Kami - Vì sao chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất Giáo sư Phạm Minh Hoàng vào lúc này?
Đăng bởi Tiểu Nhi on Friday, June 30, 2017 | 30.6.17
Có thể nói rằng, việc chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là vấn đề nằm trong lộ trình xây dựng một môi trường đối lập chính trị lành mạnh, phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và được phía Việt Nam chấp nhận. Có ý kiến cho rằng, quan trọng hơn nó là thông điệp của chính quyền Việt Nam cho thấy họ đã và tiếp tục không chấp nhận cho đảng Việt Tân có chỗ đứng trong môi trường đối lập chính trị "lành mạnh" sẽ có trong thời gian sắp tới.
Hình minh họa
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, ngày 23/6, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã ra quyết định trục xuất ông Phạm Minh Hoàng do vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước đó, ngày 17/5, Chủ tịch nước đã ra quyết định số 832/QĐ-CTN về việc tước quốc tịch Việt Nam đối với ông Phạm Minh Hoàng do vi phạm pháp luật Việt Nam. Sau khi bị tước quốc tịch Việt Nam thì việc cư trú của Hoàng tại Việt Nam là bất hợp pháp. Ngày 23/6, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã ra quyết định trục xuất ông Phạm Minh Hoàng theo đúng thủ tục hành chính.
Sau đó ngày 24/6, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã cấp giấy thông hành cho ông Hoàng để trở về Pháp với tư cách là công dân Pháp. Đồng thời Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công An đã phối hợp với cơ quan của phía Pháp đưa ông Hoàng trở về Pháp từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến 11h30 ngày 25/6 (tức 6h30 cùng ngày theo giờ địa phương), ông Phạm Minh Hoàng đã trở về Pháp an toàn.
Vào khoảng đầu tháng 6/2017, sau khi có tin thầy giáo Phạm Minh Hoàng sẽ bị chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất, tôi có nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc với đại ý, vì sao nhà nước Việt Nam trục xuất Giáo sư Phạm Minh Hoàng tại thời điểm này? Điều mà người ta cho rằng sẽ là một thách thức lớn của chính quyền Việt Nam đối với phương Tây nói chung và nhà nước Cộng hòa Pháp nói chung?
Theo văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 cho biết, Quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ngày 17 /5/2017 vừa qua.
Được biết, Phạm Minh Hoàng sinh năm 1955 vào năm 1973, ông đã sang Pháp du học và tốt nghiệp học vị thạc sĩ ngành Cơ học ứng dụng. Năm 2000 ông trở về Việt Nam, làm giảng viên hợp đồng dạy môn Toán học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.Trong thời gian đó ông Phạm Minh Hoàng cũng viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến Quốc kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên.Năm 2010 ông Phạm Minh Hoàng bị Cơ quan An Ninh thành phố Hồ Chí Minh bắt giam và sau đó đã bị, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết án về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và đã tuyên phạt ông 3 năm tù giam. Hiện nay sau khi ông Phạm Minh Hoàng bị trục xuất sang Pháp thì tại Sài Gòn ông đang còn vợ và con gái, cùng với một người anh bị tàn tật cần sự chăm sóc của ông.
Về phản ứng của các bên, trước hết phía Chính quyền Việt Nam khi được truyền thông chất vấn về biện pháp tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng trả lời vì ông này vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên bản thân ông Phạm Minh Hoàng đã khẳng định rằng ông không có làm điều gì trái với Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền như tổ chức Phóng viên Không Biên giới nhận định đó là biện pháp chưa từng có của Hà Nội trong việc tước quốc tịch của công dân Việt Nam Phạm Minh Hoàng, nhằm bịt miệng tiếng nói bất đồng hàng đầu này tại Việt Nam. Theo Human Rights Watch thì qua biện pháp cưỡng bức, trục xuất ông Phạm Minh Hoàng, nhà cầm quyền Hà Nội vượt qua làn ranh đỏ đối với các quyền tự do bày tỏ, quyền quốc tịch, các quyền dân sự và chính trị cơ bản. Đồng thời Human Rights Watch cho rằng đó không phải là hành vi của một nhà nước, mà là cách hành xử của một chế độ toàn trị, độc đảng với thành tích vi phạm quyền con người tồi tệ nhất hiện nay trong khối ASEAN. Dù rằng đến lúc này vẫn chưa thấy các phản ứng cụ thể chính thức nào từ các nước phương tây, đặc biệt từ Hoa Kỳ về trường hợp này. Riêng về phía Pháp thì theo BBC cho biết, bà Kiều Oanh vợ của ông Phạm Minh Hoàng đã nói với BBC rằng điều làm bà buồn nhất là khi được nghe ông Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn nói với bà rằng việc chồng bà bị trục xuất là 'không thể tránh khỏi". Vì thế nếu nói việc chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất ông Phạm Minh Hoàng có lẽ cũng không ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước phương Tây cũng không hề sai.
Theo VOA Việt Ngữ, ông Hoàng Tứ Duy, đại diện đảng Việt Tân, có nói chung chung rằng: "Trong thời gian qua, nhà cầm quyền CSVN đã mạnh tay với rất nhiều nhà dân chủ, thuộc đảng Việt Tân và không Việt Tân. Đây là lúc phong trào cần đoàn kết và tranh đấu cho lẽ phải, cho tất cả những nhà hoạt động bị đe dọa.". Cũng theo VOA Việt ngữ, ông Phạm Minh Hoàng đã từng công khai mình là đảng viên Việt Tân, và gần đây đã khẳng định rằng chính quyền muốn tước quốc tịch nhằm "trả thù" các hoạt động cổ súy ôn hòa vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam của ông và của đảng Việt Tân.
Cho dù ông Phạm Minh Hoàng là đảng viên Việt Tân, song ông Phạm Minh Hoàng có lẽ không phải là phần tử nguy hiểm tới mức để chính quyền Việt Nam phải tiến hành trục xuất, vì nếu ông Hoàng là phần tử nguy hiểm đe dọa tới an ninh quốc gia thì an ninh Việt Nam sẽ bắt giữ chứ không trục xuất. Có nghĩa là, việc chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất ông Phạm Minh Hoàng có chứa đựng một ẩn ý và là hành động gián tiếp gửi thông điệp tới tổ chức mà ông Phạm Minh Hoàng là thành viên.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có chuyện như vậy? Và câu trả lời sẽ là:
Trước tiên, chắc chắn vụ việc đối với ông Phạm Minh Hoàng vừa qua phải có mối liên quan đến việc ngày 7/10/2016 Bộ Công an Việt Nam ra thông báo nói Việt Tân "là tổ chức khủng bố" và những ai nhận tài trợ của đảng này "sẽ đồng phạm tội khủng bố". Mà theo nguồn tin khả tín cho biết rằng ông Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công An là tác giả của thông báo này.
Thêm nữa, đáng chú ý là vụ việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng xảy ra vào thời điểm sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 5/2017 vừa qua, mà Bộ trưởng Công An, ông Tô Lâm là một trong những thành viên chủ chốt. Và tin có liên quan là, trước đó ngày ngày 18/5/2017, tại hội nghị toàn quốc trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có tuyên bố sẽ có sự đối thoại, tranh luận với các cá nhân có quan điểm khác biệt với nhà nước, là điều được đánh giá rằng sẽ dọn đường cho việc cải cách chính trị của đảng CSVN trong khuôn khổ trước sức ép từ phía Mỹ.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có các động thái bất bình thường như đã thấy trong mấy ngày qua, cụ thể là chuyến thăm Việt Nam bị rút ngắn của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan kiểm soát các lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các ngày 19 -19/5/2017. Trước đó, theo các chuyên gia quốc tế tại Hoa Kỳ cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ làm tăng thêm thế cho mối quan hệ giữa hai nước, chuyển dịch hơn về hướng chiến lược để đối phó với Trung Quốc. Cụ thể, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam tàu, xuồng tuần duyên. Ngoài ra các tàu Mỹ cũng thường xuyên ghé thăm Việt Nam thời gian qua. Hoa Kỳ vào năm 2015 cũng đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Có thể nói rằng, việc chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là vấn đề nằm trong lộ trình xây dựng một môi trường đối lập chính trị lành mạnh, phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và được phía Việt Nam chấp nhận. Có ý kiến cho rằng, quan trọng hơn nó là thông điệp của chính quyền Việt Nam cho thấy họ đã và tiếp tục không chấp nhận cho đảng Việt Tân có chỗ đứng trong môi trường đối lập chính trị "lành mạnh" sẽ có trong thời gian sắp tới. Và điều đó cũng có thể coi đó là một thất bại của đảng Việt tân. Tuy nhiên đổi lại thì đảng Việt tân cũng có được sự thừa nhận gián tiếp của chính quyền Việt Nam, về việc họ đang là mối đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản hiện nay ở Việt nam. Và như đã nói, các chủ nhân của con thuyền Việt Nam tại Hà Nội hiện nay đã, đang và sẽ không hoan nghênh các vị khách có ý định đục thuyền của họ chung chuyến tàu.
Cần phải thừa nhận lãnh đạo CSVN là những nhân vật cai trị có tính chuyên nghiệp cao và họ luôn luôn có tầm nhìn xa, trông rộng trong mọi các vấn đề. Vì thế tất cả các sự việc diễn ra đều được họ chuẩn bị theo một trình tự hết sức logic, có đây đủ bài bản và lớp lang từ nhiều năm trước. Và vụ việc chính quyền Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất ông Phạm Minh Hoàng là một minh chứng.
Ngày 28 tháng 06 năm 2017
© Kami
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét