Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Ai mới là trung tâm của chính sách hạn điền?


Ai mới là trung tâm của chính sách hạn điền?
Reply
news, society
27.3.17
Huy Đức





Rất ủng hộ chủ trương "mở rộng hạn điền" của Chính phủ. Nhưng khi đọc các ý kiến ở đây, đặc biệt là của hai nhà lãnh đạo khả kính, thì chưa vui vì các anh vẫn chưa nhận ra đâu (và ai) là trung tâm của chính sách hạn điền này [Anh Lê Minh Hoan thì được chị Vu Kim Hanh ca ngợi nhiều; anh Nguyễn Minh Nhị thì tôi đã từng gặp và rất kính trọng].
Trước hết về đề nghị đưa mức hạn điền từ 2 đến 3 hecta hiện nay lên 5 đến 10 heecta thì lẽ ra các anh miền Tây nên thẳng thắn chỉ ra là nó đã rất lạc hậu và vẫn tư duy kinh tế hộ.
Từ năm 1991, chúng tôi đã viết hàng trăm bài báo về hạn điền và vẫn còn nhớ chuyến đi miền Tây 1998 cùng anh Năm Khoa (Hoang Hai Do - khi đó là trưởng ban Kinh tế Thành ủy SG) và ông Phan Diễn, nghiên cứu kinh tế trang trại nhằm vận động mở cái còng hạn điền này. Ngay từ khi đó, ông Phan Diễn đã được đưa tới những thửa ruộng hàng trăm và có trường hợp hàng ngàn hecta mà người miền Tây đang canh tác.
Đấy là thực tiễn. Vấn đề của chính sách này sẽ nảy sinh hai hệ quả: Tiến trình tích tụ ruộng đất và Sản xuất lớn trong nông nghiệp.
Sản xuất lớn trong nông nghiệp cần một cánh đồng rộng bao nhiêu tôi sẽ không bàn. Nhưng chỉ có sản xuất lớn thì mới hiện đại hóa và đi tới công nghiệp hóa ở nông thôn. Tiến trình công nghiệp hóa này, như tôi đã nói nhiều lần, diễn ra nhân bản hơn tiến trình Nghị quyết đặt ra nhiều. Nhiều nông dân sẽ không còn giữ đất (chứ không phải mất đất như vừa qua) và trở thành cổ đông hoặc công nhân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ ở ngay chính quê mình.
Tiến trình tích tụ ruộng đất mới là điều đáng bàn.
Anh Bảy Nhị sợ "địa chủ mới" và anh đề nghị, "Người dân, doanh nghiệp đứng tên vượt hạn điền mà trực canh thì được. Còn có đất nhiều mà không làm, chỉ cho người khác thuê lại thì không khác nào những địa chủ, nguy hiểm lắm". Anh Lê Minh Hoan đề nghị, "Cá nhân, doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất nên đi kèm điều kiện, như phải có kế hoạch hình thành chuỗi giá trị nông sản, phương án giải quyết những vấn đề xã hội như bài toán về lao động..."
Cách mà anh Bảy Nhị muốn áp dụng đã thất bại nhiều và sẽ thất bại lớn hơn vì mở hạn điền là để sản xuất lớn, để có các nhà doanh nghiệp trong nông nghiệp chứ không phải tiếp tục duy trì kinh tế hộ. Cách của anh Hoan thì rất ngạc nhiên (với một người hay gặp doanh nhân như anh lại đưa ra) vì nó không giải quyết được vấn đề gì ngoài giúp đẻ ra thêm nhiều giấy phép con (như Nghị định 109) gây khó khăn cho nông nghiệp. Thị trường chứ không phải các thủ tục đó sẽ giải quyết các lo ngại của anh Hoan.
Cả hai anh đang tư duy trên nền tảng nhà nước làm chứ không phải nhà nước làm bà đỡ cho người dân làm nông nghiệp. Tôi đề nghị hai anh nên quan tâm đến mối đe dọa dưới đây.
Nông dân phải là trung tâm của chính sách này. Khi Nhà nước mở rộng hạn điền có nghĩa là NN phải chuẩn bị cho một tương lai nhiều nông dân sẽ không còn đất. Vấn đề là họ sẽ bị quy hoạch, giải tỏa, rồi "đền bù" như tước đoạt hay họ là chủ thể định đoạt mảnh ruộng của mình.
Khi chưa thể sửa Hiến pháp theo hướng công nhận đa sở hữu đất đai, cùng lúc với việc mở rộng hạn điền, Chính phủ nên đề nghị Quốc hội bãi bỏ quyền thu hồi đất của các cấp chính quyền, đối xử với quyền sử dụng đất của người dân như quyền về tài sản tuân thủ các nguyên tắc dân luật (Bộ Luật Dân sự 1995 đã coi 5 quyền của người sử dụng đất là quyền dân sự). Tất cả các nhà doanh nghiệp muốn tích tụ thì phải thương lượng với nông dân (để mua hoặc để họ góp đất cùng mình làm) chứ không phải như hiện nay, thậm thụt với quan huyện, quan tỉnh.
[Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, thì Nhà nước áp dụng Điều 32, Hiến pháp 2013, "trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường" phần đất này "theo giá thị trường"].
Các chính sách để đảm bảo đất không bị hoang hóa và phát triển nông nghiệp đúng hướng là luôn cần chứ không phải kèm theo hạn điền.
Cái gốc của vấn đề là nông dân sẽ bị đe dọa khi các đại gia từ thành phố về "nhậu" lãnh đạo, xin quy hoạch, rồi "lái" tỉnh, huyện ra các quyết định thu hồi đất để giao cho họ; còn nếu để tiến trình tích tụ này diễn ra theo đúng quy luật của thị trường, giao dịch theo nguyên tắc dân sự, thì không cần phải có thêm ràng buộc thủ tục nào như hai ông nói.

Một người dám lội đến từng nhà dân mua từng sào, chắc chắn sẽ gắn bó với ruộng. Thành công của họ trong nông nghiệp sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp nông dân li nông mà không ly hương chứ không phải là sự can thiệp quá nhiều của nhà Nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét