Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Đà Nẵng: “lãnh địa” riêng của những dự án không phép


Đà Nẵng: “lãnh địa” riêng của những dự án không phép

Đăng bởi Ha Tran on Saturday, March 25, 2017 | 25.3.17



Gần đây báo chí liên tục đưa tin về những công trình xây dựng không phép mọc lên như nấm ngay trung tâm thành phố ở Đà Nẵng. Điều đáng nói là những công trình này thi công rầm rộ trong một thời gian dài, nhưng chính quyền nơi đây không hề hay biết cho đến khi sự việc được phanh phui. Mà nghịch lý thay, khi bị phát hiện, những công trình này không hề bị xử lý mà còn được chính quyền hối thúc bổ sung hợp thức hóa giấy phép. Liệu chính quyền Đà Nẵng có dung túng cho những dự án này để thu lợi bất chính?



Phải chăng chính vì những dự án “tiền trảm hậu tấu” như thế này, mà gần đây dư luận xôn xao xung quanh khối tài sản của Chủ tịch và Bí thư Đà Nẵng?

Tất cả các công trình xây dựng trái phép này, đều được các cơ quan chức năng phát hiện sau khi xây dựng một thời gian dài. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư tại thành phố này, liên tiếp xảy ra những sai phạm trong xây dựng.


Điển hình là, dự án Khu phức hợp Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Như Nguyệt (Thuận Phước – quận Hải Châu – TP Đà Nẵng), do Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long làm Chủ đầu tư. Công trình không phép này được xây dựng rầm rộ trong nhiều tháng liên tục, chỉ cách trụ sở UBND TP Đà Nẵng khoảng 1km nhưng họ không hề hay biết. Khi phát hiện, thì công trình được xây đến tầng 3, tuy nhiên thay vì đưa ra các biện pháp xử lý triệt để, thì chính quyền Đà Nẵng chỉ đình chỉ thi công và cho phép chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục. Chủ tịch tỉnh Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ nói: “có một số dự án xin phép Thủ tướng chính phủ cho phép vừa làm thủ tục đầu tư, vừa vỡ móng xây dựng”.



Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp bị ngừng thi công vì vi phạm. Font Size: |

Một minh chứng khác là Dự án tổ hợp Căn hộ và khách sạn Central Coast, tại khu vực ven biển Đà Nẵng (lô 29 và 30 Khu B khu biệt thự cao cấp Redstar, đường Võ Nguyên Giáp – Trần Hữu Tước – Đỗ Thế Chấp thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) do Công ty TNHH dịch vụ du lịch và thương mại Minh Đông (trụ sở tại phường Phước Mỹ, Sơn Trà) làm chủ đầu tư. Dự án không phép này nằm ngay trong lòng TP, mặc dù bị đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng công trình lên đến tầng thứ 10, thách thức cách xử lý của chính quyền. Không dừng lại ở đó, công ty này còn tự ý mở văn phòng để giao dịch mua bán căn hộ của dự án. Hiện dự án chờ bổ sung hồ sơ pháp lý liên quan.


Tương tự công trình “phố Trung Quốc” cũng được xây dựng không phép trên diện tích 1.500 m2, tại khu vực giao nhau giữa đường Phạm Hùng – Hoàng Đạo Thành, thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ – Hòa Xuân – quận Cẩm Lệ – Đà Nẵng, phía sau công ty VietMay Home – tổng kho miền Trung thuộc phần đất của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Dự án nằm ngay trong lòng thành phố, do nhiều người Trung Quốc có hộ chiếu in hình đường lưỡi bò chỉ đạo và quan sát thi công. Nhưng các cơ quan chức năng không hề hay biết, mãi đến khi chủ đầu tư đập bức tường bao bọc bên ngoài (ở số 3 đường Phạm Hùng) xây lại, báo chí vào cuộc cơ quan chức năng mới phát hiện. Kỳ lạ một điều là, khi phát hiện công trình thi công không phép, cơ quan chức năng không cưỡng chế tháo dỡ, mà tạm đình chỉ.



Khu “phố Trung Quốc” được xây dựng trên phần đất của Hoàng Anh Gia Lai

Mới đây nhất là Dự án Khu du lịch Sinh thái Biển Tiên Sa của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tàn phá hàng trăm ha rừng để xây biệt thự nghỉ dưỡng. Đặc biệt công trình này không hề có giấy phép xây dựng, khi phát hiện thì đã hoàn thiện phần móng của hơn 40 biệt thự. Được biết, đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên 319 Miền Trung, thuộc Công ty 319 của Bộ Quốc phòng. Sự việc chỉ được phát hiện, khi một người dân phản ánh trên trang Facebook quản lý đô thị Đà Nẵng.


Phải chăng thế lực chống lưng cho dự án này là em vợ của chủ tịch Đà Nẵng như người ta đồn đoán, nên khi bán đảo Sơn Trà bị băm nát mà cơ quan chức năng không hề biết? Như ta đã biết, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng được các nhà quân sự ví như “mắt thần Đông Dương” và đây cũng là nơi được cho là có nhiều loại động thực vật quý hiếm sinh sống như voọc chà vá chân nâu, nằm trong danh sách đỏ cần được bảo vệ.



Bán đảo Sơn Trà bị băm nát, nhưng chính quyền không hề hay biết

Liệu khi bán đảo Sơn Trà bị băm nát, có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và vị trí quân sự chiến lược? Những đàn Voọc chà vá Sơn Trà rồi sẽ đi về đâu, khi sắp tới đây, người ta chọn chúng là hình ảnh nhận diện của thành phố Đà Nẵng tại APEC 2017? Lá phổi xanh Đà Nẵng rồi sẽ ra sao?


Một dự án không phép, hủy hoại môi trường đến thế, mà chính quyền Đà Nẵng chỉ xử phạt 40 triệu đồng và chờ bổ sung giấy tờ, hợp thức hóa sai phạm. Dư luận đã không khỏi ngạc nhiên với mức phạt này, vì chưa bằng mức phạt của một lỗi vi phạm về an toàn giao thông. Điều này cho thấy sự bao che, dung túng cho những sai phạm của chính quyền địa phương, bởi nếu không có sự làm ngơ thì ngay cả một căn nhà cấp 4 cũng không dễ dàng mọc lên nổi, nói chi là 40 móng biệt thự. Xung quanh vấn đề này, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm – nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch T.P Đà Nẵng cho rằng: “đây là sự buông lỏng kỷ cương của chính quyền”.


Câu hỏi đặt ra là, liệu chính quyền có còn năng lực quản lý hay không, hay do thế lực chống lưng cho các doanh nghiệp này quá lớn? Việc xử lý các công trình xây dựng trái phép như thế chẳng khác nào hợp thức hóa thủ tục xây dựng. Đề nghị chính phủ và các Sở ban ngành vào cuộc làm rõ vấn đề này, và có hướng xử lý với những cán bộ tự cho mình cái quyền dung túng những dự án không phép, xem thường chỉ đạo của Thủ tướng: “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.


Thế Duy


(FB Nhận diện Nhóm lợi ích)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét