Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017
Khai thác bauxite ở Việt Nam, một thứ túi không đáy
Khai thác bauxite ở Việt Nam, một thứ túi không đáy
Đăng bởi Ha Tran on Wednesday, March 15, 2017 | 15.3.17
Sau khi ngốn hết 32,000 tỉ đồng, nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Ðồng lỗ khoảng 3,700 tỉ đồng, còn nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Ðắk Nông vẫn chưa hoạt động nhưng hiệu quả được dự đoán sẽ tương tự.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã ngốn 16.821 tỉ đồng nhưng chưa hoạt động. (Hình: VNEconomy)
Sau khi thanh tra Tập Ðoàn Than- Khoáng Sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư hai dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng và Ðắk Nông, thanh tra của chính phủ Việt Nam cho rằng, dự án khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng, thua lỗ trầm trọng là vì thời gian xây dựng quá dài nên phát sinh thêm nhiều chi phí ngoài dự kiến, giá nhôm trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Mặt khác, vì kỹ thuật-công nghệ khai thác bauxite phức tạp nên khi vận hành, Nhà máy Alumin Tân Rai liên tục bị trục trặc, hoạt động bị gián đoạn, mất thêm nhiều thời gian và chi phí cho sửa chữa.
Chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên của chính quyền Việt Nam vốn đã từng gây nghi ngại trong nhiều giới và dân chúng, nay gây thêm nhiều nghi ngại hơn vì những tình tiết mới.
Chẳng hạn, năm 2006, TKV chỉ có ý định đầu tư 7,787 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng nhưng sau khi giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam xác định: Khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Ðảng”, TKV đã quyết định nâng vốn đầu tư vào dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng lên gấp đôi: 15,414 tỉ đồng. Dù vốn đầu tư tăng gấp đôi nhưng công suất của Nhà máy Alumin Tân Rai chỉ tăng chưa tới 1/10.
Tương tự, năm 2007, TKV chỉ có ý định đầu tư 3,285 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Ðắk Nông nhưng sau khi “khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng,” TKV đã quyết định nâng vốn đầu tư vào dự án khai thác bauxite ở Ðắk Nông lên hơn năm lần: 16,821 tỉ đồng, còn công suất của nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ tăng chỉ tăng hơn gấp đôi.
Tuy đã sử dụng hết 15,500 tỉ đồng cho dự án khai thác bauxite ở Lâm Ðồng, nhà máy Alumin Tân Rai đã hoạt động cách nay năm năm nhưng đến giờ này, TKV chỉ mới “quyết toán” được 12,145 tỉ đồng. Vẫn còn 3,355 tỉ chưa thể “quyết toán” (chưa được nhìn nhận là chi phí hợp lý).
Trong khi TKV vẫn khăng khăng hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên (Lâm Ðồng và Ðắk Nông) “sẽ” hòa vốn và trong tương lai sẽ có lời thì giá quặng nhôm trên thị trường thế giới giảm. Mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước của nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Ðồng và sắp tới là nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Ðắk Nông đều cao hơn mức trung bình của thế giới,…
Hồi Tháng Ba năm ngoái, Bộ Công Thương của chính phủ Việt Nam từng đề nghị hỗ trợ thêm cho kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên khoảng 4,900 tỉ trong 10 năm từ 2016 đến 2025, song theo một số chuyên gia, nếu tính cả hỗ trợ về giá điện thì khoản hỗ trợ phải tới 1.2 tỉ Mỹ kim!
Từ Tháng Mười năm 2014 đến nay, bùn đỏ từ hai nhà máy alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ đã tràn ra ngoài vài lần. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu trưởng ban Nhôm-Titan của TKV, nhận định đó là “hệ quả của công nghệ Trung Quốc.”
Bình luận về kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngày 6 Tháng Năm năm 2009, tờ Financial Times ở Anh nhận định, kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên là bằng chứng về sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, và kế hoạch đó là một “món quà” mà ông Nguyễn Tấn Dũng dành tặng Trung Quốc.
Sau khi nhắn nhủ đồng liêu ở lại ráng làm người tử tế, ông Dũng đã về vui thú điền viên. Giống như nhiều “chủ trương lớn” khác, dân chúng Việt Nam tiếp tục còng lưng gánh hậu họa do “chủ trương lớn” của đảng CSVN tạo ra từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên trong nhiều thập niên nữa.
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét