Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

KHI NÀO NGƯỜI TA NÓI NĂNG TRÔI CHẢY, HÙNG HỒN…?


KHI NÀO NGƯỜI TA NÓI NĂNG TRÔI CHẢY, HÙNG HỒN…?





KHI NÀO NGƯỜI TA NÓI NĂNG TRÔI CHẢY,
HÙNG HỒN…?

Mac Văn Trang

Đó là khi người ta có lòng tự tin, có hiểu biết và khả năng diễn đạt điều muốn nói và không sợ bị ám ảnh lo hãi trừng phạt… Tóm lại, khi con người được tư do tư tưởng, tự do biểu đạt, thì tư tưởng sẽ được biểu hiện chân thành, trôi chảy, sinh động, mang dấu ấn cá nhân…

Ta thấy trên Youtube em bé 5 tuổi người Anh phê phán Thủ tướng Anh, hay em bé 11 tuổi ở Mỹ ủng hộ Tống thống Trump, em bé hơn 10 tuổi nói về bảo vệ môi trường… tất cả các em cùng rất hùng biện. Các em nói như nước suối tuôn chảy, không phải ngập ngừng, đắn đo, nghe ngóng, sợ sệt gì cả.

Trong khi các học sinh, sinh viên, thậm chí cả Thạc sĩ, Tiến sĩ của ta khi trả lời cứ ấp a ấp úng, tậm tà tậm tịt … là sao? Mà bảo thảo luận, tranh luận là ngần ngại, ấp úng…?

Mình đã chứng kiến một Thạc sĩ vốn là thiếu tá đặc công nổi tiếng, khi bảo vệ luận văn, trả lời câu hỏi, cứ run bần bật, trán đẫm mô hôi. Xong việc mình bảo: “Ông run thế, sao làm được lính đặc công”?

- Đặc công, là em chủ động. Tìm hiểu rõ địch, bàn phương án tác chiến, đã quyết định đánh là chắc thắng. Biết địch, biết ta, chắc thắng mới đánh! Chứ vừa đánh vừa run, có mà toi mạng rồi thầy ơi!

- Thế trả lời câu hỏi, có gì sợ mà run?

- Báo cáo thầy, nhiều cái sợ lắm chứ ạ. Sợ nhất là, mình trả lời sao trúng ý được 5 thầy trong Hội đồng; Sợ… mình mang tiếng thủ trưởng đi học, điểm không bằng anh em…

- Trời ạ! Ông trả lời cái ông nghĩ thế nào đúng, chứ ông quan tâm đến “trúng ý” 5 thằng Hội đồng làm gì! Thứ 2 là ông sợ điểm kém hơn anh em… Rõ là… Ông chỉ hơn anh em cái khoản “làm thủ trưởng”, chứ mọi cái khác sao hơn anh em được! Ông hơn được cô Hoa phơi phới kia không? Khổ thật, không nghĩ mình đi học cũng là học viên bình thường như mọi người, lại cứ mang cái ghế “Thủ trưởng” nó đè trên đầu, lên cổ! Tội!

Một lần khác, mình phản biện luận án TS Giáo dục học của một vị Hòa Thượng. Ủa, ông này viết như kể chuyện, về mặt phương pháp khoa học quả có một số vấn đề. Mình nêu ra đến 5 câu hỏi… Buổi tối trước ngày bảo vệ, có 2 người đến chơi, trong đó có một học trò cũ. Họ trình bầy, hoàn cảnh Thầy con bận lắm, sau mùa Vu Lan, sức không được khỏe; Thầy con huyết áp cao…

- Thầy đi bảo vệ Luận án mà sướng nhỉ, có 2 đồ đệ đi cùng…

- Da, thưa 3 đấy a. Một người lo ăn uống, sức khỏe cho Thầy, giờ đang ở bên Thầy; anh H. đây lo nội dung, kỹ thuật IT; còn con lo về ngoại giao – Cậu học trò cũ thân tình nói vậy.

- Ngoại giao thì làm gì?

- Dạ… Con phải gặp các thầy trong Hội đồng, các thầy liên quan, trao đổi, kết nối… sao cho buổi bảo vệ… diễn ra thật là tốt đẹp… Con muốn biết Thầy hỏi Thầy con câu gì…?

- Ô hay, tôi đã nêu 5 câu hỏi trong bài phản biện, gửi đi trước rồi, NCS không đọc hay sao? Cứ hùng biện trả lời 5 câu đó là rõ năng lực rồi. Nhiều Sư giảng đạo, hùng biện hay lắm mà…

- Thầy con cũng giảng Đạo trước hàng ngàn người suốt ngày ấy chứ, giải đáp đâu ra đấy! Nhưng đây là lĩnh vực khoa học… Con muốn xin Thầy thế này, trong 5 câu, Thầy hỏi 1 - 2 câu thôi, thì Thầy hỏi câu gì?...

Mình phá lên cười, không sao nhịn được cười với Thầy trò ông Hòa thượng này. Chợt nghĩ đến nhân vật Đường tăng và Tôn Ngộ không, cười muốn chết!

Hôm sau, để ý thấy vị NCS Hòa thượng này quả là tội nghiệp. Áo cà sa ướt mồ hôi, mặt đỏ nhừ, đệ tử đứng bên đưa khăn bông cho Thầy lau mặt… Thấy “cậu IT” trục trặc chút xíu là ổng lại lo lắng… Hai câu mình hỏi, đã được học trò soạn sẵn, ông cứ thế đọc. Buổi bảo về rất long trọng, có đông đảo đệ tử đến dự, hoa hoét tưng bừng, nhưng buồn tẻ và chất ượng khoa học thấp.

Điều đang bàn ở đây là tại sao “Thầy giảng Đạo trước hàng ngàn người suốt ngày” rất tự tin mà bảo vệ Luận án lại run? Có mấy lý do:

- NCS thiếu tự tin, không tự nghiên cứu, không nắm chắc vấn đề mình bảo vệ; thậm chí câu hỏi cũng do người khác viết sẵn rồi cứ thế đọc. Không tự tin nên rất thụ động;

- Không biết rằng mình chỉ là NCS bảo vệ một đề tài Luận án khoa học, trước Hội đồng chấm luận án, chuyện rất bình thường; lại cho rằng đây là “đại sự”, không được để xảy ra sơ suất, làm mất uy tín của một “Biểu tượng” trước các đệ tử…

- Một kiểu nhân cách quen được nuông chiều, bao bọc, khi đòi hỏi “độc lập tác chiến” trong môi trường mới, liền thiếu tự tin, thiếu kỹ năng ứng phó…

Tóm lại, khi thiếu tự tin, lo hãi, lướng vướng những ràng buộc, sợ mất mát điều gì đó… người ta sẽ khó khăn, ấp úng…, không thể biểu đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, đàng hoàng những điều mình muốn nói. Và đã như vậy thì làm gì có ý hay, lời đẹp, độc đáo!

Khi có niềm tin: Tin vào chính nghĩa, tin vào công lý, tin vào sự thật, tin vào lẽ phải… và không lướng vướng sợ hãi gì cả, thì tự nhiên người ta sẽ diễn đạt điều mình muốn nói một cách hoàn hảo và sinh động mang dấu ấn cá nhân.

Trong sử sách còn ghi câu chuyện, tướng quân Trần Bình Trọng (1259 - 1285), khi bị quân Nguyên bắt, chúng tra khảo, dụ dỗ… Ông tuyên bố: “Ta thà làm Ma nước Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc”! Rất nhiều tấm gương dũng liệt của người Việt trước kẻ thù, để lại những câu nói đi vào sử sách, như Trần Bình Trọng. Đó là nhờ họ tin vào chính nghĩa, tin vào sức mạnh của nhân dân, không khiếp sợ trước kẻ thù, không sợ cả cái chết…lúc đó bật ra những lời hay, ý đẹp tuyệt vời!

Gần đây tôi thấy, nhiều người đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, lúc đầu nói năng, viết lách còn lúng túng, vụng về. Nhưng sau một thời gian, thấy họ nói năng, viết lách rất mau lẹ, rõ ràng, mạch lạc, mang bản sắc cá nhân đậm nét. Có người tác nghiệp như một nhà báo thực thụ…

Ví dụ trường hợp chị Cấn Thị Thêu, chị là một nông dân, thuần nông, học có đến lớp 6 rồi ở nhà làm ruộng, lấy chồng… Quá trình cùng bà con Dương Nội đấu tranh giữ đất, chị trở thành một thủ lĩnh can trường, và những đơn, thư chị viết, những bài chị phát biểu rất tuyệt vời. Ấn tượng nhất là bài phát biểu “nói vo” gần 10 phút, sau khi được ra tù, trước đông đảo bà con. Thú thực, chẳng có chính khách nào hiện nay nói được những lời lẽ đi vào lòng người như Chị!

Mới đây nhất, nếu ta được nghe bà con xã Đồng Tâm, Mỹ Đức đối thọai với ông Chung, Chủ tịch tp Hà Nội, sẽ thú vị lắm. Từ “anh Pha”, chị “Dậu” họ trở thành những nhà thương thuyết, nhà hùng biện, khi họ tin vào chính nghĩa, vào công lý, vào sức mạnh của nhân dân, không còn sợ hãi nữa…

Tóm lại, hãy để con em chúng ta, nhân dân ta được tư do tư tưởng, tự do tư duy, tự do bầy tỏ chân thật những điều mình suy nghĩ, mà không sợ đánh giá, quy kết, thì mọi người sẽ diễn đạt trôi chạy ngay thôi. Thế rồi ai thấy điều gì người khác nói không đúng, thì phản biện một cách có văn hóa (chứ không quy chụp “phản động”), thế thì một không khí mới, vóc dáng tinh thần mới của xã hội sẽ ra đời…

2/5/2017
MVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét