Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Bi hài kịch của VN về chủ quyền biển đảo.


Bi hài kịch của VN về chủ quyền biển đảo.

Đăng bởi Elvis Ất on Saturday, June 24, 2017 | 24.6.17



Nhiều bạn bè facebook, mỗi lần nói về kiện tụng ở Hoàng Sa, Trường Sa, thường hay nêu yếu tố thời gian trong việc kiện tụng. Một số e ngại rằng, vấn đề Hoàng Sa, TQ đã chiếm của VN. Lần thứ nhứt, nhóm An Vĩnh, chiếm khi Chiến tranh Thế giới thứ II vừa tàn. Đến nay là đã hơn 70 năm. Lần thứ hai, tháng giêng năm 1974, TQ chiếm nhóm Nguyệt Thiềm (còn gọi là Trăng khuyết hay Lưỡi liềm). Đến nay đã 43 năm.






Điều lo ngại của bạn bè là có căn cứ.


Tập quán ở nhiều quốc gia cho thấy, thời gian là một yếu tố quan trọng để xác lập “quyền sở hữu” đất đai. Nếu một bên (tranh chấp) không biểu lộ thái độ phản đối trong một khoản thời gian xác định trước (thông thường là 30 năm hay 50 năm), việc tranh chấp xem như “tàn”.


Thí dụ: một nông dân khai thác một vùng đất “vô chủ”. Nếu trong vòng 50 năm (hay 30 năm) mà nhà nước, hay một ai đó, không ai lên tiếng phản đối. Người nông dân kia sẽ được quyền “thụ đắc”.


Thí dụ khác. Hai láng giềng cất nhà kế cận nhau. Bên A lấn sang bên B vài thước đất. Nếu bên B không kiện cáo trong vòng 30 năm (hay 50 năm), khoảnh đất mà anh A lấn sẽ thuộc vĩnh viễn về anh A.


Dầu vậy, trên bình diện “quốc gia” thì sự việc không hoàn toàn như vậy.


Khác nhau thứ nhứt là về “ý nghĩa ngôn từ”. Ở đây là ý nghĩa của “chủ quyền lãnh thổ” và “quyền sở hữu đất đai”.


Chủ quyền ở đây là “quyền lực tối thượng” trên vùng lãnh thổ đó (power, pouvoir). Còn “quyền sở hữu” chỉ là “quyền - right, droit”. “Quyền lực tối thượng” có “quyền - power” ban bố “quyền sở hữu”, cũng như “truất quyền sở hữu đất đai”.


Thứ hai, trên bình diện quốc gia, “chủ quyền” là “tối thượng”. Mọi quốc gia lớn nhỏ bất kỳ, đều “bình đẳng về chủ quyền”.


Tức là “chủ quyền” là thứ không thể truất phế bằng các biện pháp tương tự như “quyền sở hữu”.


Một quốc gia có thể bị “tước đoạt chủ quyền” trên một vùng lãnh thổ bởi một cường quốc khác, bằng phương tiện chiến tranh, hay bằng thủ tục chuyển nhượng.


Một vùng lãnh thổ cũng có thể bị “tách rời” khỏi quốc gia, nếu dân chúng trên vùng lãnh thổ này đồng ý “ly khai”.


Trường hợp HS (và vài bãi đá ở TS) TQ chiếm của VN bằng vũ lực (chiến tranh). Luật quốc tế hiện đại không nhìn nhận chủ quyền ở một vùng lãnh thổ xâm chiếm bằng vũ lực.


Tức là, theo LUẬT, chủ quyền của TQ ở HS (hay các bãi đá ở TS) không được quốc tế nhìn nhận.


Một số trường hợp tranh chấp lãnh thổ khá tương đồng với trường hợp VN (HS và TS).


Trường hợp tranh chấp giữa Argentina và Anh về quần đảo Falklands. Tranh chấp quần đảo Falklands xảy ra trước tranh chấp Hoàng Sa, đến nay vẫn “âm ỉ” chưa “tàn”.


Năm 1816, sau khi Argentina dành được độc lập, có tuyên bố kế thừa Tây Ban Nha về chủ quyền quần đảo Falklands. Đến năm 1832 nước này bắt đầu cho xây dựng một số cơ sở hành chánh trên đảo. Tuy nhiên, năm 1833 tàu chiến của Anh đuổi các di dân Argentina vừa định cư trên đảo và chiếm đóng đảo này. Tranh chấp kéo dài đến năm 1982 thì đưa đến xung đột vũ trang.


Argentina thua trận, nhưng vẫn không tuyên bố từ bỏ chủ quyền.


Cách đây khá lâu, bà tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, được sự ủng hộ của nhiều nước Nam Mỹ, dự định đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế. Tháng tư năm 2015, chính phủ Kirchner kiện 5 công ty khai thác dầu của Anh. Chính phủ này tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra “trước tòa quốc gia và quốc tế”.


Điều đáng chú ý, nhà nước Argentine, qua các chính phủ khác nhau, từ năm 1982 đến nay, là các chính phủ đối chọi nhau về thể chế (độc tài và dân chủ). Tuy vậy tính liên tục quốc gia không hề bị đặt lại.


Nếu so sánh với tranh chấp Hoàng Sa, ta thấy tranh chấp Việt-Trung xảy ra đã trên 100 năm, trong khi tranh chấp Anh-Argentina gần 190 năm. Cuộc chiến Falklands đến nay là 35 năm, cuộc chiến Hoàng Sa là 42 năm.


Yếu tố thời gian cho thấy không tổn hại đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ, với điều kiện là nhà nước (có trách nhiệm) phải thường xuyên “lên tiếng”, hay “có thái độ” đối với vùng lãnh thổ “tranh chấp”.


Niều thí dụ khác, như tranh chấp Nga-Nhật về quần đảo Kouriles từ năm 1945 hay tranh chấp Trung-Nhật về quần đảo Điếu Ngư từ năm 1945 … Nguyên nhân các tranh chấp lãnh thổ này bắt nguồn từ thế kỷ 17, 19…


Tranh chấp Phi-Mã Lai về lãnh thổ, kéo dài từ những năm hai nước vừa độc lập đến nay vẫn chưa giải quyết. (Do việc này mà Phi đã chống đối Đệ trình chung VN - Mã Lai vê Thềm lục địa mở rộng).


Còn nhiều tranh chấp khác trên thế giới về lãnh thổ cũng kéo dài hàng thế kỷ. Một số đã được đưa ra toàn án quốc tế để giải quyết.


Tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Preah Vihear là một tranh chấp kéo dài hơn ½ thế kỷ, với những xung đột vũ trang, phe này chiếm, phe kia chiếm lại nhiều lần v.v… Cuối cùng việc này được dàn xếp (hai lần) trước Tòa Công lý quốc tế.


Các nước Nhật-Nga, Nhật-Trung, Argentina-Anh, VN-TQ cũng như các nước khác… có thế đưa ra một trọng tài phân xử về chủ quyền ở các lãnh thổ tranh chấp bất kỳ lúc nào mà các nước này đồng thuận mong muốn.


Nhưng vấn đề tranh chấp giữa VN và TQ ẩn chứa nhiều “bi kịch”.


Nguyên nhân là đảng CSVN, phía “thắng trận” trong cuộc nội chiến 1954-1975, đã “phủi” sạch trơn, không kế thừa di sản của nhà nước VNCH. Hệ quả đưa lại nhà nước hiện tại không kế thừa chủ quyền của VN tại HS và TS. Mặt khác còn phải có nhiệm vụ thực thi những cam kết mà nhà nước tiền nhiệm VNDCCH đã thể hiện với TQ.


Việc “cay đắng” này đã được ông tướng Phạm Trường Long nhắc lại trước “tứ trụ” VN tuần rồi (18-19 tháng sáu). Đại khái “Nam hải chư đảo” thuộc về TQ. Điều này đã được thủ tướng PV Đồng ký kết nhìn nhận qua công hàm 1958.


“Bi kịch” càng đầy nước mắt (của nhân dân) khi TQ đòi thực hiện “lời hứa” của TBT Lê Khả Phiêu. Theo đó vùng biển TS là vùng biển “có tranh chấp” với TQ. Vụ lùm lùm hôm qua, tôi có viết qua một bàn ngắn, TQ đưa tàu bè vào bãi Tư Chính - Vũng Mây, lập lại vụ Crestone năm 1992.


“Bi kịch” còn ẩn chứa nhiều yếu tố chết người. Lãnh đạo CSVN đã vượt qua thẩm quyền, đạp lên đầu nhân dân VN để ký kết với TQ những “mật ước” mà chỉ có lãnh đạo đảng mới biết nội dung là gì.


Qua các Tuyên bố chung giữa các lãnh đạo đảng, ta mới biết rằng hai bên đã có “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”.


Trời mới biết các “nguyên tắc cơ bản” đó là gì ?


Nhưng ta có thể tiên đoán rằng, một trong những “nguyên tắc chỉ đạo” là VN cam kết không kiện TQ ra Tòa quốc tế.


Hiện nay có vô số có hội để VN “đơn phương” kiện TQ ra trước Tòa quốc tế, như Tòa án về Luật Biển 1982 - tương tự Phi đơn phương kiện TQ năm 2013 (trong vấn đề xâm lấn vùng EEZ của VN, tại vùng biển Phú Khánh hay tại các bãi Tư Chính - Vũng Mây).


Tứ trụ VN “thủ khẩu như bình” trước thái độ hống hánh của ông tướng Phạm Trường Long. Ông này ngoe nguẩy bỏ ra về, trong khi “học giả” VN nói là phía VN “mời” ông này về.


Đúng là nghe qua “té ghế”. TQ chỉ cần “làm mặt giận” với VN, kiểu không nhập cảng cái thứ gì của VN hết. Không cho du khách sang VN. Một tháng sau là bầu đoàn thê tử CSVN lục đục sang Bắc Kinh, quì lạy chai đầu gối sói trán năn nỉ thiên triều “bót giận”.


Với tư cách một “học giả phản động”, đảng CSVN cho rằng tôi “chống phá nhà nước”. Nhưng không ai đưa được bằng chứng cho thấy tôi “chống phá đất nước” ở chỗ nào.


Như hàng triệu triệu công dân VN khác, tôi “yêu nước” và “bảo vệ đất nước” theo “cách của tôi”.


Đó là tôi thường xuyên tố cáo lãnh đạo CSVN âm mưu bán nước đồng thời chỉ ra những phương cách để VN giành lại, nếu không phải chủ quyền lãnh thổ, thì cũng giữ không cho quyền lợi của VN bị thiệt hại trước các thế lực xâm lăng.


Trương Nhân Tuấn


(FB Trương Nhân Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét