi có tuyến Metro số 1 đi ngang qua. Và sau khi “thoái vốn sâu”, thì nó nghiễm nhiên thuộc về một đại gia bất động sản có tiếng Vingroup, với dự án Vinhomes Central Park – Vinhomes Tân Cảng.


Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy tính chất “nhảy múa kiếm cơm” ở một dạng khác. Khi hậu thoái vốn, cổ phần hóa là những món quà lớn hơn cho một ít người nằm trong quân đội.


Công an thì sao?


Lực lượng công an là một tấm khiên của chế độ, trấn áp mọi lực lượng mà Đảng và Nhà nước nhận ra là nguy hại trong đất nước. Nhưng lực lượng này chủ yếu là được quyền sinh sát, còn khả năng ra tiền, thì cấp dưới có vẻ làm ăn thuận lợi hơn, nhất là trong mảng kiểm soát giao thông (CSGT).


Dù có sẵn nhà máy in, bệnh viện, viễn thông (Gtel), cơ khí, may, nhưng có vẻ, việc “chiếm tài nguyên quốc gia” để làm ăn như quân đội có phần chậm chân hơn (một phần thiếu vai trò ‘an ninh quốc phòng’). Tuy thế, sau đó, do được ĐH XII đề cập đến vai trò an ninh kinh tế hay công nghiệp an ninh với sự ưu ái lớn lao, nên vào tháng 4/2015, Bộ Công An được tiếp nhận Cục Kế hoạch và Đầu tư từ Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, và cho ra đời thêm Cục Quản lý công nghiệp an ninh và doanh nghiệp. Nhiệm vụ của sự ra đời này là gì? Đó là, “bảo đảm chủ động trong hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác chiến đấu của các lực lượng Công an nhân dân (CAND) và tạo sự bình đẳng, lành mạnh trong nền kinh tế đất nước.”


Bỏ qua công tác phục vụ chiến đấu, về mặt “bình đẳng, lành mạnh” liệu có thực sự bình đẳng giữa một doanh nghiệp dân sự và một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an, ngay trong vấn đề đấu thầu chẳng hạn?


Sẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc đến Doanh nghiệp Nam Triệu, cùng được ra mắt cùng thời gian nêu trên. Năm 2016, Nam Triệu được “tăng cường” thêm một doanh nghiệp cơ khí thuộc Bộ GTVT, và được tặng nhiều bằng khen thi đua từ Chính phủ đến các Bộ ngành trong hoạt động “sản xuất” phục vụ quốc phòng, an ninh và tham gia thị trường kinh tế. Cũng chính vì yếu tố “an ninh”, nên doanh nghiệp này được ngư dân Bình Định tin tưởng, giao cho vụ “đóng tàu sắt” (thuộc chiến lược mở rộng khả năng bám biển, thực hành quyền lãnh thổ), kết quả, hàng loạt tàu vỏ thép ở địa phương này đã bị hỏng sau khi hạ thủy ít lâu. Động cơ – vốn là lõi của tàu lại không phải là “máy thủy chính hãng mà có dấu hiệu hoán cải từ máy bộ”. Nhưng doanh nghiệp này không thừa nhận lỗi sai mà ngược lại chạy theo quy trình: đổ lỗi ngư dân, dùng tiền bịt miệng, và cuối cùng là công an cơ sở vào cuộc làm rõ.


Điều đó cho thấy rằng, không những tạo ra sự thiếu bình đẳng trong cạnh tranh; mà ngay cả khi nhận nhiệm vụ kinh tế - doanh nghiệp thuộc Bộ Công an cũng không hề “lành mạnh”. Hoạt động kinh tế yếu kém (như công ty viễn thông Gtel) hay cẩu thả và vô đạo đức doanh nghiệp (công ty Nam Triệu) là thứ đã và đang diễn ra. Làm sao để kiểm soát được chất lượng doanh nghiệp khi “vừa đá bóng lại vừa thủ kèn”; làm sao có thể bảo đảm “an ninh, quốc phòng” khi ngay cả khi “ra khơi bám biển”[1], giữ chủ quyền quốc gia từ Nghị Định 67 cũng bị chính doanh nghiệp Bộ Công an trục lợi.


Kết


Rõ ràng, làm kinh tế trong đội ngũ giữ gìn an ninh quốc gia đang biến lực lượng này thành hủ hóa, và khiến cho an ninh bị xâm hại nghiêm trọng; tính trục lợi từ “tài nguyên quốc gia” ở Bộ quốc phòng đã chuyển thành trục lợi “chính sách quốc gia” ở Bộ Công an.


Do đó, từ sự kiện ngày 23/06, nên chăng, tiếp tục ra một quyết định cấm hoạt động kinh tế ở cả Bộ Công an. Đưa cả hai Bộ thuộc lực lượng vũ trang, giữ gìn an ninh quốc gia – quốc phòng dân tộc trở về đúng vị trí của nó! Đó mới chính là một cách ngăn chặn lợi ích nhóm; suy thoái niềm tin trong nhân dân; và tăng cường sự vững mạnh về trật tự của dân tộc Việt.


[1] http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/dong-tau-vo-sat-giup-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-371960/


Anh Văn


(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét