Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017
PHÁP QUYỀN HAY PHÁP TRỊ?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: PHÁP QUYỀN HAY PHÁP TRỊ?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: VOV
PHÁP QUYỀN HAY PHÁP TRỊ?
Nguyễn Sĩ Dũng
07.05.2017
Nếu chúng ta quan niệm pháp quyền là “the rule of law” và pháp trị là “rule by law”, thì pháp quyền là sự cai trị của pháp luật và pháp trị là sự cai trị bằng pháp luật.
Pháp quyền là sáng tạo của người Anh, và đây cũng là một trong những đóng góp lớn nhất của người Anh cho nhân loại. Bằng chứng là những nước theo pháp quyền đều là những nước giàu có, thịnh vượng nhất trên thế giới.
Pháp trị là sáng tạo của người Trung Hoa (Nhà tư tưởng của pháp trị được cho là Hàn Phi), và đây cũng là một đóng góp rất lớn của người Trung hoa cho nhân loại. Ban hành pháp luật để cai trị, thì tạo ra được sự bình đẳng (ít nhất là giữa các thần dân), đồng thời tất cả mọi người đều có thể chủ động hành xử khi biết rõ việc gì làm được, còn việc gì thì không. Bằng chứng là trong thời kỳ cổ đại, Trung Hoa là một trong những quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới.
Tuy nhiên, lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, pháp trị đã thua pháp quyền. Bằng chứng là đất nước Trung Hoa đã tụt hậu rất xa so với các nước theo pháp quyền trong suốt nhiều thế kỷ. Chỉ đến khi trong quá trình cải cách, nhiều yếu tố của pháp quyền (đặc biệt là Luật về quyền tài sản) được tiếp nhận, đất nước Trung Hoa mới lại vươn lên trở thành một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới hiện đại.
Thế pháp quyền khác với pháp trị chỗ nào? Pháp trị là việc vua (hoặc người cầm quyền) có quyền ban hành pháp luật để cai trị (hay nói một các lịch sự hơn là để quản lý). Pháp quyền lại không hoàn toàn như vậy.
Trước hết, pháp quyền là việc pháp luật đứng trên tất cả, trên cả nhà nước (trên cả vua). Và quan trọng hơn nữa người dân cũng như nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với người Anh, vua có quyền của vua, dân có quyền của dân. Nếu vua hành xử trong khuôn khổ các quyền của mình, thì thậm chí người Pháp làm vua Anh cũng chẳng sao. (Thực tế, đã có thời kỳ người Pháp làm vua Anh). Thế nhưng, nếu vua xâm phạm đến quyền của dân, thì người dân sẽ đứng lên lật đổ vua, vì vua đã vi phạm pháp luật.
Thứ hai, pháp quyền công nhận nhiều quy phạm của pháp luật tự nhiên. “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (Lời của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa). Các quyền mà tạo hóa ban cho con người (các quyền tự nhiên của con người) được coi là phần cấu thành của hiến pháp-văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Thứ ba, việc ban hành pháp luật bị điều chỉnh rất chặt chẽ. Bất cứ luật gì mà nhà cầm quyền muốn có để dễ bề cai trị đều phải được cơ quan đại diện cho dân (quốc hội) thông qua. Pháp luật còn được đòi hỏi phải tiệm cận công lý.
Thứ tư, một hệ thống tư pháp độc lập được xây dựng để không chỉ nhà nước mới có quyền truy tố người dân, mà người dân cũng có quyền kiện nhà nước ra trước pháp luật. Hệ thống tư pháp này còn có thẩm quyền kiểm tra lại các văn bản lập pháp (judicial review) để chống lại lạm quyền và bảo vệ công lý.
Thứ năm, tòa án hiến pháp hoặc các thiết chế bảo hiến khác được thành lập và vận hành trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ hiến pháp và bảo vệ các quyền của con người khỏi sự xâm hại của quyền lực lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp.
Thế thì Việt Nam chúng ta đang theo pháp quyền hay theo pháp trị? Có vẻ như chúng ta đang đi “thong dong” giữa hai khái niệm này. Khi Hiến pháp quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật” (Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp 2013) thì chúng ta có vẻ đang đi bên làn của pháp quyền. Nhưng khi Hiến pháp quy định: “Nhà nước… quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” (Cùng Khoản, cùng Điều trên của Hiến pháp 2013) thì có vẻ chúng ta lại đang đi bên làn của pháp trị.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét