Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017
Hoang mang Đoàn Ngọc Hải
Hoang mang Đoàn Ngọc Hải
Đăng bởi Ha Tran on Monday, May 22, 2017 | 22.5.17
Vậy là ông phó Chủ tịch quận 1 đã không về vườn khi “giải cứu vỉa hè” thất bại.
Trả lời báo chí về chuyện vì sao ngưng… xuống đường, ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1, TP.HCM nói rằng đây là chỉ đạo của Quận ủy và UBND quận 1.
Theo ông Hải việc dọn dẹp vỉa hè của mình là đúng quy Luật Giao thông đường bộ, những vật cản trên lòng lề đường là phải giải tỏa ngay, nhường đường cho người đi bộ, tránh tai nạn giao thông. Đồng thời, ông cho biết, không áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính vì đó là vật cản nằm trên vỉa hè, khi nào trên công trình dân dụng có sai phạm mới xử phạt hành chính.
Lập luận của ông Đoàn Ngọc Hải thì vỉa hè là tài sản công. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật giao thông đường bộ 2008, vỉa hè chỉ được sử dụng vào mục đích giao thông. Do đó việc sử dụng vỉa hè cho mục đích khác là vi phạm pháp luật.
Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đúng một nửa. Việc xử phạt các vi phạm được nêu trong Luật giao thông đường bộ, sẽ được thực hiện theo… Luật xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, trong hầu hết các trường hợp, ông Đoàn Ngọc Hải phải lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt và yêu cầu cá nhân/tổ chức vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu. Chỉ trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không trả lại vỉa hè, ông mới có quyền cưỡng chế thực hiện, tức là phá bỏ các bậc tam cấp, đập bỏ trụ sở cơ quan, hay tháo dỡ vọng gác của Ngân hàng Nhà nước. Ngay cả việc tịch thu hay tạm giữ cũng phải được làm đúng thủ tục, đó là lập biên bản, niêm phong trước mặt chủ phương tiện, nếu không có chủ phương tiện thì phải có người chứng kiến.
Tuy nhiên ông Đoàn Ngọc Hải luôn nói rằng mình hành xử đúng quy định pháp luật. Ông đã lững lờ khi đề cập đến 2 văn bản nào đó từ cả cấp quận ủy cho tới UBND quận nhứt về chuyện ông bị cắt đi quyền uy “giải cứu vỉa hè”. Có người đồn đoán rằng trong chuyện này dính đến việc ông cựu bí thư vừa rời Sài Gòn.
Phân xử đúng – sai ở đây có lẽ phải chờ đợi khi có… tam quyền phân lập, trong đó có toà án độc lập trong việc phân xử tranh chấp giữa ông Hải với người dân và truy cứu trách nhiệm pháp lý của ông ấy, trong đó có cơ quan lập pháp (Hội đồng nhân dân và Quốc hội) xem xét việc giải thích pháp luật và trách nhiệm chính trị của ông Hải. Nhưng, ở đây có một chữ “nhưng” to đùng, tư tưởng tam quyền phân lập lại bị Nghị quyết số 04-NQ/TW của Đảng liệt vào nhóm “9 biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ” và cần phải đấu tranh loại trừ.
Khi quyền lực của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không gắn với lá phiếu của cử tri, thì câu chuyện Đoàn Ngọc Hải vẫn là những hoang mang của hành xử pháp luật.
Trần Thành
(VNTB)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét