Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017
Vụ đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng: Công khai, có công bằng ?
Vụ đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng: Công khai, có công bằng ?
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, May 4, 2017 | 4.5.17
Một dạo nọ trong thập kỷ này, bỗng một hôm xuất hiện trên các trang mạng của “các thế lực thù địch” (xin mượn ngôn phong nhà nước -NV) một văn bản tối mật được cho là của BCT trình TW kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng. Nghe đâu lý do chính cũng là trách nhiệm quản lý các tập đoàn, tổng công ty, mà cụ thể là Vinashin, Vinalines…
Ông Dũng không bị kỷ luật, kết quả phiếu ở Trung ương quyết định điều này. Tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội sau đó ít lâu, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu: “nhiệm kỳ này chúng ta chứng kiến nước mắt Tổng Bí thư rơi vào lịch sử”. Tôi cũng chưa được nhậu với anh Lê Nam kể từ dạo ấy, nên chưa hỏi cho rõ rằng “rơi vào lịch sử” là rơi vào đâu?
Thế nên ngày 27 tháng 4 rồi, khi UBKTTW cho công khai bản “luận tội” và nêu đích danh ông Đinh La Thăng là người phải chịu trách nhiệm, nhiều người băn khoăn hỏi tôi: làm như thế có đúng nguyên tắc không nhỉ? Tại sao cũng là người trong đảng, cũng là ủy viên BCT, mà văn bản với ông Dũng thì “tối mật” còn văn bản với ông Thăng thì (gần tối) là công khai? Với vị trí ủy viên BCT thì thẩm quyền xử lý thuộc Ban Chấp hành TW, còn UBKTTW chỉ là cơ quan đề nghị, nếu cơ quan có thẩm quyền không đồng tình với đề nghị ấy, thì việc công khai như đã làm, có dẫn đến những hậu quả xấu và rất xấu không? Như vậy thì việc công khai này có thật công bằng với ông Thăng không ?
Dạ, tôi không dám trả lời, vì thứ nhất tôi là người ngoài đảng, thứ hai là… cũng chẳng biết đâu để trả lời.
Thôi thì nêu lên đây để mọi người suy nghĩ
Nhân dịp nhắc đến ông Ba Dũng, mới nhớ rằng cái thời “nở rộ” tập đoàn, tổng công ty, cái thời mà gần như chưa có pháp luật gì để quản lý các “ông lớn” này, thì anh Ba chính là người giữ vai trò vừa là cha đẻ vừa là cha nuôi của những siêu DNNN ấy.
Lê Kiên
phóng viên báo Tuổi Trẻ
(FB Lê Kiên)
__________
Quy trình xử lý kỷ luật với ông Đinh La Thăng diễn ra thế nào?
Trao đổi với Zing.vn, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho biết việc kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị do các ủy viên Trung ương quyết định.
Trước việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM), ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đây là thử thách đối với từng ủy viên Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kín
- Thưa ông, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị?
Điều lệ Đảng quy định Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy, thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị thuộc về Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội.
- Quy trình để thực hiện việc kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị như thế nào?
Trước tiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có báo cáo thẩm tra, xác minh về sai phạm của đồng chí để báo cáo trình Bộ Chính trị. Tiếp theo, Bộ Chính trị sẽ họp để thảo luận về báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sau đó Bộ Chính trị có trách nhiệm trình trước Ban Chấp hành Trung ương về những sai lầm của đồng chí bị đề nghị kỷ luật. Bộ Chính trị cũng đề nghị hình thức kỷ luật theo các mức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và nặng nhất là khai trừ khỏi đảng.
Thường trực Ban bí thư hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thay mặt Bộ Chính trị trình bày báo cáo trước Trung ương.
Sau khi đại diện Bộ Chính trị trình bày xong báo cáo, đương sự sẽ trình bày kiểm điểm trước Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận rồi đưa ra quyết định bỏ phiếu kỷ luật.
- Việc bỏ phiếu kỷ luật được triển khai thế nào?
- Việc bỏ phiếu kỷ luật phải thực hiện bằng bỏ phiếu kín và công bố sau khi có kết quả kiểm phiếu.
Kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương là kết luận cuối cùng và có giá trị cao nhất. Kỷ luật đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Cũng có trường hợp Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kỷ luật ở mức độ thấp hơn đề nghị của Bộ Chính trị vì lá phiếu của Trung ương là quyết định.
Trong việc cách chức đảng viên, khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét có thể cách một hoặc tất cả các chức vụ mà đương sự đang nắm. Có những ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ ra khỏi đảng, ngay khi giải lao người bị kỷ luật phải ra khỏi cuộc họp của Trung ương luôn.
Trách nhiệm chính trị của từng ủy viên Trung ương Đảng
- Việc các ủy viên Trung ương Đảng bỏ phiếu kỷ luật đối với ủy viên Bộ Chính trị liệu có những áp lực gì?
Mọi đảng viên không kể chức vụ đều bình đẳng trước pháp luật và phải có sự kiểm soát của Đảng. Ai có vấn đề gì thì tổ chức đem ra xem xét, kết luận một cách nghiêm minh, chính xác, kịp thời.
Việc bỏ phiếu kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị là thử thách đối với Ban chấp hành Trung ương, với từng ủy viên Trung ương.
Đảng viên và nhân dân mong muốn các ủy viên Trung ương làm hết trách nhiệm của mình.
Ủy viên Trung ương không thể lồng tình cảm cá nhân vào lá phiếu mà phải thể hiện quyết tâm chính trị của mình bằng việc xem xét xử lý công minh, chính xác. Một cá nhân, một tổ chức nếu có sai lầm, thiếu sót, có yếu kém mà không kiểm điểm khắc phục thì sẽ suy yếu thậm chí có nguy cơ tan vỡ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ảnh: Vietnamnet.
- Từ trước tới nay có bao nhiêu ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật?
Vào tháng 3/1990, tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, ông Trần Xuân Bách lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, do vi phạm kỷ luật ông đã bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ trong Đảng.
Vào năm 1996, tại hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ông Nguyễn Hà Phan, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội đã bị kỷ luật khai trừ Đảng và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (10/1996) đã quyết nghị bãi nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội và đại biểu Quốc hội của ông.
Năm 2003, tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7 kỳ II khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật ông Trương Tấn Sang lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức khiển trách.
Từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, UBKT đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
(Zing New)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét