Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017
Chuyện ông Đinh La Thăng
Beo Hồng - Chuyện ông Đinh La Thăng
Đăng bởi Ha Tran on Wednesday, May 3, 2017 | 3.5.17
Dùng phần mềm Crimson Hexagon phân tích tình cảm của công chúng với ông Đinh La Thăng, tỉ lệ cho đến 2am ngày 30-4 ( giờ Boston) trên 2 mạng facebook và twitter là 78/21.8/0.2. (Tôi làm tròn số. Trên 6 tính số lớn). Các con số ấy thứ tự theo từ khóa bảo vệ/không bảo vệ ông Thăng trước đề nghị kỉ luật ông của UBKT TW. 0.2 cuối cùng là trung dung, cộng sản giết nhau nhân dân hưởng lợi.
Đây là lần hiếm hoi, tôi đứng về phía số đông. Và dĩ nhiên, tôi không cảm tính.
Trước khi phân tích bản luận tội ông Thăng, tôi đặt câu hỏi đồng thời cũng là câu trả lời thế này:
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, đảng cộng sản công khai bản luận tội một UV BCT. (Trước đây chỉ công bố kết quả kỉ luật).
Tuy nhiên, việc công khai này KHÔNG PHẢI LÀ BƯỚC TIẾN TỚI MINH BẠCH hóa vì, chỉ có 1/2 sự thật.
Nếu thực sự minh bạch hóa, vì sao Thường trực Ban bí thư phải ra công văn thu hồi Bản tự kiểm điểm (dài 20 trang)- nói cách khác là bản giải trình của ông Thăng- mà thành ủy TP HCM (chưa) gửi tới các UV TW?
***
Ông Đinh La Thăng từ Sông Đà về dầu khí năm 2005 và rời đi năm 2011.
"CƠ CẤU NGÀNH của PVN được đầu tư đồng bộ hơn, tốc độ phát triển nhanh hơn; TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ các dự án trọng điểm của Nhà nước và của ngành được đẩy nhanh; bước đầu vươn ra nước ngoài đầu tư CÓ HIỆU QUẢ...
Ngành Dầu khí đã phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, tương đối đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, chủ quyền quốc gia; hoàn thành và HOÀN THÀNH VƯỢT MỨC 5/6 MỤC TIÊU chiến lược đã đề ra; có tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất, kinh doanh mạnh; đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước (20 đến 30% tổng thu ngân sách)".
Trên đây là trích từ đánh giá của BỘ CHÍNH TRỊ trong Thông báo số 148-TB/TW, về tình hình hoạt động PVN trong 7 năm, từ 2007 đến 2014.
Và UBKT TW kết luận thời kì 2009-2011 trong đề nghị kỉ luật ông Thăng, như sau: " ... đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng"
***
Tôi không có nguyên bản bản kết luận của UBKT TW, sau khi phối kiểm vài tờ báo uy tín trong nước, đều thấy đồng loạt đăng thế này: (Ông Thăng) "Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật".
Kết luận này có nhiều ý để nói.
- Tên nguyên thủy của 233 là: “Phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn”
- Nghị quyết này ông Thăng kí đúng 1 tháng sau khi xin phép và được Thủ tướng chính phủ CHẤP THUẬN.
- Về hình thức, 233 nhằm khắc phục sự suy giảm doanh thu Dầu khí trong GDP của cả nước.
Về bản chất, nói đằng thẳng "trắng phớ" ra, Nghị quyết này nhằm NGĂN CHẶN BỚT sự thắng thầu của Trung Quốc, trong một lĩnh vực được coi là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của quốc gia.
- Lỗi của ông Thăng trong sự vụ cụ thể này là phải chịu trách nhiệm buông lỏng quản lý, thiếu giám sát kiểm tra...để các công ty thành viên chỉ định nhiều (không rõ số lượng) gói thầu trái luật, chứ không phải NĐ 233 có nội dung không phù hợp luật.
(Tôi thật, luật pháp chỉ có đúng-sai, phù hợp-không phù hợp là ý gì?).
***
Lời UBKT TW: "Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Những số liệu tôi dẫn sau đây trích từ báo cáo tài chính của PVN năm 2010, thời điểm nó vẫn là "thành quả" của ông Thăng:
- Doanh thu bán hàng và các dịch vụ: 234.830.541 triệu vnđ
- Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: 42.979.652 tr
- Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp: 29.577.822 tr
Lại lời UBKT TW: "Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN".
- Tại sao không cho đấu giá NH này? Khi bán cho NHNN, đơn vị nào đứng ra định giá và định giá thế nào ra 0 đồng?
Khi chưa xác định được thể nhân trong 2 câu hỏi trên, thì chưa thể TÍNH RA CHÍNH XÁC và tính một cách công bằng, PVN thiệt hại bao nhiêu để sau đó quy trách nhiệm thiệt hại cho cá nhân ông Thăng.
Ở điểm này, ông Thăng vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn khi trực tiếp đứng ra ký thỏa thuận tham gia góp vốn (800 tỉ) với Ocean bank. Còn việc ông có vi phạm Luật NH và TCTD năm 2010 góp vốn quá quy định hay không, phải biết thời điểm phát hành các văn bản, mới có thể quy kết được.
(Luật NHTCTD 2010 hiệu lực từ 1/1/2011, quy định thế này: "Cổ đông cá nhân chỉ được nắm giữ tối đa 5%; cổ đông tổ chức được nắm giữ tối đa 15%; cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của 1 TCTD") .
Ocean bank chính xác phải gọi là một vụ lừa đảo. PVN trong vụ này vừa là nạn nhân của vụ lừa đảo vừa là nạn nhân của thể nhân chưa xác định tôi nói ở trên.
***
Tôi chưa bao giờ thích ông Thăng, thậm chí rất ghét kiểu chính-khách-đốc-công đi đâu kéo theo cả xe 45 chỗ chất nhà báo.
Thành thật hơn nữa, tôi chưa bao giờ tin ông Thăng "sạch".
Tuy nhiên, chuyện nào ra chuyện đó.
Khi chưa tìm ra chứng cứ ông Thăng nhận hối lộ, tạm thời ông ấy vẫn sạch, như TẤT CẢ các đồng chí của ông.
Tôi giữ cái đầu lạnh lùng để tách bạch: đâu lỗi hệ thống, đâu lỗi cá nhân trong mô hình kinh tế quái đản của đất nước. Khi không tách bạch được điều đó, rất dễ nhìn nhận chỗ sai thành ko sai, và ngược lại.
Nếu ai đó định đảo lộn quốc gia này bằng cách lục lọi các lỗi lầm trong quá khứ, riêng PVN, tôi thấy nên truy cứu những ai quyết định đầu tư cả khu Dung quất, bất chấp khuyến cáo của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, chứ không chỉ riêng vụ xăng sinh học.
Lại nữa, cũng nên truy cứu những ai áp đặt ý chí chính trị, quyết định đầu tư sang Venezuela bởi mê muội thứ chủ nghĩa xã hội nửa nạc nửa mỡ Chavez.
Thất thoát từ những "thương vụ" này mới thực sự lớn.
So ra, những Trịnh Xuân Thanh hay tơ sợi, chỉ là số lẻ của những số lẻ.
Trên một sân khấu dày đặc những Trấn Thành thì chưa phải lúc để mơ về những Shakespeare hay Breck.
Một cái xe tư nhân mang biển xanh, tới 9 (chín) cơ quan phải giải trình để từ đó, dẫn tới việc đề xuất kỉ luật một ủy viên BCT. Và, vô tiền khoáng hậu, cách các chức vụ không còn nắm giữ của một cựu BT.
Tôi xếp vụ việc vào diện cá nhân muốn đặt dấu ấn cho lịch sử và, ngang một vở diễn hài mua vui cho công chúng, không hơn.
Một bạn phây hỏi câu này: NẾU KHÔNG CÓ NGÀY 30/4, HÔM NAY AI ĐANG LÀ KIM JONG UN CỦA VIỆT NAM ?
Giống Kim mỗi khoản ngông cuồng, bạn ạ.
Hồng Hồ
(FB Hồng Hồ)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét