Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017
Chính sách đất đai sẽ ly khai ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’
Chính sách đất đai sẽ ly khai ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’
Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, March 28, 2017 | 28.3.17
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa thừa nhận: “Cần phải điều chỉnh quy mô sản xuất bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp.” “Hạn điền” vốn là một phần quan trọng của “định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Người nông dân ở Việt Nam lao động cật lực nhưng càng ngày càng nghèo. (Hình: Getty Images)
Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn xem đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Các cá nhân và tổ chức, trong đó có doanh nghiệp không được sở hữu mà chỉ có quyền “sử dụng đất” bởi đó là một trong những yếu tố cấu thành nền tảng của “chủ nghĩa cộng sản.”
Tuy tuyên bố sẽ xây dựng kinh tế thị trường nhưng chính quyền Việt Nam vẫn khẳng định, “kinh tế thị trường” ở Việt Nam là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” “Hạn điền” – đặt định giới hạn nhằm khống chế diện tích sử dụng đất nông nghiệp là một kiểu khắc họa quyết tâm đeo đuổi “định hướng xã hội chủ nghĩa” (bất kể thế nào cũng không được quá 33 héc ta).
Những áp đặt đối với đất đai, bao gồm cả giới hạn về diện tích lẫn cách thức sử dụng đã được chứng minh là lý do khiến nông nghiệp Việt Nam lụn bại, nông dân Việt Nam khốn cùng.
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là cả lượng gạo lẫn giá gạo xuất cảng của Việt Nam cùng giảm liên tục. So với năm 2015, lượng gạo xuất cảng của Việt Nam trong năm 2016 giảm 25% và giảm đến 40% về giá trị.
Hồi thượng tuần tháng này, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM) công bố kết quả một cuộc khảo sát về những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp và xuất cảng gạo. Theo đó giá gạo xuất cảng của Việt Nam giống như tự nguyện bù lỗ cho thiên hạ: Trong vài năm vừa qua, giá gạo xuất cảng (từ 5 đến 7 triệu tấn) luôn thấp hơn giá gạo bán lẻ trong nước!
Sự phi lý ấy đã được các chuyên gia chứng minh là lỗi lầm của chính sách. Năm 2009, chính phủ Việt Nam ban hành một nghị quyết (63/2009/NQ-CP) để “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia,” buộc phải duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3.8 triệu héc ta, trong đó có 3.2 triệu héc ta mỗi năm trồng ít nhất hai vụ lúa. Nghị quyết này xác định phải duy trì sản lượng lúa ở mức đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất cảng 4 triệu tấn gạo/năm. Từ đó đến nay, nghị quyết vừa kể trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động nông nghiệp nói chung, cũng như sản xuất và xuất cảng gạo nói riêng.
Theo CIEM, do nhu cầu về gạo (cả tiêu dùng lẫn xuất cảng) không lớn như dự báo nên sản lượng lúa – gạo trở thành dự thừa. Chính sự dư thừa này làm giá gạo xuất cảng giảm, cả nông dân lẫn quốc gia cùng thua thiệt. Nếu cứ tiếp tục duy trì diện tích trồng lúa và ép nông nghiệp phải đạt sản lượng như nghị quyết 63/2009/NQ-CP đề ra từ 2009, mức độ thua thiệt sẽ càng ngày càng lớn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và nông nghiệp, việc khăng khăng duy trì diện tích trồng lúa và tiếp tục áp đặt về sản lượng đã khiến lúa gạo trở thành dư thừa, nông dân làm việc cực nhọc mà vẫn không đủ sống nên họ thi nhau bỏ hoang ruộng đất.
Trên thị trường gạo thế giới, dư thừa làm gạo Việt Nam mất nhiều lợi thế, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với lượng gạo xuất cảng vốn càng ngày càng cao của nhiều quốc gia khác. Đó cũng là lý do gạo xuất cảng của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Do quá chú trọng vào sản xuất và xuất cảng lúa gạo, các lĩnh vực khác của nông nghiệp Việt Nam không được đầu tư, hỗ trợ thỏa đáng nên tiếp tục “giậm chân tại chỗ.” Sử dụng đất đai trở thành thiếu hiệu quả, không thu hút được đầu tư vào nông nghiệp.
CIEM đã đưa ra nhiều khuyến cáo, theo đó, không cần phải duy trì đến 3.8 triệu héc ta đất chỉ để trồng lúa. Hủy bỏ hạn điền, hủy bỏ các qui định khiến giới đầu tư hoang mang vì quyền tài sản đối với đất nông nghiệp mập mờ (khống chế thời hạn sử dụng, nếu bị thu hồi thì chỉ được bồi thường với giá rất thấp,…).
Trước đây, những khuyến cáo của các chuyên gia không được xem xét nhưng vào lúc này, sự bi đát của nông nghiệp và nông dân Việt Nam đã đẩy chính quyền Việt Nam đến chỗ phải “xét lại.”
Tại một hội nghị bàn về giải pháp phát triển bền vững cho lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra ở An Giang, ông Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, lúa gạo vẫn là một loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có nhiều lợi thế, nếu “sản xuất lớn, áp dụng công nghệ, quản lý phù hợp và tiếp thị tốt” thì hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa gạo sẽ tăng nhiều lần so với hiện nay. Cũng vì vậy “phải điều chỉnh quy mô sản xuất bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp.”
Ông Phúc nhấn mạnh, các bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn, Tài Nguyên – Môi Trường phải sớm soạn thảo – trình chính sách phù hợp để mở rộng hạn điền song song với kế hoạch sửa Hiến Pháp để chính phủ Việt Nam trình Quốc Hội.
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét