Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Việt Nam chìm trong nợ công, có thể gây bất ổn xã hội


Việt Nam chìm trong nợ công, có thể gây bất ổn xã hội

Đăng bởi Elvis Ất on Monday, June 26, 2017 | 26.6.17



Nợ công Việt Nam đã chẳng hề được cải thiện nguy biến sóng thần của nó sau kỳ họp Quốc Hội Tháng Năm-Sáu, 2017, khi đảng tràn đầy quyết tâm “tự chuyển hóa” bất ổn chính trị thành bất ổn xã hội.






Quyết tâm “tống khứ doanh nghiệp nhà nước”


Chỉ vào những ngày cuối cùng của kỳ họp trên, một quan chức mang trọng trách an nguy nhất về vay nợ là Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng mới đề cập về những lý do tại sao không nên đưa nợ tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào nợ công: theo hướng dẫn Ngân Hàng Thế Giới (WB), chỉ tính nợ tự vay tự trả vào nợ công nếu thỏa mãn 3 điều kiện đồng thời: Chính phủ sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp, hoạt động thu chi của doanh nghiệp được tính trong dự toán thu chi hàng năm, và chính phủ cam kết trả nợ thay nếu chủ thể đi vay không thể trả được nợ.


Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, khảo sát hơn 40 nước thì hầu hết là không tính nợ của DNNN vào nợ công, chỉ có 3 nước.


Cần lưu ý rằng trước đó, chưa bao giờ một quan chức hay một cơ quan chức năng nào của Việt Nam “phát hiện” ra 3 tiêu chí trên. Trước đó nhiều năm, đặc biệt là từ năm 2011 khi tình hình kinh tế Việt Nam bắt đầu trở nên be bét và nợ đã chất thành núi, nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã tính toán một cách cẩn thận về nợ công của Việt Nam và đưa ra những con số vượt hẳn số báo cáo của chính phủ thời đó của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời yêu cầu Việt Nam phải tính nợ của DNNN vào nợ công theo đúng tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.


Vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “ra lệnh” chỉ nằm vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, DNNN vào phạm trù nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 – lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%, còn chính phủ bắt buộc phải ban hành nghị quyết về “thắt lưng buộc bụng” sau một thời gian dài “đầu tư liên tục, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ” như một triết lý cảnh báo của chuyên gia phương Tây đối với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.


Nhưng cho đến nay, “người thừa kế” của ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa vượt thoát khỏi bức tường kiên cố giả tạo của các bộ ngành đảm trách việc vay và trả nợ. Số báo cáo về nợ công của chính phủ hiện thời vẫn chỉ “sát ngưỡng nguy hiểm,” tức sát mức 65% GDP, cho dù vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã buột ra một đánh giá xuất thần: “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần.”


Không những vượt trần mà còn vượt xa!


Một phân tích mới nhất của Tiến Sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã cho biết nợ của 3,200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng Cục Thống Kê năm 2014 là 4.9 triệu tỷ đồng ($231 tỷ), gấp nhiều lần con số 1.5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài Chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là $324 tỷ, bằng 158% GDP.


Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là $431 tỷ, lên đến 210% GDP.


Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.


Chẳng hạn với 12 tập đoàn nhà nước đã lỗ 218 nghìn tỷ đồng, chiếm 8.76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng, trong đó có 4 tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam (72,300 tỷ), EVN (62,800 tỷ), Vinacomin (20,500 tỷ) và Vinashin (19,600 tỷ). Cả 4 tập đoàn này đều nằm trong những DNNN được chính phủ bảo lãnh để “phát triển kinh tế.”


“Phán quyết” mới nhất của chính phủ là cơ quan này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài chỉ đúng $1 tỷ trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh $2.5 tỷ trong năm 2015 và $1.5 tỷ trong năm 2016.


Hẳn nhiên đây là tình thế tất yếu bởi ngân sách quốc gia hiện thời là cực kỳ eo hẹp, thu không đủ chi và hàng năm còn phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la.


Nếu phải lo cả “nợ riêng” của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, chính phủ sẽ rất dễ chết chìm trong biển nợ công.



Nền kinh tế của Việt Nam hiện phần lớn dựa vào giá nhân công rẻ mạt. (Hình: Getty Images)

Hiện tượng lạ: “không tính nợ Ngân hàng nhà nước vào nợ công?”


Trong phần giải trình trước Quốc Hội về Luật Nợ Công, một hiện tượng lạ đã xảy ra: không phải thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), mà lại là Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã lần đầu tiên đề cập đến một câu chuyện rất “nhạy cảm”: với các khoản nợ của NHNN vay để thực hiện chính sách tiền tệ thì không tính vào nợ công, vì NHNN thực hiện vai trò của Ngân Hàng Trung Ương thực thi chính sách tiền tệ đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có việc phát hành các công cụ nợ có kỳ hạn dưới 12 tháng.


Một lý do nữa được ông Đinh Tiến Dũng nêu ra là theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước ngân hàng trung ương là ngân hàng độc lập, thống đốc không phải thành viên của chính phủ, còn ở Việt Nam thì NHNN là đơn vị thuộc chính phủ, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ… Tuy nhiên với vai trò quản lý nhà nước thì NHNN không có chức năng huy động vốn cho chính phủ nên hoạt động huy động vốn của NHNN không thuộc nợ công.


Những dấu hỏi lập tức bật ra: các khoản nợ của NHNN vay để “thực hiện chính sách tiền tệ” là gì? Vì sao từ trước tới nay chưa bao giờ NHNN báo cáo những khoản nợ này cho Quốc Hội để được công khai minh bạch trước cử tri?


Một khi thời Thống Đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã quá tai tiếng về nhiều hậu quả điều hành thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt là để lại một núi nợ xấu khổng lồ lên đến 1.2 triệu tỷ đồng, chiếm đến 40% trong tổng dư nợ cho vay hơn 3 triệu tỷ đồng vào thời điểm năm 2011, có quá nhiều nghi ngờ về chuyện vay nợ để “thực hiện chính sách tiền tệ” là “treo đầu dê bán thịt chó” và nhằm trục lợi.


Một mâu thuẫn lớn cũng tiếp theo giải trình của ông Đinh Tiến Dũng: nếu loại nợ NHNN khỏi nợ công, tức coi NHNN là một DNNN. Vậy NHNN có còn là cơ quan quản lý, hay “vừa đá bóng vừa thổi còi?”


Trong thực tế, NHNN phải chịu trách nhiệm về nhiều khoản nợ xấu của nhiều DNNN. Nếu các doanh nghiệp đó không trả được thì NHNN phải trả, mà NHNN lại là cơ quan quản lý, không ai có trách nhiệm trả. Như vậy chẳng lẽ NHNN sẽ phá sản? Mà phá sản thì lấy ai “điều hành chính sách tiền tệ?”


Biến bất ổn chính trị thành bất ổn xã hội


Chính điều kiện “Chính phủ sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp” mà Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng nại ra để thuyết phục “không nên đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công” đã thật bất ổn: trong khi hầu hết DNNN có nguồn gốc từ vốn nhà nước, tại sao không đưa núi nợ của những DNNN đó vào nợ công khi chính phủ và các bộ ngành vẫn chưa hề công bố một báo cáo phân tích rạch ròi nào về chuyện bao nhiêu DNNN do chính phủ sở hữu trên 50% vốn và bao nhiêu dưới 50%, tổng giá trị các loại nợ tự vay tự trả và nợ do chính phủ bảo lãnh vay là bao nhiêu…?


Cái cách cố tình loại nợ của DNNN và NHNN khỏi nợ công để chính quyền tạm tránh được bất ổn chính trị, vẫn tạm thời bảo đảm việc chi thường xuyên lương thưởng cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức với ít nhất 30% trong số đó bị dư luận coi là “không làm gì cả,” đang đẩy bất ổn xã hội cho xã hội, nhất là rất nhiều người nghèo chẳng hiểu sao họ và các đời con cháu họ phải gánh một món nợ khủng khiếp từ trên trời rơi xuống.


Một khi chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và DNNN, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên DNNN bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.


Và sẽ ập đến cả một phong trào “bắt DNNN,” đi đôi với chiến dịch “bắt ngân hàng” đã, đang và sẽ gây náo loạn. Nạn thất nghiệp ở Việt Nam, vốn đã có thể lên đến 20% chứ không hải chỉ hơn 2% như số báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, sẽ càng ghê gớm hơn.


Thất nghiệp lại phần nào tiếp sức cho tệ nạn xã hội và rối loạn xã hội. Từ đó sẽ dẫn đến bất ổn chính trị.


Phương châm “tống khứ nợ DNNN” của chính phủ và Quốc Hội đã chẳng hề giải quyết được bất kỳ một nội dung thực chất nào. Tất cả nguy biến vẫn còn treo nguyên đó, chỉ chờ bùng phát.


Phạm Chí Dũng


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét