Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Hiểu lệch lạc, tư vấn chệch đường.


Bạch Hoàn - Hiểu lệch lạc, tư vấn chệch đường.

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, March 21, 2017 | 21.3.17



Chuyên gia kinh tế là những người được cho là am hiểu về một hoặc một số lĩnh vực kinh tế nào đó. Họ là những người thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để góp ý hoặc ủng hộ chính sách, phản biện doanh nghiệp, định hướng dư luận.



Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được ví như "Hong Kong trong lòng Hà Nội" với nhiều dãy nhà cao tầng mọc san sát

Tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có những chuyên gia biết tuốt, lĩnh vực nào họ cũng lên tiếng, ngành nghề nào họ cũng góp ý, họ phát biểu và định hướng dư luận ở tất cả mọi lĩnh vực. Tôi đã từng phỏng vấn một người có học vị Tiến sĩ, làm việc ở một viện nghiên cứu kinh tế tại Hà Nội (tôi không tiện nêu tên). Người này được cho là chuyên gia ở lĩnh vực xăng dầu. Trong cuộc phỏng vấn ấy tôi đã phải nói rằng: "Anh đừng bao giờ trả lời báo chí về lĩnh vực này nữa. Thực chất anh chẳng nắm được cái gì cả. Anh hiểu lệch lạc thì sẽ góp ý không trúng vấn đề, sẽ tư vấn chệch đường, rất nguy hại". Từ đó tôi hạn chế phỏng vấn những kiểu chuyên gia rỗng nhưng lại tỏ ra biết tuốt như vậy.

Tuy nhiên, báo chí, đặc biệt lĩnh vực kinh tế, nhà báo luôn phải dùng phát biểu định hướng của chuyên gia để làm tăng sức nặng của bài báo. Thực chất, không phải lúc nào chuyên gia cũng đúng. Thời gian qua, quan sát các chuyên gia nói về tài chính, về đầu tư, về bất động sản, kinh tế vĩ mô... nhiều lúc tôi không giấu nổi tiếng thở dài. Nhiều chuyên gia kinh tế có những phát ngôn trên báo chí với cách nhìn nhận, đánh giá vô cùng phiến diện và tiêu cực về một số ngành kinh tế. Họ thường chỉ nhắm vào những mặt trái, những tồn tại, yếu kém, từ đó khái quát thành bản chất của ngành, phủ nhận sự đóng góp của lĩnh vực ấy trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Bất động sản là một lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề của lối tư duy định hướng dư luận cực đoan, lệch lạc ấy.

Cách đây ít lâu, tôi đọc thấy một chuyên gia kinh tế được cho là hàng đầu của VN (tôi không muốn nêu tên) nói rằng, bất động sản là nỗi đau của nền kinh tế Việt Nam mấy chục năm qua. Lời phát biểu này làm tôi nhớ mãi, không phải vì nó hay, mà vì tôi bất ngờ khi một chuyên gia gạo cội, có ảnh hưởng lớn trong dư luận lại phát biểu phiến diện như vậy.

Dần dần, tôi thấy một số chuyên gia khác - đều là những người nổi tiếng, mỗi lần xuất hiện trên báo hoặc một diễn đàn là một lần phát ngôn tiêu cực, một cái nhìn đầy u ám được đưa ra. Cái u ám ấy không phải là u ám về bản chất của nền kinh tế, về bức tranh kinh tế hiện tại và tương lai. Kỳ lạ là họ luôn khen ngợi và lạc quan về định hướng phát triển kinh tế, khen ngợi chính sách của Chính phủ và đưa ra cái nhìn xám xịt, thậm chí phủ nhận năng lực cũng như đóng góp của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam. Cái đáng u ám thì họ cố lạc quan. Cái cần tin tưởng thì họ cố phủ nhận. Tôi thật không hiểu vì sao.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, tôi thấy chuyên gia kinh tế hàng đầu ấy cho rằng bất động sản không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài mà chỉ trong ngắn hạn, đóng góp của ngành BĐS cho nền kinh tế không cao, chưa kể nó hút nguồn lực đất đai và tín dụng, khiến các doanh nghiệp khác cũng khó khăn hơn. Bản thân bất động sản phát triển lại đóng góp cho kinh tế không được bao nhiêu. Chuyên gia này cũng nhận định làm bất động sản thì rất dễ giàu, chỉ cần có quan hệ, chỉ cần bôi trơn là được giao đất, phân lô bán nền, thu tiền ngay, chẳng cần đầu tư, chẳng cần tư duy gì. Trở thành tỉ phú bất động sản rất dễ, kinh doanh và đầu tư bất động sản dễ như ăn cơm vậy.

Ít bữa trước, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng định hướng dư luận chỉ nên vỗ tay cho những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, không nên ủng hộ doanh nghiệp đầu tư tài chính, bất động sản. Bởi những ngành này không có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế, không tạo ra nhiều giá trị hay sự lan toả.

Tôi không phải chuyên gia kinh tế, nhưng tôi đã nhiều lần lấn cấn trước các phât biểu ấy, đã bỏ thời gian tìm tòi đọc hiểu. Cá nhân tôi có cái nhìn hoàn toàn khác.

1. Vai trò của bất động sản trong sự phát triển kinh tế - một cái nhìn tổng quan.

Thưa các anh các chị, nhiều báo cáo kinh tế đã chỉ ra rằng, tỉ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội thường chiếm khoảng 40% lượng của cải vật chất cuả đất nước. Các hoạt động liên quan đến bất động sản thường chiếm tới 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Nước Mỹ đang là quốc gia có thị trường phát triển lâu đời và năng động bậc nhất thế giới. Thị trường bất động của Mỹ thể hiện đặc tính gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khi diễn biến của các chỉ số đại diện cho hoạt động ngành bất động sản gần như tương quan hoàn toàn với diễn biến của tăng trưởng GDP. Có lẽ nào Chính phủ Mỹ, người dân Mỹ cũng ngu dốt khi phát triển kinh tế? Nếu bất động sản là nỗi đau của nền kinh tế thì nước Mỹ có thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới hay không?

Trong cấu trúc kinh tế, bất động sản là ngành tạo ra sự lan toả vô cùng lớn. Nó gắn liền với sự phát triển của các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, công nghiệp xây dựng… Theo thống kê và nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, nếu đầu tư vào bất động sản tăng lên 1 đồng thì khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển 1,5-2 đồng. Nghĩa là, doanh nghiệp đầu tư 1.000 tỉ đồng vào một dự án bất động sản, nó thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển 1.500-2.000 tỉ đồng.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bất động đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trên khắp cả nước. Ví dụ, VinGroup là doanh nghiệp đang tạo ra việc làm trực tiếp cho khoảng 40.000 người. Nếu tính cả việc làm gián tiếp thông qua các nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, họ đã mang đến miếng cơm manh áo cho hơn 100.000 người. Sự đóng góp này là đang trân trọng. Không phải những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Samsung, được ưu ái tột khung, cũng chỉ vì mang đến việc làm cho người lao động hay sao?

Tương tự như mọi ngành kinh tế khác, doanh nghiệp làm ăn có lời thì phải có trách nhiệm đóng góp vào ngân sách. Số thuế các doanh nghiệp bất động sản đang đóng góp lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong danh sách doanh nghiệp tư nhân nộp thuế lớn nhất nước luôn có tên của những doanh nghiệp có tham gia thị trường bất động sản.

2. Làm thay đổi hình ảnh của 1 đất nước, 1 thành phố.

DuBai, một trong bảy Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chỉ trong vòng 27 năm đã thay đổi chóng mặt, tốc độ phát triển làm nhiều quốc gia phải trầm trồ thán phục. Từ một hoang mạc đầy cát bụi giờ đây đã thành một trong những đô thị hiện đại và đẹp nhất thế giới. DuBai ngày này là trung tâm tài chính, du lịch, thương mại xa hoa bậc nhất thế giới. Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu này?. Chính ngành bất động sản đã tạo ra phép màu này chứ không phải ai khác. DuBai bắt đầu từ một hoang mạc. Ngày nay, nơi này chẳng có gì khác ngoài những toà nhà trung tâm thương mại quy mô lớn, những toà nhà cao chọc trời, những khách sạn đắt đỏ nhất thế giới. Họ khởi đầu bằng phát triển bất động sản. Và ngày nay, 93% GDP của Tiểu vương này đến từ những du khách đến DuBai để mua sắm và ngắm các toà nhà của họ!

Vậy nên, nếu nói bất động sản không có đóng góp lớn, không tạo ra sự lan toả, không thể là trụ cột của nền kinh tế là phủ nhận sự tồn tại của DuBai - nơi mà chính các chuyên gia kinh tế, các nhà lãnh đạo VN đang khao khát hướng đến, khao khát có một DuBai thứ hai ở Đà Nẵng. Với tư duy của các chuyên gia kinh tế thì chúng ta chỉ có một DuBai trong mơ mà thôi.

Trở lại VN, những năm 1990 Hà Nội hay TP.HCM đều tồn tại nhiều khu đất là cỏ hoang, là đầm lầy, là bãi chăn thả gia súc . Điển hình, tại Tp.HCM khu vực Q7, Quận 2 và tại Hà Nội là khu vực Mỹ Đình, Nam Thăng Long…Nhưng vói chính sách mở cửa của Nhà nước, kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư bất động sản thì giờ đã thành các khu đô thị văn minh hiện đại. Hình ảnh của hai thành phố lớn nhất nước thay đổi nhanh chóng, hiện đại và văn minh hơn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư hàng ngàn tỷ để quy hoạch tổng thể, làm cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà cưả, trồng cây xanh tạo cảnh quan… Nếu phủ nhận đóng góp của ngành này thì có lẽ chúng ta sẽ thành lãnh tụ hết, sáng ra bờ suối tối vào hang!

Trong sự phát triển của ngành bất động sản, bên cạnh những doanh nghiệp thành công cũng có không ít những doanh nghiệp thất bại. Nhiều doanh nghiệp đầu tư không bài bản, thiếu tầm nhìn, khả năng tài chính yếu đã dẩn đến phá sản. Rủi ro trong đầu tư là không tránh khỏi, tuy nhiên chỉ có một vài doanh nghiẹp tư duy tốt, có chiến lược bài bản, chuẩn bị đối phó tốt với mọi biến động, giúp họ luôn đứng vững và dẫn đầu trong suốt quá trình phát triển, ngay cả khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Như vậy để thấy rằng đầu tư bất động không đơn giản như các chuyên gia kinh tế kia phán. Đó là một cách nhìn phiến diện, một tư duy ấu trĩ. Làm giàu từ bất động sản dễ như ăn cơm ư? Thực tế trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp bất động sản, VN mới chỉ có một tỉ phú đô la xuất thân từ ngành này là ông Phạm Nhật Vượng. Đừng nói với tôi rằng anh Quyết FLC là tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán. Tôi thấy anh giàu lên từ việc tăng giá của ROS - một mã chứng khoán tăng giá đúng kiểu anh Quyết, tiền giấy - giấy tiền.

3. Sự lan toả từ bất động sản.

Không một ngành nghề kinh tế nào tồn tại mà không có vai trò trong sự phát triển. Mỗi ngành nghề có một vị trí nhất định, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Ở giai đoạn nền tảng, bất động sản cần được ưu tiên là đúng. Bởi nó tạo ra sự tập trung đô thị để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nó xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch, và hơn hết nó cho mọi người một nơi gọi là tổ ấm.

Đến một giai đoạn tích luỹ đủ, các doanh nghiệp bất động sản đang dần tạo ra sự lan toả. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi thành công trong ngành bất động sản đang dùng nguồn lợi nhuận thu được đầu tư vào các ngành nghề khác để tiếp tục đóng góp vào sư phát triển chung của nền kinh tế. VinGroup thực tế không chỉ làm bất động sản mà còn đang làm du lịch, y tế, bán lẻ, giáo dục, nông nghiệp. Hay Tập đoàn Hoà Phát, sau thành công ở các khoản đầu tư bất động sản khi tham gia thị trường này vào năm 2001, hiện đã mở rộng đầu tư 20.000 tỉ đồng vào nông nghiệp...


Có những tư duy rằng dể doanh nghiệp nước ngoài họ đầu tư làm bất động sản sẽ minh bạch, sẽ quy củ, sẽ làm tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam. Thật nực cười với suy nghĩ thiển cận như vậy. Xin thưa, doanh nghiệp nước ngoài họ sẽ chuyển giá và lợi nhuận sẽ dược chuyển về đất nước họ. Họ không đóng góp gì nhiều trong sự phát triển kinh tế VN.

Tôi cho rằng để đánh giá nhận định một vấn đề, một sự việc cụ thể cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện. Một vấn đề luôn luôn tồn tại 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Những mặt tiêu cực cần lên án, loại bỏ, cần có các giải pháp khắc phục. Ngược lại, những mặt tích cực thì cần biểu dương, phát huy. Chỉ có như vậy xã hội mới phát triển được. Tôi thấy rất tiếc khi có nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay chỉ soi mói, lên án, chỉ trích, mà không đóng góp giải pháp nào hữu hiệu. Trong khi nếu đã là chuyên gia thì đó là việc đương nhiên phải làm.

Bạch Hoàn

(FB Bạch Hoàn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét