Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Hoàng Tuấn Công: CÒN GÌ LÀ GIANG SƠN ĐỊA MẠCH?


Hoàng Tuấn Công: CÒN GÌ LÀ GIANG SƠN ĐỊA MẠCH?



Ảnh: FB Hoàng Tuấn Công/ internet

CÒN GÌ LÀ GIANG SƠN ĐỊA MẠCH?

Hoàng Tuấn Công
25-3-2017

Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Sơn Trà là của cha ông từ nghìn xưa để lại cho cháu con nước Việt. Vậy mà bán đảo xinh tươi này đang bị một nhóm người có quyền lực đào bới, triệt hạ cỏ cây, hòng bóc lột thiên nhiên đến tận xương tuỷ…

“Đại Nam nhất thống chí” chép:

“Núi Trà ở phía đông huyện Diên Phước. Núi cao sừng sững giữa trời, luôn có mây mù tuôn ra, rừng cây rậm tối, hươu nai sinh sản từng bầy. Phía Đông giáp biển, phía Đông Nam có dãy núi liền nhau, trông như hình con sư tử, tục gọi là núi Nghê (Nghê sơn). Tương truyền trên núi có ngọc, ban đêm thấy ánh hào quang chiếu ra ngoài biển. Phía Tây có đảo Mỏ Diều, có pháo đài phòng ngự ở đấy. Phía Bắc có núi Cổ Ngựa đối diện với hòn Ngự Hải. Phía Tây cửa biển là vụng Trà Sơn làm chỗ cho ghe thuyền đậu neo rất thuận tiện…”.
Núi Trà (Trà Sơn) chính là vùng núi Sơn Trà ngày nay.

Trong số những dòng trìu mến mà “Đại Nam nhất thống chí” dành cho Trà Sơn, không thấy nhắc gì đến loài Voọc chà vá chân nâu, hay loài khỉ vượn nào đó. Tuy nhiên, phần viết về vùng giáp giới giữa Thừa Thiên với Quảng Nam, sách này có chép về một loài linh trưởng có tên là “Bạc mày” (còn gọi là “quả nhiên” 猓然, “tiên hầu” 僊猴…):

“Quả nhiên là loại thú có (lòng) nhân, sinh sản trong rừng núi phía Tây Nam, sống ở trên cây, hình giống con vượn sắc đen, NHIỀU LÔNG MÁ, đuôi dài hơn mình, ở chót đuôi có hai chẽ, khi mưa thì lấy chẽ đuôi đút vào mũi, ƯA ĐI CẢ BẦY, CON GIÀ ĐI TRƯỚC, CON TRẺ ĐI SAU, ĂN THÌ NHƯỜNG NHAU, Ở THÌ THƯƠNG NHAU, SỐNG CHUNG CHẠ NHAU, chết chạy đến nhau. Liêu Tử bảo là có đức nhân nhượng hiếu từ. Tục gọi là quả nhiên, nay ở núi Hải Vân (giáp giới Thừa Thiên và Quảng Nam) có rất nhiều”.

Thông thường, những ghi chép, mô tả của người xưa về muông thú đôi khi rất mơ hồ, con nọ lẫn với con kia. “Đại Nam nhất thống chí” lại cứ vào sách “Bản thảo” của Tàu để nhận diện loài bạc mày bản địa, thì dĩ nhiên không tránh khỏi sai lệch, nhầm lẫn. Tuy nhiên, xét một vài đặc điểm và tập tính sinh hoạt, có vẻ như loài linh trưởng được nhắc đến này, chính là Voọc chà vá chân nâu nổi tiếng của Sơn Trà. Rất có thể địa vực cư trú, sinh sống của chúng vốn ở vùng núi Hải Vân. Nhưng do môi trường sống bị tàn phá, loài thú có “lòng nhân” này đã phải men theo dải đất mới được bồi lấp để thực hiện một cuộc “đại thiên di” đến với bán đảo Sơn Trà-một vùng cây cỏ, núi non xinh đẹp và yên tĩnh?

Nếu quả như vậy, thì rất có thể, một lần nữa chính quyền Đà Nẵng lại tiếp tục dồn đuổi loài “Tiên Hầu” hiền lành này vào bước đường cùng, bởi phía Tây không còn đường lùi, mà phía đông Vương quốc của chúng chỉ thấy mênh mông biển cả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét