Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Tâm sự với người cùng nghề cầm bút trước vận mệnh đất nước


Tô Văn Trường - Tâm sự với người cùng nghề cầm bút trước vận mệnh đất nước

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, March 29, 2017 | 29.3.17


Nhà báo Tô Văn Trường

Kỳ Duyên: Nhà báo công dân Tô Văn Trường vừa gửi cho Blog bài viết này- lá thư tâm sự và trang trải những quan niệm của người cầm bút trước vận mệnh đất nước:


“Đảng cộng sản VN có đủ vị thế của một đảng cầm quyền hiện nay để thực hiện một cuộc Đổi mới II với nội dung chủ yếu và trọng tâm là CẢI CÁCH TRIỆT ĐỂ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ để cứu Dân tộc , cứu chế độ khỏi một sự suy vong từ từ nhưng khốc liệt. Taiwan , Campuchia, Lào, Myanmar…những nước quanh ta cũng đang đưa ra các chính sách thu hút nhân tài, vật lực để vươn lên cạnh tranh rất quyết liệt còn VN thì sao nhỉ ? Chẳng nhẽ phải chờ đợi một cú hích ” dồn vào chân tường” hoặc “nước ngập tới mang tai ” thì sẽ có đổi thay. Buồn và đau xót vì lúc đó cái giá mà xã hội và Dân tộc này phải trả sẽ lớn khôn lường”.

Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ

Dear Anh Nguyễn Anh Tuấn


Hôm lâu, nhận được email của Anh Tuấn, bảo rằng :”Anh Trường đã thực sự là nhà báo có uy tín trong xã hội…” làm tôi cứ suy nghĩ mãi về con đường đã trải nghiệm, giúp mình từ người làm công tác khoa học trở thành nhà báo công dân. Nhiều bạn có thẻ nhà báo cũng hỏi mình kinh nghiệm làm gì, như thế nào để trở thành người cầm bút có “thương hiệu”.


Sáng nay, mình gọi điện hỏi thăm PGS Vũ Trong Khải về tiến triển chữa bệnh đau lưng, tình cờ gặp nhà báo Thu Hà (phụ trách Tuan VN-VNN) đang phỏng vấn Anh Khải, thế là hai chú cháu “ôn nghèo, nhớ khổ” qua phone từ những ngày đầu tiên, Thu Hà truy tìm địa chỉ của mình để xin đăng bài viết “Đường sắt cao tốc – kim tự tháp của Việt Nam” trên Tuan VN-VNN.


Viết đến đây, các kỷ niệm đáng nhớ của mình với VNN lại ùa về bằng hàng loạt các bài viết tiếp theo về bauxite Tây Nguyên, Sửa Hiến pháp, Luật đất đai, ô nhiễm môi trường vv…và lần đến toà soạn VNN góp ý về chiến lược phát triển của tờ báo theo lời mời của Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn (có cả các Anh Việt Phương, Nguyễn Trung, Chu Hảo, Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Quang A vv…) cùng tham dự.


Xưa nay, mình viết cho rất nhiều tờ báo như VNN, Thanh niên, Tuổi trẻ, VNexpress, Sài gòn tiếp thị, Lao động, Người lao động, Pháp luật TP.HCM, Thời báo kinh tế sài gon, Một thế giới, Sài gòn giải phóng (kể cả báo nước ngoài) vv…đều do toà soạn đặt bài, rất hiếm khi chủ động gửi bài. Đối với Tuan VN-VNN, những năm gần đây, mỗi khi gặp các chủ đề “hóc búa” thì lại viết theo yêu cầu của nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên, người bạn cùng chí hướng, đấy cũng là duyên phận, Tuấn nhỉ.


Ngẫm suy, nhớ lại mình viết những bài đầu tiên từ thập niên 80 khi còn đang ở nước ngoài gửi về đăng trên báo Thanh niên và báo Lao động như các bài “Lại nói về Tràm Chim”; “Thủy triều đen”; “Nền khoa học Nga vang bóng một thời” vv…. Nhưng chính thức đi vào con đường phản biện xã hội từ đầu năm 1997 khi chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ông Sáu Dân) là người phát hiện ra khả năng của mình về phản biện xã hội , đã khuyến khích, động viên mình cầm bút.


Nói riêng về phản biện trong khoa học (review) hay “phản biện độc lập” (peer review) thường được dùng trong phản biện các bài báo khoa học hoặc các đề tài, dự án. Phản biện đó có thể là phản biện kín (người được phản biện không biết ai là người phản biện) cũng có thể không kín (công khai), nhưng nội hàm của nó là xem xét, đánh giá một vấn đề nào đó mang tính khách quan, chỉ ra cái đúng, cái sai, đưa ra phương án khắc phục những cái chưa được hoặc bác bỏ hoàn toàn nếu vấn đề chưa đạt tầm hay sai thực sự.


Từ khi bước chân vào con đường phản biện xã hội, mình đã xác định phải hiểu phản biện không phải là phản đối. Phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lý luận và khoa học về chủ đề của chính sách, của pháp luật, của quyết định, của tác phẩm được phản biện, Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là “phản”, mà là “biện”.


Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận. Muốn phản biện có ý nghĩa, có tác dụng xây dựng tích cực, thì người phản biện và người nhận phản biện phải có văn hóa phản biện, biết phản biện, và biết hoan nghênh, biết tiếp nhận phản biện.


Văn hóa phản biện gồm 3 thành tố chính (1) Trình độ sống, trình độ hiểu biết và từng trải; (2) Phẩm chất người và (3) Sự quen thuộc, tạo thành nếp quen, thành nhu cầu muốn, cần, phải phản biện và tiếp nhận phản biện.


Tiếc rằng, trong hàng ngũ lãnh đạo nước ta không phải ai cũng có tâm, có tầm, có tấm lòng thực sự biết lắng nghe và tôn trọng phản biện đa chiều kể cả những lời nói trái với suy nghĩ của mình như ông Sáu Dân. Phản biện không chỉ “có được” mà “còn mất” như chịu rất nhiều phiền toái, khi “đụng chạm” với những thế lực bảo thủ và người trong cuộc vv…nên đòi hỏi những người cầm bút phải có bề dầy kinh nghiệm, kiến thức và bản lĩnh để đi giữa đường hát cho đồng bào tôi nghe.


Một số tờ báo đông bạn đọc trước đây, ngày càng xa sút vì loay hoay chưa điều tiết giải được bài toán hài hoà giữ “vòng kim cô” và nhu cầu của bạn đọc. Nhiều người có chung suy nghĩ cùng với đà phát triển tất nhiên và tất yếu của dân trí theo xu thế thời đại, thì truyền thông đã trở thành hơi thở – hệ thống hô hấp không thể thiếu cho một cơ thể sống khỏe mạnh và minh mẫn . Nếu chỉ vì sợ hít thở phải “khí độc” mà tiết giảm hoặc ngừng hít thở thì quả là sự suy nghĩ của một não trạng không bình thường: tâm thần + tự kỷ ám thị ! Đó chính là căn bệnh của nhân vật Chí Phèo ở Việt Nam và nhân vật AQ của Lỗ Tấn ở Trung Quốc ! Người ta thường nói: “nói với thằng say như vay không trả”! Nothing to comment!


Một số vị lãnh đạo thức thời của nước ta đã mạnh dạn đề cập đến việc đổi mới thể chế. Có lẽ chỉ cần nhìn vào bảng con số biết nói dưới đây để biết “nút thắt” ở đâu?





Những người lãnh đạo hiện nay, dù khá hay kém, tốt hay xấu, đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề tích tụ lại từ lâu, mà ban lãnh đạo lại không có nổi một chủ trương chung hữu hiệu, không có một ý chí chính trị chung rõ ràng, nên hành động rất loạng quạng. Có lẽ nên giành cho những người có thiện chí nhất trong họ thời gian và giúp đỡ họ dần dần giải quyết công việc.


Đảng cộng sản VN có đủ vị thế của một đảng cầm quyền hiện nay để thực hiện một cuộc Đổi mới II với nội dung chủ yếu và trọng tâm là CẢI CÁCH TRIỆT ĐỂ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ để cứu Dân tộc , cứu chế độ khỏi một sự suy vong từ từ nhưng khốc liệt.


Taiwan , Campuchia, Lào, Myanmar…những nước quanh ta cũng đang đưa ra các chính sách thu hút nhân tài, vật lực để vươn lên cạnh tranh rất quyết liệt còn VN thì sao nhỉ ? Chẳng nhẽ phải chờ đợi một cú hích ” dồn vào chân tường” hoặc “nước ngập tới mang tai ” thì sẽ có đổi thay. Buồn và đau xót vì lúc đó cái giá mà xã hội và Dân tộc này phải trả sẽ lớn khôn lường.


Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam quá nhiều mũi nhọn, đã biến thành mũi nhọn kiểu quả mít! Cách nay cả mấy chục năm rồi, cái nhà ông “bút tre” đã phán rất tài tình, có sai đâu :“… thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu ! Hàng đầu chẳng biết đi đâu – nhưng mà, ta cứ hàng đầu ta đi !” . Qủa là đến Chí Phèo cũng … phải trả lại tiền!


Nợ công và nợ xấu là hai chuyện được cái thống kê công khai phụ họa, giúp các nhà cầm quyền khoa trương che dấu sự tồi tệ trong quản lý và các nguy cơ tài chính đe dọa. Mình đã viết một loạt bài như “Nợ công đại vấn đề”; “Vinashin đừng có đánh bùn sang ao”, ‘Những bất cập về cách tính GDP của Việt Nam”; “Nguy cơ vỡ trận tài chính” vv…


Đúng là, không ai có thể nói dối được mãi, sư thật cuối cùng vẫn tự nó bộc lộ. Nên hoan nghênh mọi công bố gần sự thật hơn trong vấn đề này, va dứt khoát lên án mọi sự làm xiếc với các con số vớ vẩn, trước khi bàn sang chuyện “giải quyết”.


Bàn về sửa luật đất đai nhưng lại không cho nói đến nguyên nhân của mọi nguyên nhân bất cập, bất công, gây mất ổn định chính trị xã hội lâu nay chính là quan điểm “Đất đai là sở hữu toàn dân”. Nông dân là tầng lớp nghèo khổ nhất, hy sinh cống hiến nhiều nhất cả trong thời chiến và thời bình, bị thua thiệt nhiều nhất , lại bị chính quan niệm “sở hữu toàn dân” này tước đoạt quyền sở hữu cá nhân chính đáng ít ỏi thuộc về mình.


Khi không có tư duy quản trị Quốc gia và tư duy hệ thống, logich để xây dựng nhà nước pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhà nước chỉ là nhà nước phục vụ, chứ không phải là nhà nước toàn trị thì việc xây dựng, sửa đổi các Luật là một điều rối như canh hẹ, không có gì lạ!


Chính Mác là người đưa ra quan điểm giai cấp tư sản tước đoạt đất đai là tư liệu sản xuất của toàn dân thông qua bóc lột giá trị thặng dư (chế độ phong kiến bóc lột qua cường quyền) cho nên chúng ta phải tước đoạt của những kẻ đi tước đoạt. Một trong những sắc lệnh đầu tiên của Lê Nin là “quốc hữu hoá ruộng đất” vẫn còn “di căn” hậu hoạ đến ngày nay mà Việt Nam là một trong số rất ít nước còn lại trên thế giới phải gánh chịu. Nhưng cũng đừng quên rằng chính Mác đã nói :”Không có điều gì vô lý hơn trái đất này là của toàn nhân loại nhưng … lại do một số người chiếm đoạt”!


Nếu đọc “Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn” sẽ hiểu cách ông ấy đề xuất giải quyết vấn đề “có tình, có lí” như thế nào. Đất chưa khai phá là “tài sản toàn dân”, ai muốn khai phá thì xin phép và nộp lệ phí, tính theo khoản lợi mà người xin khai phá phải nộp và trở thành đất tư nhân. Khi người khác muốn sử dụng thì phải “mua lại” của chủ đất theo giá thị trường thuận mua vừa bán. Giá cả tính theo khoản lợi mà người mua sẽ thu được. Nếu giá thấp, không thỏa đáng thì Nhà Nước sẽ đánh thuế chuyển nhượng cao và Nhà Nước sẽ thu được khoản chênh lệch vv…


Trong lúc chờ đợi “được phép” quyền mở miệng bàn về đất đai là sở hữu toàn dân, phải thấy rằng một thực tế của nền kinh tế thị trường là “quyền sử dụng tài sản” là một loại hàng hóa đã hình thành từ hàng nghìn năm nay và ngày cảng mở rộng dưới các hình thức :


– cho vay tiền tức bán quyền sử dụng tiền.
– cho thuê nhà, đất, tức bán quyền sử dụng nhà, đất.
– cho thuê sức lao động tức bán quyền sử dụng sức lao động.
– v.v….


Việc mua bán quyền sử dụng tài sản đã được hợp thức hóa trên các bộ Luật dân sự do đó vấn đề mua bán quyền sử dụng đất (tài sản thuộc sở hữu toàn dân) là việc làm thích hợp. Tuy nhiên, việc lợi dụng điều đó để vi phạm các quy luật kinh tế thị trường, trong đó có “thuận mua, vừa bán” quyền sử dụng đất là một thực tế tồn tại khách quan, không chỉ giới hạn vào việc mua bán quyền sở hữu đất. Việc lạm dụng quyền sở hữu đất toàn dân để dẫn đến việc trưng mua đất không theo giá thị trường để thực hiện các dự án đầu tư là việc làm không phù hợp, dẫn đến khiếu kiện kéo dài vì vi phạm quyền lợi hợp pháp của người dân.


Chung quy lại:


“Sửa mọi lỗi làm hiện nay phải bắt đầu sửa từ hệ thống, lấy trả lại quyền tự do dân chủ cho dân làm sức mạnh sửa mọi lỗi lầm của hệ thống và các sai phạm cá nhân. Đấy là tiếng nói của dân cần được lắng nghe và thực hiện. Không thể có con đường tắt hay giả dối nào khác có thể giải nguy cho đất nước.”


Chúng ta còn rất nhiều việc phải nghĩ, phải bàn và phải làm. Tạm dừng bút ở đây nhé.


Tô Văn Trường


(Blog Kỳ Duyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét