Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017
Hội nghị trung ương 5 và vấn đề 'nhất thể hóa'
Hội nghị trung ương 5 và vấn đề 'nhất thể hóa'
Đăng bởi Ha Tran on Thursday, May 4, 2017 | 4.5.17
Trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, BBC trao đổi với các nhà quan sát tại Việt Nam về những nội dung có thể được bàn tới tại hội nghị này.
Đại hội Đảng 12 diễn ra tháng Giêng 2016
Bình luận với BBC từ TP Hồ Chí Minh về khả năng vai trò vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có thay đổi tại Hội nghị TƯ 5 hay không, blogger Nguyễn An Dân tin rằng xu thế nhất thể hóa chức vụ sẽ được bàn đến.
"Xu hướng nhất thể hóa các chức danh bí thư tỉnh ủy và bí thư thành ủy trực thuộc trung ương thì đã có rồi, trong Hội nghị Trung ương này sẽ bàn đến," ông nói.
"Tuy nhiên, vấn đề nhất thể hóa chức tổng bí thư và chủ tịch nước, tức là nhất thể hóa ở mức tối cao thì hiện giờ vẫn đang có hai quan điểm.
"Quan điểm của một bộ phận đổi mới ở trong Đảng thì mong muốn điều đó. Tuy nhiên, quan điểm của một bộ phận khác và kể cả nhìn từ phía quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc thì chưa chắc Trung Quốc muốn Việt Nam đi theo cái mô hình của mình. Chính điều này sẽ cản trở việc nhất thể hóa." ông Dân giải thích.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng là Tổng bí thư và "hạt nhân" của Đảng Cộng sản.
Nhưng ở Việt Nam, hai chức vụ này do hai người khác nhau nắm giữ.
"Sau lần này, sang đến Hội nghị Trung ương 6, sẽ có một số người có khát vọng vươn lên vị trí tổng bí thư..."
Ông Nguyễn An Dân cũng tin rằng hiện có một số tên tuổi mà ông cho là "ứng cử viên nặng ký".
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội cũng đồng quan điểm về việc sẽ không có thay đổi gì trong vị trí tổng bí thư trong hội nghị lần này.
"Có những đồn đoán về chuyện này, nhưng Hội nghị Trung ương 5 không nhằm giải quyết vấn đề nhân sự cấp cao của Đảng."
"Hội nghị lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề chính sách phát triển kinh tế xã hội và các biện pháp triển khai," ông Hà Hoàng Hợp giải thích thêm.
'Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng lúc nào cũng quan trọng'
Khiển trách thì không bị mất chức ủy viên bộ chính trị, cảnh cáo thì có thể là mất.
TS Hà Hoàng Hợp
Chỉ ít hôm trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5, hôm 27/4, tin loan ra gây rúng động khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bí thư Thành ủy TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Điều này khiến có những đồn đoán rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thể được đề cao tại Hội nghị Trung ương 5.
Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp nhận xét với BBC từ Hà Nội: "Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là ủy ban quan trọng nhất về mặt kỷ luật, là ủy ban giám sát việc thực hiện điều lệ của đảng. Lúc nào ủy ban này cũng quan trọng".
Ông Trương Tấn Sang từng bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách" ở Hội nghị TW 7, Khóa IX, 2003, liên quan tới vai trò của ông khi còn làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thời gian 1996-2000
"Lúc này, Ủy ban ra quyết định liên quan đến Bộ chính trị thì có thể ở ngoài người ta nghĩ là nó quan trọng hơn, nhưng tôi nghĩ là nó luôn luôn quan trọng."
Trả lời câu hỏi về các hình thức kỷ luật có thể áp dụng cho một ủy viên bộ chính trị như ông Đinh La Thăng, ông Hà Hoàng Hợp cho biết các hình thức kỷ luật Đảng gồm nhẹ nhất là phê bình, sau đó đến khiển trách, rồi đến cảnh cáo và mức cao nhất là khai trừ.
"Khiển trách thì không bị mất chức ủy viên bộ chính trị, cảnh cáo thì có thể là mất. Nếu bị cảnh cáo thì sẽ không còn làm bí thư ở đâu đó nữa."
Ông Hợp cũng nói thêm về mặt nguyên tắc là như vậy, "còn mình không thể dự báo được".
Trước đây, ông Trương Tấn Sang từng bị kỷ luật "bằng hình thức khiển trách" ở Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX, hồi 2003, liên quan tới vai trò của ông khi còn làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thời gian 1996-2000.
Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Thường trực Ban Bí thư và trở thành Chủ tịch nước từ 2011 đến 2016.
Giằng co các xu thế
Tuy nhiên, giới quan sát có vẻ đồng ý rằng cuộc giằng co giữa các xu thế, thậm chí giữa các phái, là điểm nổi bật cho Hội nghị Trung ương 5 lần này.
Ví dụ trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 25/04, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, mô tả các quyết định kỷ luật ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Hà Tĩnh, và việc ông tự động xin rút tư cách đại biểu quốc hội thể hiện điều ông gọi là "một cuộc giằng co giữa các thế lực quyền lực" tại Hội nghị Trung ương 5.
Việt Nam có thể chưa làm nổi việc "nhất thể hóa" hai chức Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng
Viết trên Diễn đàn BBC Tiếng Việt hôm 4/04/2017, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ở Hà Nội cho rằng:
..."trước Hội nghị TƯ 5 khóa 12 của Đảng... dự đoán có những nội dung liên quan đến công tác cán bộ và cải cách thể chế mở rộng đề án 25 về nhất thể hóa bộ máy..."
"Những nhà phân tích chính trị cho rằng thời gian tới 'sự đấu tranh nội bộ đảng' sẽ căng thẳng, bởi vì các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường đang thách thức quyền lực tuyệt đối và các chuẩn mực đạo đức truyền thống.
Hơn thế, những lãnh đạo cao cấp khi trình độ học vấn cao thì càng khó thống nhất về nhận thức, họ có thể cùng lợi ích nhưng ý kiến sẽ khác nhau, do đó quyền lực không thể 'phân công' như cách làm trước đây."
(BBC)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét