Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017
Tôi có biết gì đâu
Phạm Thị Hoài - Tôi có biết gì đâu
Đăng bởi Tiểu Nhi on Thursday, March 16, 2017 | 16.3.17
Cả hai đều tên Hương.
Bà Nguyễn Thị Hương, công dân Úc, năm ngoái bị một tòa án tại Việt Nam tuyên án tử hình. Trong hành lí chuẩn bị bay về Úc của bà có 36 bánh Shinzui Skin Lightening Soap nhân bạch phiến, tổng cộng 1,6 kg. Bà cụ 73 tuổi này một mực khai rằng mình có biết ma túy gì đâu, tưởng là xà bông, người ta tặng thì đem về dùng.
Bà Nguyễn Thị Hương. Ảnh: internet
Cô Đoàn Thị Hương, công dân Việt Nam, năm nay sắp phải ra tòa đại hình ở Malaysia. Chính khách Bắc Triều Tiên Kim Chính Nam bỗng chết khi cô và một cô khác ra tay ngọt. Cô gái 28 tuổi này một mực khai rằng mình có biết mưu sát gì đâu, tưởng là một trò đùa, người ta bày thì chơi.
Cô Đoàn Thị Hương. Ảnh: AP
Dư luận không quan tâm đến Hương thứ nhất. Việt kiều đoạt giải là chuyện sôi nổi vì hiếm hoi. Việt kiều buôn lậu, lừa đảo và dính ma túy – nhất là Việt kiều Úc – thì chẳng ai để ý vì quá nhàm. Không ai đặt câu hỏi, nhà nước Úc có tận tình can thiệp cho bà? Các luật sư và tổ chức nhân quyền Úc có sốt sắng sang Việt Nam hỗ trợ? Truyền thông Úc có ồn ào trách móc chính phủ Úc không bảo vệ nổi công dân nước mình? Điều gì khiến tấm hộ chiếu Úc của bà ở Việt Nam cũng như của khá nhiều công dân Úc gốc Việt đã bị án tử ở quê hương khác tấm hộ chiếu Úc của Nguyễn Tường Vân ở Singapore?
Với Hương thứ hai, dư luận đi theo một hướng khá bất ngờ. Không có gì chung với hình ảnh thường được quảng bá về người phụ nữ Việt Nam dịu dàng đảm đang, dâng hiến cả trái tim và màng trinh của mình cho gia đình và Tổ quốc, cô gái này có vẻ khớp với hình dung phổ biến của xã hội về những thiếu nữ kiếm sống trong ngành “dịch vụ giải trí” thời toàn cầu hóa, tên dân dã huỵch toẹt là “cave xuyên quốc gia”. Song trước tòa, với gương mặt nhầu và thân hình mảnh mai dưới lớp áo giáp chống đạn, trên nền một vụ bê bối chính trị tầm quốc tế thêu dệt bởi những tình tiết đầy uẩn khúc, cộng thêm sự bất mãn thường trực của nhiều người Việt với chính quyền nước mình, cô bỗng trở thành một khắc họa ấn tượng về thân phận cá nhân giữa dòng thời cuộc. Chưa đến mức thống thiết như “Giải cứu binh nhì Ryan”, song làn sóng cảm thông với cô từ mạng xã hội đã nhanh chóng tràn vào truyền thông chính thống và cuốn cả chính quyền vào cuộc, một chính quyền chưa bao giờ phải nghĩ đến chuyện chăm sóc thể diện của mình trước quốc dân, bởi luôn cầm chắc 99,99 % phiếu bầu. Ở một xã hội vừa giáo điều và bảo thủ song cũng vừa khinh suất và mất phương hướng trong ứng xử với những hành vi nguy hiểm cho cộng đồng, phong trào “Giải cứu Đoàn Thị Hương” là một hiện tượng đáng suy nghĩ.
Hiện diện khác nhau như vậy trong dư luận, song họ không chỉ chung nhau một cái tên. Hương thứ nhất rõ ràng không phải là một bà trùm ma túy, bà cụ này chắc không phân biệt được bột giặt và heroin. Hương thứ hai không phải là một nàng Mata Hari dự thi Vietnam Idol. Cô gái này chắc không rõ vì sao Triều Tiên lắm tên thế, lúc thì Hàn Quốc, lúc thì Bắc Hàn, lúc thì Nam Hàn. Họ là những vật thí điển hình của tội phạm. Ngoài sự nhẹ dạ không thể tin nổi của kiếp người và những động cơ quá tầm thường cho một hành vi quá bất thường, họ, những tấm bia đỡ đạn cho kẻ khác, đều vô tình hay cố tình đứng sau một lá chắn khác: lá chắn của vô tri và ngu muội.
Hải quan Đức tịch thu thuốc lá lậu tại Hamburg, Đức, năm 2014. – nguồn vosizneias.com
“Tôi có biết gì đâu”, câu cửa miệng ấy tôi đã nghe không đếm xuể trong hơn hai mươi năm qua ở Đức và lần nào cũng vậy, tôi bối rối khó tả. Đằng sau câu thần chú đó có thể là tất cả. Một tài nguyên mênh mông cho sự vô lương khai thác. Sự cọ sát đầy kịch tính của hai hệ tư duy và thực tiễn luật pháp khác nhau, với những độ chênh đáng kể trong quan niệm về công lý. Sự thách thức vô hạn những giới hạn ràng buộc của một nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat). Hay đơn giản và trên hết: một con người với một thân phận không lặp lại.
Hãy lấy ngành hoạt động bất hợp pháp lâu đời, kinh điển và nổi tiếng nhất của người Việt ở Đức làm ví dụ: ngành buôn bán thuốc lá lậu.
Từ lúc lọt qua biên giới Đức chủ yếu qua ngả Ba Lan và Tiệp đến lúc gắn trên môi những người Đức hoặc thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp chủ yếu ở các bang thuộc Đông Đức cũ, đặc biệt ở Đông Berlin, những điếu thuốc đểu, còn gọi là thuốc chuột vì chất lượng khủng khiếp, dán nhãn những thương hiệu nổi tiếng, sản xuất trong những công xưởng mờ ám ở Trung Quốc, Nga và Đông Âu, nằm trọn trong vòng kiểm soát của người Việt. Không có mạng lưới hậu cần và bán lẻ, thuần túy vận hành theo các nguyên tắc du kích của chợ đen song vô cùng hữu hiệu của người Việt, thị trường thuốc lá lậu ở Đức sẽ tức khắc sụp đổ. Về nhân sự, nó bao trùm từ những người bán thuê – phần lớn do các đường dây đưa chui vào Đức, thời giá hiện tại tùy tiện nghi và gói bảo đảm có thể đến 20 ngàn dollar – đến chủ thuốc và chủ các điểm bán – phần nhiều đã kịp mua giấy tờ lưu trú và trở thành những ông bà chủ kinh doanh nhỏ – lên đến hàng ngàn người. Về lao động, nó không cần một hãng môi giới việc làm nào để tổ chức uyển chuyển hàng loạt phân khúc tỉ mỉ: người bán dặm, người bán chọc, người bán thuê theo ngày, người bán thuê theo tuần, người bán thuê theo tháng, người đứng bán, người tiếp thuốc, người ra thuốc, người cõng đồ, người đổ hàng, người giao phỏm, người làm kho, người làm cầu, người đi cướp “khau”, người đi dựng “khau”, người đi thu, người chạy mối,… chưa kể hệ thống vệ tinh cung cấp các dịch vụ chui, từ nhà ở, chăm sóc sức khỏe đến đầu tư, tiếp nhận và rửa nguồn tiền đều đặn sinh ra từ đó. Để hình dung: năm 2016, nhà nước Đức thiệt hại khoảng 1,5 tỉ dollar tiền thuế thất thoát từ thị trường thuốc lá lậu.
Song mỗi con người nhỏ bé trong guồng máy tội phạm quy mô ấy, cũng thường mang gương mặt nhầu nhĩ tuy không phải mặc áo chống đạn trước tòa, dường như đều có cái lý của mình khi niệm chú “Tôi có biết gì đâu”. Tôi có biết gì đâu, thấy họ thế thì mình thế. Tôi có biết gì đâu, thấy họ mua thì mình bán. Tôi có biết gì đâu, thấy họ bảo ra đứng thì mình đứng. Tôi có biết gì đâu, thấy họ bảo đi cõng thì mình cõng. Tôi có biết gì đâu, thấy họ đưa thì mình cầm. Tôi có biết gì đâu, thấy họ đào hầm thì mình đào hầm. Tôi có biết gì đâu, thấy họ chạy chó thì mình chạy chó. Chó, là biệt hiệu dành cho cảnh sát. Có lần tôi van vỉ một cậu bé mặt mũi sáng sủa: Thôi đi cháu ơi, thấy họ bảo ăn cứt thì mình cũng ăn à! Cậu bé tỉnh khô: Ăn chứ cô! Ăn cứt mà ẻ ra tiền cháu ăn liền. Tất nhiên không có bộ luật nào phạt tội ăn cứt, song khả năng bước qua những làn ranh tệ nhất của con người quả là vô cùng.
Một Hương tiếp tay gieo cái chết trắng. Một Hương tiếp tay cho cái chết độc dược đen sì. Những Hương Việt không biết gì, ngây thơ như sự vô tri và ngu muội. Họ có biết gì đâu, khi bước qua những làn ranh tệ nhất.
Phạm Thị Hoài
(Báo Trẻ Online)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét