Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Chuyện lạ: Không chứng minh được nguồn gốc tài sản, UBND Đà Nẵng quay sang điều tra người cung cấp thông tin kê khai của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ


Chuyện lạ: Không chứng minh được nguồn gốc tài sản, UBND Đà Nẵng quay sang điều tra người cung cấp thông tin kê khai của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, March 29, 2017 | 29.3.17



Trước thông tin “mật” về tài sản khủng của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị tiết lộ, thay vì người ta xác minh xem đúng hay sai, xem nguồn gốc tài sản là hợp pháp hay không thì lại quay sang điều tra ai đã cung cấp thông tin để trừng phạt. Ôi chao, người dân sao mà hoang mang quá, mất lòng tin quá.


“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là những điều mà người ta vẫn hay nhắc đến, ra rả suốt trên báo chí, truyền hình và các cuộc họp quan trọng. Ấy vậy mà đến giờ, dường như chỉ có “dân làm”, còn “biết, bàn, kiểm tra” thế nào khi ngay cả biên bản kê khai tài sản của cán bộ “đầy tớ của dân” cũng được xếp vào loại tài liệu mật không được tiếp cận?



Trước thông tin tài sản khổng lồ của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, UBND Đà Nẵng đang … truy tìm tung tích người công bố thông tin để xử lý

Còn nhớ vụ kê khai tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cách đây hơn 1 tháng, với khối tài sản vài trăm tỉ là cổ phần tại CTCP Bóng đèn Điện Quang, bà Thoa đã bị Bộ Công Thương, các lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thanh – kiểm tra nguồn gốc số tài sản. Ấy vậy mà trong vụ “rò rỉ” khối tài sản ước tính hơn nghìn tỷ đồng của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, cùng nhiều tài sản ẩn khác được báo chí vào cuộc phanh phui gần đây, người ta lại quay sang đổ lỗi cho người công khai tài liệu, rằng cần điều tra gấp và xử lý nghiêm vì “dám” rò rỉ thông tin cần được bảo vệ.


Phải chăng vấn đề minh bạch tài sản của cán bộ ở Việt Nam đang tồn tại “tiêu chuẩn kép”? Một mặt, nhanh chóng điều tra làm rõ nếu cán bộ nằm trong diện “cần chú ý” (hay “thanh trừng”), người tiết lộ thông tin lúc này được xem như “người hùng” của đất nước vì góp tay diệt trừ một “con sâu tham nhũng”; mặt khác truy tố, thậm chí kết tội người cung cấp thông tin nếu chiếc bóng của người bị tố cáo, trong trường hợp này là Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ, quá lớn.


Bấy lâu nay cứ tưởng việc kê khai tài sản cán bộ, lãnh đạo là để người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, ai dè kê khai chỉ để nội bộ biết với nhau rồi xem đó là TÀI LIỆU MẬT. Vậy thế nào là công khai, là minh bạch? Hèn gì hơn 1 triệu bản kê khai tài sản của cán bộ mà không phát hiện bất thường, tham nhũng. Đến vị Chủ tịch xã lương tháng vài triệu, sở hữu vài căn biệt thự to như lâu đài, thì kiểm tra cũng là tài sản chính đáng, nguồn gốc tài sản là do tích góp, mồ hôi nước mắt lao động, cha mẹ để lại, đứa em nó cho…


Ấy vậy mà, dân chỉ cần được tiếp cận bản kê khai tài sản MẬT của vị nào, là y như rằng tài sản khủng của người đó là không thể chứng minh, đều bất thường và có nguồn gốc từ tham nhũng. Tại sao lại có nghịch lý như thế?



Trong khi những sai phạm của Chủ tịch Thơ trong việc sở hữu và những chính sách “ưu ái, dung túng” dành cho công ty Thép Dana Ý nơi ông có vốn cổ phần không được làm rõ…

Một ông Chủ tịch tỉnh trước khi nhậm chức ở nhà cấp bốn, thu nhập đủ chi tiêu. Sau nhiệm kỳ 5 năm, ông xây biệt thự, đi xe hơi, đất đai vài chục lô trên địa bàn do ông quản lý, tiền góp vốn ở các doanh nghiệp địa phương lên đến hàng trăm tỷ, mà doanh nghiệp nào cũng nằm trong diện mũi nhọn phát triển của tỉnh, tiền gửi ngân hàng không sao liệt kê hết, hỏi sao dân không té ngửa cho được. Khi dân thắc mắc hỏi thì nói “thuộc diện trung ương quản lý” tỉnh không nắm, không biết. Rồi quay sang kiểm tra ngược lại ai đã công bố thông tin kê khai tài sản của bản thân, khép vào tội làm lộ lọt thông tin mật. (?!)


Thật buồn cười! Từ bao giờ bản kê khai tài sản của cán bộ được lọt vào danh sách tài liệu không thể công bố? Xin hỏi, căn cứ vào đâu mà ông Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh muốn kết tội người đã cung cấp thông tin, thay vì điều ra và xác thực khối tài sản của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, cho dư luận cả nước một câu trả lời thuyết phục?



… thì Chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng Trần Đình Quỳnh lại muốn kết tội người cung cấp thông tin cho báo chí, bảo vệ Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ

Đừng nói đến dân, mà ngay cả Công an khi muốn điều tra cũng không được tiếp cận bản kê khai tài sản cán bộ, lãnh đạo. Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó Giám đốc công an TP. HCM nói thẳng: “Có một số vụ án được Thường trực Thành ủy cho ý kiến để Công an TP tiếp cận bản kê khai tài sản của một số cán bộ nhưng cho đến nay Công an TP không tiếp cận được. Thế thì bản kê khai tài sản đó đi đâu?”. Vâng, thế thì tài sản đó đi đâu? Kê khai tài sản để làm gì khi không kiểm tra, đút vô ngăn cất?


Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng – TTCP từng tuyên bố hùng hồn: “Tài sản thì phải công khai, trừ bí mật của nhà nước. Quan chức phải công khai tài sản, nếu không thì đừng làm quan chức nữa”.


Cứ hô hào chống tham nhũng, nhưng ngay cái việc đơn giản nhất là kê khai tài sản của cán bộ cũng chỉ là hình thức thì chống cái gì ? Ở các nước khác, người ta kê khai tài sản của cán bộ để người dân được biết, thêm phần tin tưởng, còn ở Việt Nam tại sao lại giấu? Cấp trung ương thì là bí mật quốc gia, cấp tỉnh là bí mật tỉnh, huyện xã cũng bí mật luôn. Nói thẳng ra, chính việc này đang tiếp tay cho tham nhũng hơn là ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.


Thành Anh


(FB Sự Thật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét