Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Cuộc chiến vỉa hè: cơn "gió lốc" tên Hải đã tàn?


Cuộc chiến vỉa hè: cơn "gió lốc" tên Hải đã tàn?

Đăng bởi Ha Tran on Sunday, March 5, 2017 | 5.3.17



Quận 1 nổi lên trong phong trào đòi lại vỉa hè, được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đến Chính phủ khen ngợi. Trong khi đó, dân phố Tây ứa nước mắt trước 'tối hậu thư' dẹp vỉa hè, và con phố này đại diện cho những người thu nhập dựa vào kinh doanh vỉa hè.



Sau khi nhận thông báo chính quyền địa phương sẽ dọn dẹp vỉa hè, bà Trần Ngọc Mỹ (52 tuổi) tỏ ra lo lắng. Bà Mỹ bán cơm ngay trên vỉa hè ở khu phố Tây đã hơn 30 năm. Đây là công việc giúp bà nuôi sống cả gia đình, với 3 miệng ăn. Chú thích và ảnh: Zing

Dẹp vỉa hè: chặn cơm hàng triệu người?


Người dùng Facebook Ngọc Lan, trong một chia sẻ vào 26/01 cho hay, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán không thể tránh khỏi vì dù nhà nước vẫn cho chỗ để tập trung bán,nhưng tiền sạp tiền thuế quá cao nên có nhiều người họ không đủ tiền để đóng. Trong lúc đây, các cơ quan chức năng dẹp không triệt để, chỗ nào có đóng tiền thì họ cho bán, không đóng tiền thì họ tới dẹp.


Nhiều ý kiến lên tiếng về việc dẹp bỏ việc buôn bán hàng quán, nhấn mạnh lợi ích cộng đồng và xây dựng văn minh đô thị. Nhưng không ít ý kiến dè dặt cho rằng, nó sẽ chặt đi nguồn sống của bà con, mặt dù đặt trong giả định – tại địa bàn đó có đưa ra một đề án giải quyết kế sinh nhai cho bà con kiếm thu nhập trên vỉa hè đi chăng nữa.



Bàn ghế, xe máy để tràn lan vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng sau khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi. Ảnh: báo Lao Động

TS Chu Mạnh Long (ĐH Quy Nhơn) chia sẻ trên facebook cá nhân nhấn mạnh, việc trả vỉa hè cho người đi bộ là đúng, không phải bàn cãi. Bởi nó có thể đảm bảo dẹp thẳng tay lợi ích nhóm, thậm chí có thể truy tố ra tòa bọn quan lại cho thuê vỉa hè để thu tiền bất chính, là điều nên làm rốt ráo. Tuy nhiên xét tổng quan thì nó dẹp luôn những gánh hàng rong của những người nghèo khó và đạp đổ miếng cơm của hàng triệu người. Bên cạnh đó, kinh tế của một thành phố như Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các hộ kinh doanh kiểu này. Và ông Chu Mạnh Long tin rằng, “rốt ráo cấm luôn khách hàng để xe vỉa hè, thành phố sẽ không khác thời cải tạo tư sản, nhà nhà đóng cửa để nhường phần kinh doanh cho cửa hàng mậu dịch. Khi ấy, xem chừng nền kinh tế đô thị sụp đổ!”.


Thực hiện triệt để cho thuê vỉa hè?


Làm thế nào để người dân có thể đi bộ trên vỉa hè, nhưng đảm bảo cho một bộ phận được phép kinh doanh trên vỉa hè vẫn là một bài toán khó.


Vào ngày 25/11/2016 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua dự án Luật phí, lệ phí. Theo đó, cơ quan chức năng có quyền tiến hành thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè và phí này sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Và việc này sẽ được áp dụng vào năm 2017.


Nhiều quan điểm tại thời điểm đó cho rằng, điều này sẽ đảm bảo hơn sự quản lý của cơ quan chức năng, vừa tạo nguồn thuế cho nhà nước. Theo một tính toán, nếu mức thuê bình quân là 50.000 đồng/m2/tháng thì nguồn thu cho 6,5 triệu m2 trong 10 tháng sẽ lên đến 3.250 tỷ đồng/ năm. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, tính bình quân sẽ có 21,6 triệu m2 diện tích vỉa hè. Và vì văn hóa Việt Nam là văn hóa vỉa hè, theo như Giáo sư Annette Kim, một nhà Việt Nam học, nhận định, nên việc cho thuê vỉa hè kinh doanh sẽ tạo ra sự sử dụng đất hỗn hợp theo nguyên lý “công cộng sống động, nhân bản và hợp tác”.


Dù điều này mở đường tạo ra một giải pháp mang tính đồng bộ chứ không tức thời. Tức gắn sự quản lý sát sao hoạt động kinh doanh và tạo ngân sách chi thu một cách minh bạch. Tuy nhiên dù khâu định giá tiền là cố định, nhưng với tầm tư duy “tham nhũng vặt” ở cấp quản lý phường như hiện nay thì vẫn có khả năng xảy ra tình trạng “thầu” giá để được bán. Chính lối “tư duy” này khiến cho đội ngũ chức năng ở cấp phường rơi vào sự tê liệt, làm việc thụ động – ngay cả khi có ông Phó Chủ tịch quận trực tiếp xuống chỉ đạo.



Biện pháp xuống đường của quan chức cấp quận đã không mang lại hiệu quả như mong muốn? Ảnh: Zing

Song song đó, tình trạng trên bảo dưới không nghe vẫn là thực trạng tại Việt Nam. Trong cuộc họp gần đây với lãnh đạo của 24 quận, huyện về công tác tái lập trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tuyên bố: “Các quận, huyện kiên quyết sau khi ra quân lấy lại lòng, lề đường thì đừng để bị tái chiếm lại. Các chủ tịch phường, nếu không làm được thì về làm việc khác”. Nhưng sau đó, theo trang tin điện tử Zing, và Lao Động phản ảnh thì, dù vỉa hè quận 1 có thay đổi sau gần nửa tháng lập lại trật tự, trả lối cho người đi bộ. Tuy nhiên, trong ngày 1/3, lực lượng chức năng tạm nghỉ, một số nơi lại đâu vào đấy. Tình trạng này cũng lặp lại tương tự như Hà Nội trước đó.


Như vậy, tính chất “phong trào” và “bắt cóc bỏ dĩa” trong vấn đề dẹp vỉa hè đang thành hình thấy rõ.


Cần nhấn mạnh, vào cuối tháng 2/2016, ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã đặt vấn đề là, vỉa hè cho thuê, thì làm nơi kinh doanh buôn bán, để xe thì người dân đi vào đâu. Do đó, ông yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe,... Dù đã lên tiếng như vậy, cũng như đề nghị lãnh đạo UBND TP “chỉ đạo rốt ráo vụ này”, tuy nhiên, cho đến nay, chỉ đạo đó vẫn rơi vào im lặng.


Cuộc chiến vỉa hè tại các đô thị Việt Nam thực tế là một cuộc chiến lựa chọn giữa lợi ích cá thể hoặc lợi ích cộng đồng; giữa sự kiên quyết buông thả trật tự vỉa hè hoặc chống tham nhũng vặt ở cấp quản lý phường. Ở đây chỉ có một sự lựa chọn, còn như hiện tại (ngay cả đối với cách ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp xuống chỉ việc), mọi giải pháp chỉ là cách thức đi nước đôi – hoàn toàn không hề hiệu quả lâu dài.


Mẫn Nhi
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét