Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Doanh nghiệp sân sau làm mưa làm gió ở Đà Nẵng dưới sự bảo bọc của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ


Doanh nghiệp sân sau làm mưa làm gió ở Đà Nẵng dưới sự bảo bọc của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ

Đăng bởi Ha Tran on Thursday, March 23, 2017 | 23.3.17

Người dân kéo đến phản đối trước nhà máy thép Dana Ý, một doanh nghiệp sân sau của Chủ tịch Thơ vì gây ô nhiễm trầm trọng

Ngay sau khi nghi vấn về khối tài sản khổng lồ và hùn vốn nhiều doanh nghiệp của Huỳnh Đức Thơ đưa công bố, người ta bắt đầu so sánh Chủ tịch TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Cả hai đều kê khai tài sản và vốn đầu tư. Nếu bà Thoa chỉ giữ 5% cổ phần giá trị hiện nay của công ty Điện Quang, thì tài sản và “hùn hạp” của Chủ tịch Đà Nẵng lớn hơn nhiều. Nhưng dường như câu hỏi trách nhiệm và giải trình cho số tài sản này vẫn … bỏ ngỏ.


Giá trị cổ phần của bà Thoa có trị giá hiện nay là 100 tỷ đồng. Những bài báo viết về bà Thoa rất nhiều, nhưng ngoài số cổ phiếu này ra chưa thấy đề cập đến những tài sản khác như bất động sản, cổ phần nơi khác. Còn Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thì kê khai có nhiều đất ở thành phố, đất nuôi tôm, trồng rừng, đất ben biển khu sinh thái và có hùn vốn ở 5 công ty khác nhau, trong đó Thơ chỉ kê khai một công ty là thép Dana Ý. Nếu tính toán những gì Thơ đang có trên giấy tờ mang tên y, con số phải đến cả ngàn tỷ.


Ấy vậy mà, báo chí khi nhắc đến Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, cho rằng việc bà Thoa đầu tư vào một công ty thuộc Bộ Công Thương nơi đang đương chức Thứ trưởng, liền đặt câu hỏi liệu bà có dùng quyền lực của mình tác động làm lợi cho công ty này hay không? Tiếp đó đặt vấn đề dù thế nào đi nữa, thì việc có cổ phần trong công ty như thế cũng là dấu hiệu thiếu minh bạch.


Thế còn Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đầu tư vào 5 công ty sản xuất vật liệu, vận chuyển, xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng, bản thân ông lại đương chức Chủ tịch UBND này. Như vậy, dư luận đương nhiên có quyền đặt câu hỏi với ông Huỳnh Đức Thơ tương tự như đã từng nghi vấn Thứ trưởng Huỳnh Thị Kim Thoa. Chuyện một Chủ tịch thành phố mà có vốn làm ăn đến tận 5 công ty sân sau như thế, liệu tâm trí nào phục vụ cho việc nước? Hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” một cách ngang nhiên như thế thì liệu có công bằng với các doanh nghiệp khác và với sự phát triển của Đà Nẵng?


Khi còn làm quản lý khu công nghiệp, Huỳnh Đức Thơ đã nhắm những công ty có tiềm năng trong khu công nghiệp mình quản lý để chung cổ phần, tất nhiên các giao dịch được chuyển nhượng nhanh chóng mà không phải chi bất cứ đồng vốn nào. Bù lại, các công ty này sẽ phát triển tốt dưới sự che chở của đương kim Chủ tịch, được ưu tiên nhận nhiều hợp đồng béo bở. Mọi thủ tục hùn hạp sẽ được thông qua đệ tử ruột của Thơ, danh tính của y sẽ được tiết lộ ngay dưới đây.


Theo nguồn tin khá chính xác, Đặng Thanh Bình – ông chủ công ty cổ phần đầu tư Đà Nẵng – Miền Trung, viết tắt là DMT, chính là tay chân ruột của Thơ. Từ tháng 01/2010, khi Thơ được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, DMT lên như diều vì có phần góp vốn của Huỳnh Đức Thơ. Công ty này đã có những bước nhảy vọt, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt đều 30 – 40% một năm. Đến năm 2016 khi Thơ lên vị trí Chủ tịch, công ty này chuyển biến một cách kinh hoàng với những cú hốt bạc hàng trăm ngàn tỷ trên địa bàn Đà Nẵng. Vốn điều lệ cũng tăng mau lẹ gấp 17 lần, từ 15 tỷ đồng lúc thành lập lên con số ấn tượng 255 tỷ đồng.



Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Đà Nẵng-miền Trung, tay chân “thân tín” của Chủ tịch Thơ




Đặng Thanh Bình nắm vai trò chủ chót trong CTCP Thép Dana Ý, thay mặt ông Thơ kiểm soát doanh nghiệp này. Ảnh lấy từ website chính thức của công ty



Đó là chưa kể công ty cổ phần Thép Dana Ý mà Huỳnh Đức Thơ có cổ phần lên tới 500 tỷ đồng. Về mức độ ưu ái cho doanh nghiệp “sân sau” này, phải nhắc đến vụ Thep Dana Ý gây sự cố môi trường ô nhiễm, người dân xung quanh phản đối đòi di dời nhà máy đi chỗ khác. Nhưng với bản lĩnh của mình, Chủ tịch Thơ cho giải toả ngay người dân đến khu vực khác. Nghịch lý thay, công ty Dana Ý còn chủ động gửi văn bản đến cho Chủ tịch Thơ đòi thành phố phải bỏ tiền hỗ trợ tái định cư. Như thế này khác nào tiền dân trả cho dân, ngân sách thành phố là tiền của nhân dân, đất nước. Công ty làm ăn gây ô nhiễm phải bị trừng phạt, phải đền bù, phải di dời. Thế mà công ty thép Dana Ý lại đòi ngân sách thành phố phải chi trả vì hậu quả họ gây ra.



Không chịu nổi ô nhiễm, người dân kéo đến bao vây công ty Thép Dana Ý phản đối

Chưa dừng lại ở đó, nếu như tháng 01/2015 Huỳnh Đức Thơ được bầu làm Chủ tịch UBND TP thì lập tức đã chuẩn bị cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) triển khai cổ phần hóa vào cuối năm 2015. Khi chọn nhà đầu tư chiến lược đã có phê duyệt một số tiêu chí lựa chọn những đơn vị có năng lực chuyên môn trong lãnh vực cấp nước. Nhiều đơn vị chuyên môn trên cả nước đã tham gia đăng ký. Ban chỉ đạo cổ phần hoá công ty cũng “chấm” 02 đơn vị ưu tú nhất. Nhưng khi trình lên chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cả hai đều bị gạt phăng và chỉ thị cho công ty cổ phần Đà Nẵng Miền Trung của Đặng Thanh Bình chen ngang mua cổ phần.


Hiện nay, không chỉ có chân quan trọng trong Hội đồng quản trị, Đặng Thanh Bình còn giữ chức Tổng Giám đốc DAWACO, nắm trong tay quyền sinh sát, thao túng công ty, tức độc quyền nắm trong tay mặt hàng sinh hoạt thiết yếu của người dân Đà Nẵng.



Đặng Thanh Bình nắm giữ vị trí quan trọng trong DAWACO. Ảnh lấy từ website công ty.

Trong vụ lùm xùm mới đây liên quan đến việc thi công trái phép 40 móng biệt thự nghĩ dưỡng cao cấp tại bán đảo Sơn Trà, kế bên khu quân sự thuộc Hải quân Vùng 3, chỉ đạo của Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ khiến nhiều người nghi ngờ, liệu đây có phải là một dự án của doanh nghiệp sân sau của ông Thơ, nên khiến ông phải bỏ tâm sức bảo vệ, che chở đến thế?


Vì sao bán đảo Sơn Trà bị băm nát mà cơ quan chức năng phải đợi báo chí đưa tin, người dân phẫn nộ mới vào cuộc quản lý? Một người dân trong ngõ hẻm chỉ cần xây bức tường, lợp mái hiên đã xuất hiện ngay lực lượng chức năng, quản lý xây dựng đến “hỏi thăm” ngay. Thế mà cả một vùng đất tuyệt đẹp xây dựng ầm ầm đến 40 móng biệt thự rải rác. Máy san ủi cây cối như một công trường khổng lồ, lại nằm cạnh khu quân sự trọng yếu, vậy mà cơ quan quản lý Đà Nẵng không hề có ý định ngăn cản?


Cánh rừng xanh bị Công ty CP Biển Tiên Sa khai thác đang tươi tốt bỗng nhiên được liệt vào “khu vực “đất khác”, không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng của rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà”, “Toàn bộ trạng thái rừng ở khu vực này gần như là đất trống, rừng nghèo”…, như Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Trần Viết Phương khẳng định.



Hình ảnh bán đảo Sơn Trà bị băm nát


Từ vị trí bị “băm nát”, người ta có thể đếm từng chiếc tàu ở Vùng 3 Hải quân

Chưa hết, trả lời câu hỏi về việc hiện tại chủ đầu tư đã xây dựng mới 40 móng biệt thự khi chưa được cấp phép, đích thân Chủ tịch Thơ còn tuyên bố: “Bây giờ sai thì đình chỉ, xử phạt theo đúng quy định. Đồng thời xem xét để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ giấy tờ, cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công”. Sai phạm là sai phạm, cần được cưỡng chế và thu hồi ngay. Ấy thế mà Chủ tịch Thơ lại có ý định cho chủ đầu tư “bổ sung giấy tờ” rồi tiếp tục thi công, khác nào doanh nghiệp sai phạm, tự ý cắt rừng, xẻ đất làm dự án trái phép, chỉ cần tốn vài bạc lẻ, trong trường hợp này là 70 triệu đồng, có thể thi công dự án?


Như vậy, chỉ bằng hai câu nói, khu vực vốn được xem là rừng quy hoạch công viên quốc gia lại biến thành “đất trống, rừng nghèo”. Còn sai phạm tự ý khai thác và thi công trái phép 40 móng biệt thự sang trọng trên sườn bán đảo Sơn Trà của công ty Biển Tiên Sa bỗng nhiên lại được mở đường “hợp thức hoá” chính thức dưới sự hỗ trợ của UBND thành phố.


Dấu hiệu ông Thơ tác động lấy lợi ích cho sân sau của mình rõ ràng và lớn hơn Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Vậy mà bà Thoa ngay lập tức bị chỉ đạo thanh, kiểm tra, báo chí rùm beng vào cuộc. Còn với Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thì dường như chưa có gì “nặng nề”, cũng chưa có ý kiến chỉ đạo gì cụ thể ngoài một số thông tin trấn an dư luận.


Việt Huỳnh


(FB Sự Thật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét