Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Những ngày phía trước đầy hỗn loạn


Ls Lê Luân - Những ngày phía trước đầy hỗn loạn

Đăng bởi Elvis Ất on Friday, June 16, 2017 | 16.6.17



Tôi không biết phải mô tả thế nào khi một xã hội rơi vào trạng thái ai cũng như ai, chẳng còn tin tưởng và theo pháp luật mà hành xử với nhau. Người ta chấp nhận bất công đến mức xem thường nó bằng những cái chặc lưỡi vô cùng tàn nhẫn, chúng nó toàn xử nhau bằng "luật rừng" nhưng "chuyện mình đâu mà bận tâm".






Một xã hội mà người dân không thấy bất an hoặc hoảng hốt lo lắng khi tình trạng vô pháp diễn ra, không những thế lại còn thấy điều đó như là một lẽ bình thường trong cuộc sống, thì dân tộc ấy, quốc gia chứa chấp những con người lương tâm vô cảm và hèn mọn ấy sẽ đi về đâu. Có tương lai nào tươi đẹp chờ đón những con người lười biếng ngay cả việc không buồn hy vọng vào những điều tốt đẹp hay không? Mà thử tưởng tượng rằng một xã hội không có luật pháp thì sẽ hỗn loạn và nguy hiểm đến mức nào. Chắc chắn là mạng người sẽ rất rẻ rúng. Mà nếu một xã hội không tôn trọng luật pháp, và nó cũng không phải thứ người ta tuân theo mà hành xử, thì mọi giáo lý và những huấn chỉnh về những điều tốt đẹp hay đạo đức nào có ích gì.


Không có chế tài bằng luật pháp văn minh, thì đạo đức chỉ là y phục để che đậy tội ác. Chốn tu hành là nơi ẩn náu của quỷ dữ và quyền lực là công cụ của những kẻ lưu manh.


Đến nay, người ta cũng thấy những sự kiện bất thường không còn bất ngờ và quen dần với những sự biến dù lớn lao hay đầy nỗi đau của những người khác. Người ta có lẽ không còn đau đớn nữa với những mất mát hay bất công của đồng loại gặp phải trong lòng tổ quốc. Vì nó diễn ra nhiều quá, đầy rẫy, mở mắt ra là thấy nhan nhản không ngớt. Vậy nên người ta không rủ nhau an thân và vui với đời sống riêng mình thì làm được gì, khi ngay cả những thứ đầy quyền lực mà còn chẳng giải quyết nổi những cú sốc đó. Những người dân vốn chỉ quen sống trong cái vỏ bọc an toàn được xây nên bằng sự tự ru ngủ chính mình thì đương nhiên sẽ chẳng thấy đó là gì ghê gớm trong cuộc sống này.


Tôi thử hỏi, ai có thể ngày nào cũng điểm tin về những sự kiện mà chẳng ngày nào những dòng tin ấy nó giống nhau, hoặc nếu có tương tự nhau thì lại là những sự việc rúng động, tày trời nhưng hoàn toàn bế tắc trong phương cách giải quyết vấn đề. Như chuyện quan nhỏ nhà to, quan to ăn cướp lớn, chuyện đại biểu phát biểu ba năm sau vẫn giống ba năm trước, giống với việc tham nhũng ổn định trong nhiều năm liền mà người ta thản nhiên thừa nhận như một thành tích đáng mừng. Người ta quen với sự phát ngôn không còn chuẩn mực, thiếu đi trí tuệ và liêm sỷ đến trơ trẽn và thách thức công khai. Đủ thứ chuyện trên đời này mà người ta thấy chẳng cái nào được giải quyết thỏa đáng. Rồi chỉ ít lâu sau là nó lại rơi vào im lặng và toàn xã hội lại quên nó đi mất, chỉ trừ khi có một thứ gì đó liên quan đến thứ đó xảy ra mà khơi lại cho người ta nhớ tới.


Một xã hội trốn chạy nhưng ngày càng nhiều nỗi đau chất lên.


Dân mình nhanh quên và dễ tha thứ. Nhưng ngược lại, họ hành xử đầy cảm tính, dễ nóng giận và cũng vô cùng bạo lực, tàn ác với nhau. Gặp quan chức hoặc cường quyền thì xúm xít, sun soe, lấy làm hãnh diện và tự hào. Người ta chỉ nghĩ đến mánh lới mà đắc lợi. Từ khi sinh ra đã phải lo lót, chạy chọt để được sinh ra an toàn, được ở bệnh viện tốt. Đến trường lớp phải lo chạy chọt thành tích, chuyển trường, lo vui lòng thày cô. Đến cửa quyền lại lo hối lộ, quan hệ mà chạy chọt thủ tục. Ra trường lo công việc, biên chế để ổn định với vài đồng lương ít ỏi. Đi làm ăn thì bội tín, lường gạt nhau, không đạt được lợi ích thì trả thù, tìm cách hãm hại nhau.


Người ta chẳng từ thứ gì để cố được sống như một con thú, phải nơm nớp né tránh mọi bất an từ khắp mọi phía và lo ngày đêm luồn cúi cốt kiếm được miếng mồi phục vụ cho việc sinh trưởng sinh học của bản thân và gia đình mình.


Đến bây giờ, tôi cho rằng, ngay cả những người nhiều cảm xúc và nhiều nỗi trăn trở, đồng cảm nhất với con người trong xã hội, cũng đã chùng lòng và không còn đủ tâm trạng để viết, để phân tích và nói lý lẽ, để hy vọng vào điều gì tốt đẹp nơi con người đang sống trên mảnh đất này nữa. Có lẽ người ta vẫn thừa niềm tin, vẫn thừa yêu thương, nhưng người ta không còn đủ dũng cảm và sự nhẫn nại để viết nên nỗi cảm thông cho cuộc đời và phận người nữa. Viết mãi, đọc mãi, nó vẫn vậy, và cũng không giải quyết được cái thực tế đầy u ám và phẫn uất kia, ngay trước mắt mình.


Người ta sẽ dần chết vì bất lực khi đối diện với chính mình.


Lỗ Tấn, ông không phải là một nhà văn ngay từ đầu, mà là một bác sỹ, nhưng ông nhận ra rằng, nghề nghiệp ấy của mình chỉ cứu được một vài con người cụ thể khi họ mắc bệnh, nhưng để có thể cứu vớt được cả một dân tộc và tạo nên nền tảng sống cho một quốc gia, thì phải cầm bút và trở thành nhà văn. Bởi thế, ông đã để lại di sản quý báu cho đời. Ông viết cho cả đất nước và những phận người, khi Trung Quốc lúc đó còn nghèo đói và chìm trong u mê, đến mức mà người ta còn tin rằng "ăn bánh bao tẩm máu người có thể chữa được bệnh lao". Một xã hội ngu muội và tăm tối như thế thì suy vong là điều sớm muộn.


Và giờ, ở xứ này thì sao? Văn chương chỉ là ba cái thứ phù phiếm, dung tục, nói năng nhăng cuội, tự hát cho nhau nghe những lời hoa lá để phủ những màu sắc kệch cỡm lên trên những nỗi đau của biết bao con người rơi vào cảnh cùng đường, những bất công, mất mát, dẫu ngay trước mắt. Mấy chục năm trời chỉ toàn những lời dối trá và bệnh hoạn. Chẳng có chút giá trị gì cho nhận thức con người, cho việc cải cách và sự văn minh của xã hội, hay chí ít là mô tả cái thực trạng và chia sẻ nỗi đau với đồng loại mình. Nhà văn, đáng ra phải là những bác sỹ của những phẩm chất con người, phải cứu lấy nó, thì giờ chúng là những tên ác quỷ khi vẫn cất lên lời hát hoan ca trên vô vàn nỗi đau đồng loại trước mắt mình mỗi ngày để nhận những đồng tiền nhuốm đầy những nỗi bi ai.


Rồi con người ta, khi chất chứa quá nhiều những nỗi đau và uất ức, người ta là nạn nhân của hệ thống, của chủ nghĩa ý thức hệ, của lịch sử, đâm ra người ta dễ hận thù nhau. Và thật khó lòng để khuyên nhủ họ rằng phải yêu thương ai đó, nhất là những kẻ đã gây ra bao khổ đau cho chính họ, hoặc cho những lớp người trên quê hương đang oằn mình lên than thở. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải hận thù, chỉ cần chúng ta biết bao dung và mở lòng mình ra, dù cho đã bị cầm tù, đày đọa, thì khi đã đấu tranh cho những giá trị mà ta tin rằng đó là lẽ sống của mình, hãy coi đó là một điều bình thường và chấp nhận mọi hậu quả của nó, chứ đó không phải là đã hy sinh cho xã hội, cho công cuộc xây dựng gì của đất nước. Đó không phải công lao, đó không phải sự trả giá và làm thay cho những người khác, mà đó là trách nhiệm đối với hậu quả của việc ta làm mà ta phải thấy trước, và ta phải bình thản chấp nhận nó. Và ta sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào mọi thứ thay đổi và tốt lên thực sự, nhưng đừng mang theo hận thù và sự cay nghiệt, những hằn học và suy nghĩ cực đoan.


Ta gieo vào đời sự bao dung, chắc chắn cuộc đời sẽ nảy mầm xanh.


Tôi chỉ khuyên những người đã từng bị đọa đày và ngục tù, hãy cứ yêu thương và bao dung để bình thản đi trên con đường xây dựng điều tốt đẹp cho xã hội. Nếu mệt mỏi và thấy phẫn uất, hãy thả lòng mình và nghỉ ngơi. Khi bình tâm, ta lại đi tiếp con đường đã chọn.


Tuy nhiên, trở về với thực tại, thử hỏi rằng, ai còn đủ kiên nhẫn để viết lên, để sám hối và để tiếp tục tìm kiếm hy vọng vào những điều tốt đẹp ở phía tương lai?


Ls Lê Luân


(FB Lê Luân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét