Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017
Xã hội loạn lạc, dân tình chết oan có một phần không nhỏ do bàn tay báo chí
Xã hội loạn lạc, dân tình chết oan có một phần không nhỏ do bàn tay báo chí
Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, May 21, 2017 | 21.5.17
Thưa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn!
Cách đây 2 tháng, tôi đọc bài viết có phát biểu “Chấm dứt tình trạng báo chí sống ‘ký sinh’ vào doanh nghiệp” của ông và thật sự bất ngờ!
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Bất ngờ vì lâu nay tôi cứ nghĩ ông ở trên cây cao ấy không thể nắm bắt hết được thực trạng nhốn nháo của báo chí cách mạng, báo chí nhà nước ở bên dưới này, vì có tới 857 cơ quan báo chí và hàng nghìn, vạn Website thì làm sao ông quản lý cho xuể được; ai hay qua bài trả lời phỏng vấn này, ông hiểu quá rõ cái loài “rận báo chí” nó nhung nhúc sống ký sinh ở nơi này, chỗ khác. Hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm. Vậy thì tại sao, ông, với lợi thế không chỉ là người đứng đầu ngành, còn là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, ông lại không làm gì nổi chứ? Và cái bài trả lời phỏng vấn này từ cách đây 2 tháng, tôi để ý xem thực trạng làng báo có gì thay đổi không, nhưng thấy có vẻ như càng tồi tệ hơn nên tôi buộc phải viết thư này tới ông.
Tồi tệ như thế nào thì ông đã rõ. Tôi ngồi ở ĐN không nói đâu xa mà nói ngay ở ĐN. Từ nhiều năm nay, những tay trùm bất động sản hay chủ những doanh nghiệp lớn sản xuất, buôn bán bất chính có nguồn lợi kếch sù đều mua chuộc báo chí, mượn bàn tay “xã hội đen” báo chí đễ làm thao túng thị trường, làm mưa làm gió đất này. Dù đó chỉ là những tay trọc phú ít học, nhưng mỗi lần chuẩn bị cho một dự án tiền tỷ, chúng chi ra cái phong bì vài ba triệu đến 5 triệu (như thông tin về một cuộc họp báo mới đây nhất của ông Anh Vũ (Vũ Nhôm), hay nhiều cuộc họp báo trước đó của ông Thân Đức Nam hay của Sungroup). Thậm chí, tới đội ngũ lãnh đạo cấp cao của TP mà cũng còn mượn tay báo chí để tung tin nội bộ, bài trừ lẫn nhau, như thế hỏi có loạn không thưa ông?
Chưa hết đâu, lợi dụng tình trạng “bề trên” lộn xộn, không kỷ cương phép nước, ở khá nhiều tỉnh thành bề dưới muốn thanh toán lẫn nhau vì đố kỵ hay để chiếm ghế, cũng lợi dụng kẻ hở, mượn mấy tay bồi bút vô lương tung tin ra làm cho to chuyện. Nhiều người chết oan vì rận báo chí, nhưng cũng có những kẻ hưởng lợi lây vì báo chí. Vì sao thời nay hiếm người viết gương người tốt, việc tốt thì chắc ông hiểu; vì có viết cũng chưa chắc mấy ai tin. Bây giờ, người làm việc có tốt mấy đi nữa cũng chưa chắc người ta tin đó là động cơ tích cực. Tới mức như thế thì còn gì nữa thưa ông Bộ trưởng?
Thưa ông Tuấn, hàng chục năm nay, kể từ khi tôi từ cái môi trường sư phạm còn niềm tin yêu cuộc sống, bước qua môi trường báo chí, tôi thấy rùng rợn về cái sự bẩn một cách quá đáng ở môi trường này. Ngay cả một số SV khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngoan ngoãn, tử tế thế, nay vào làng báo, chúng cũng thành sâu, thành bọ, thành rận rồi. Nó hư không phải do nó mà do cái sự thả lỏng cơ chế. Nó nghèo, nó không có xe, có nhà, trong khi bao kẻ sống vương giả, phè phỡn thế thì thấy cái phong bì tiền trước mũi sao không nuốt nước miếng rồi làm càn hả ông. Hiện còn có một số Tổng biên tập vô tướng, bất tài, bán cả cái thẻ nhà báo cho những tay buôn chuyến, mánh mung dể dễ bề lừa đảo đấy ông biết không?
Tôi xin hiến kế một số cách làm chỉ với mong muốn ở ông: trước khi lập trật tự kỷ cương ở mạng xã hội, hãy lập lại trật tự kỷ cương trong làng báo, bắt đầu từ trên xuống dưới.
1. Hãy kiểm tra lại toàn bộ đội ngũ tổng biên tập, xem có ai học hành lôm côm, thiếu bằng cấp về xã hội nhân văn, do chạy chọt mà lên thì loại ngay.
2. Quy hoạch, tinh giản đội ngũ. Theo tôi, không nên để mỗi báo một Bộ chủ quản. Vì như vậy thì cái báo ăn lương của Bộ chủ quản đó sẽ không bao giờ dám đụng đến tiêu cực hay những việc làm sai trái chuyên môn của ngành. Cuối cùng thì chức năng xây và chống của báo chí không tác dụng gì.
3. Thay vào báo của các bộ, ngành, hãy lập ra các ban chuyên môn báo chí, chẳng hạn như Ban Chính trị, Ban Quân sự, Ban Quân đội, Ban Giáo dục, Ban Văn hóa, Ban Y tế đời sống, Ban Tài chính, Ban Công nghiệp…, mỗi ban phụ trách một tờ báo như Nhân dân, Quân đội, Lao động, Giáo dục, Văn hóa, Sức khỏe, Lao động…Đội ngũ những người này được chính Bộ truyền thông kết hợp với các Bộ ngành tuyển chọn kỹ lưỡng, và qua kỳ sát hạch nghiêm túc để cấp thẻ nhà báo cho họ tác nghiệp.
4. Một là cho báo chí hoạt động tự do thì tự do luôn, để người đọc tự sàng lọc, thẩm định. Còn không nếu chỉ nhằm một mục đích định hướng dư luận, hãy lược bớt những tờ báo của tập đoàn, doanh nghiệp. Nếu để những tờ báo này, sớm hay muộn gì vì lợi nhuận kinh tế, họ cũng làm những việc sai tôn chỉ, mục đích mà thôi.
Xã hội loạn lạc, dân tình chết oan có một phần không nhỏ do bàn tay báo chí gây nên; vì vậy, với tư cách đồng chí, đồng nghiệp, một nhà báo, tôi viết những lời gan ruột này mong ông đọc được
Thúy Hồng Nguyễn
(FB Thúy Hồng Nguyễn)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét