Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017
Chị Nguyệt
Đoan Trang - Chị Nguyệt
Đăng bởi Ha Tran on Friday, March 17, 2017 | 17.3.17
Chị hơn tôi 7 tuổi, nhưng hồi mới gặp chị (tháng 5/2015), tôi cứ quen gọi chị là cô. Những vất vả, lam lũ của một phụ nữ nông thôn, cộng với những cay đắng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã khiến chị già hơn nhiều so với cái tuổi ngoài 40. Nhìn “bà Nguyệt” to lừng lững, đen sạm bây giờ, không ai hình dung được là chị đã từng rất xinh xắn, trắng trẻo…
Chị Nguyệt (người phụ nữ kính trắng, áo đen) trong buổi tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa, 19/1/2017 tại Sài Gòn.
Và chắc những người quen biết chị thời đó, cũng chẳng ai nghĩ là cô gái tóc dài chấm lưng ấy sẽ trở thành “bà Nguyệt” bây giờ – người luôn có mặt trong mọi sự kiện máu lửa của phong trào dân chủ, hay là của “anh em tranh đấu” như cách chị vẫn gọi.
Chị Nguyệt chưa bao giờ là người có thể che giấu cảm xúc hay nói một đằng, nghĩ một nẻo. Ai tiếp xúc với chị đều thấy cái chất miệt vườn ở chị: nồng nhiệt, hết mình với anh em, thờ ơ với người chị không ưa, và quyết liệt đối đầu, không thỏa hiệp với những kẻ thù của phong trào dân chủ – tức là an ninh và tay sai. Chị cũng thật thà lắm, bộc tuệch bộc toạc, nghĩ sao nói vậy, mà diễn đạt lại... không hay, cứ lủng củng sao đó, nên đúng mấy cũng dễ bị chọc. Nhưng ai biết cảm nhận thì đều phải thấy ngay rằng chị Nguyệt luôn nói thật, nói đúng những điều chị nghĩ, và không bao giờ xuất phát từ ác ý.
“Hành trình lịch sử”
Tháng 5/2016, cùng với anh Vũ Huy Hoàng, chị Nguyệt đưa tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Hành trình lịch sử” bắt đầu từ ngày 19/5, sau khi tôi chỉ vừa mổ hai chân được đúng 10 ngày. Chị đi mà lòng vẫn bề bộn chuyện “bọn trẻ ở nhà” – thời gian đó biểu tình bảo vệ môi trường và đòi minh bạch vụ cá chết vẫn đang diễn ra ở Sài Gòn và bị đàn áp dữ dội. Chị lo bọn trẻ bị đánh, bị thẩm vấn, bị bắt nhốt trong trại bảo trợ, bị đuổi khỏi nhà trọ… mà không có ai chăm sóc, bảo vệ, hay chỉ đơn giản là động viên chúng, để chúng không cảm thấy bị bỏ rơi.
Chị cứ lo lắng, bồn chồn như thế, suốt cả chặng dài gần hai nghìn cây số. Mới vào đầu hè, cây cối xanh rờn, hoa phượng nở đỏ rực hai bên đường đi. Cảnh đẹp cũng chẳng làm cho chị vui vẻ, bình yên hơn. Chị và anh Hoàng cùng chăm sóc tôi như chăm cô em gái bé nhỏ. Đôi khi tôi nhận thấy, nhiều người chỉ nhìn thấy ở tôi một “nhà báo”, “nhà đấu tranh”, “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ” gì đó, rất ít ai nghĩ tôi cũng chỉ như một đứa trẻ, hiền và nhát, thích được chiều chuộng, và chẳng hề thích xung đột, đánh nhau với ai, huống chi là đối đầu với công an và chính quyền. Ở bên chị Nguyệt, anh Hoàng, vợ chồng anh Huỳnh Anh Tú-Phạm Thanh Nghiên, vợ chồng nhà thơ Bùi Chát-Tiểu Anh..., tôi luôn có cảm giác ấy, rằng mình là một đứa trẻ.
Thật không may, ba anh chị em bị công an bắt tại Ninh Bình vào ngày hôm trước khi gặp Obama. Đó cũng là do đứa trẻ trong tôi đã quá ngây thơ, không chịu lớn: Nó cứ nghĩ là chuyện đi gặp một ông tổng thống Mỹ xa lắc xa lơ nào đó là chuyện bình thường, công an chặn làm gì. Chẳng ai kỳ vọng những cuộc gặp kiểu như vậy có thể mang lại bất kỳ điều gì cho Việt Nam nói chung và phong trào dân chủ nói riêng, tôi thì càng không. Bởi vì tôi hiểu lắm, rằng ngoại giao là ngoại giao, và dân chủ, tự do cho một đất nước chỉ có thể là do người dân nước đó tự đấu tranh mà có được.
Bị bắt
Buổi sáng sớm ngày 23/5, khi chống nạng xuống tầng 1 nhà nghỉ và thấy một đám thanh niên đứng ở đó, gườm gườm nhìn tôi với cái ánh mắt không thể lẫn vào đâu được – vừa gian vừa ác – tôi hiểu ngay điều gì đang xảy ra. Hóa ra chúng vẫn chặn bắt tôi bằng được, và không chỉ thế, cái cách chúng săn đuổi người ta thật chẳng khác gì săn thú.
Chúng không biết chị Nguyệt và anh Hoàng, nên để hai người (đi trước tôi) thoải mái ra khỏi nhà nghỉ. Lẽ ra hai anh chị đã có thể lẳng lặng lên xe và rút, nhưng cả hai không làm thế mà lại quay lại chỗ tôi. Đám an ninh ập vào và kéo tôi đi ngay lập tức – mục đích là tách riêng ba người, không để ở gần nhau. Chỉ đến khi tôi buộc phải kêu lên: “Bỏ ra. Trời ơi. Đau quá!”, an ninh mới buông tay.
Tôi la lên: “Chị Nguyệt ơi! Chị đang ở đâu thế?”. Có tiếng chị Nguyệt hét to đáp lại: “Chị ở đây. Đừng lo”. Chị cố lao về phía tôi nhưng những Giave cộng sản kia đã kịp vây giữ chị.
Giằng co mãi rồi chúng cũng đẩy được tôi vào trong phòng và đóng cửa lại.
Chị Nguyệt ôm chặt ba-lô (trong có điện thoại của tôi và iPad mượn của một người khác), đứng bên ngoài. Một lát sau, tôi nghe có tiếng huỳnh huỵch, huỳnh huỵch, và tiếng chị Nguyệt hét: “Này, làm cái trò gì thế? Cướp! Cướp!”.
Tôi hiểu, chúng định giật ba-lô và chị đã cố giữ chặt.
“Nữ đồng chí” Nguyễn Thị Yến, nhân viên Tổng cục An ninh (A67), vểnh tai nghe ngóng rồi lắc đầu: “Dân chuyên nghiệp có khác. Chậc chậc”.
Ý của nữ đồng chí là chị Nguyệt hẳn là dân oan, biết cách “ăn vạ”. Nói chung, cái đầu của Yến và các đồng chí của Yến không có chỗ cho những suy nghĩ lành mạnh, tốt đẹp. Tư duy của cả đám là chính quyền luôn đúng, công an luôn tốt, bọn dân chủ luôn hạ tiện. Yến và đồng bọn cũng tin tưởng chắc chắn rằng cơ quan an ninh có thể làm gì tùy thích, kể cả việc cướp giật tài sản của công dân. Tất nhiên Yến chẳng bao giờ hiểu đó là hành động cướp, cũng như chẳng bao giờ nghĩ công dân có quyền tự vệ khi bị cướp.
Tôi thì chỉ nghĩ, nếu chị Nguyệt rút ngay từ đầu, chị đã có thể đàng hoàng ra khỏi nhà nghỉ, đi đến một nơi khác an toàn. Và nếu chị không quyết liệt bảo vệ cái ba-lô đó, thì điện thoại, iPad của chúng tôi đều đã rơi cả vào tay đám chó săn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà việc đầu tiên chúng làm với bất kỳ ai khi bắt họ, cũng là khống chế, cướp điện thoại. Được cái lực lượng an ninh anh dũng và mưu trí của Việt Nam chỉ ra tay với những người mà chúng biết chắc là không thể tự vệ, không thể hoặc không dám chống lại chúng. Khi đụng chị Nguyệt, chúng gặp phải thứ dữ. Chúng sợ mất “tính chính danh” – đang là nhân viên an ninh, bỗng bị gọi đích danh là cướp – nên cũng có phần chùn tay, không đổ quân ra khống chế, giằng giật điện thoại cho bằng được như mọi lần nữa.
Cuối cùng, chúng tôi cũng ra được khỏi nơi đó, sau hai mươi sáu tiếng đồng hồ.
Yến hể hả lắm. Ngày hôm đó quả là một trận đánh đẹp của Yến và các đồng chí, bắt được con Trang què khi nó đang hai tay hai nạng lê lết ở nhà nghỉ. Sau này, mỗi lần tóm được tôi, Yến vẫn thường cố gắng tìm hiểu thái độ của tôi xem tôi nghĩ gì, có uất ức, phẫn nộ vì bị bắt ngày hôm đó không.
Dĩ nhiên là cái đầu của Yến lấy đâu ra không gian cho những ý nghĩ tốt đẹp hay cho sự cảm thông của con người với con người, nên Yến làm sao mà hiểu được tôi.
Nói về chuyến đi ấy, tôi không nhớ nhiều, chỉ nhớ màu hoa phượng đỏ và tiếng ve dọc đường, nhớ anh Hoàng, chị Nguyệt, nhớ những câu chuyện buồn vui mà chúng tôi đã nói với nhau suốt cả nghìn kilomet, nhớ những người bạn tranh đấu mà chúng tôi gặp trên đường – Bạch Hồng Quyền, vợ chồng Peter Lâm Bùi, chị Huỳnh Diệu Liên, anh Hoàng Công Cường… và rất nhiều người khác nữa. Những người đã khiến tôi hiểu và yêu cuộc sống và cuộc chiến đấu này hơn biết bao nhiêu.
Gần một năm qua. Tôi được biết chị Nguyệt đã từ chối làm thủ tục đi định cư ở nước ngoài, để ở lại với anh em đấu tranh và với “bọn trẻ”. Tôi mừng rỡ như trẻ con khi nghe chuyện đó, dù tôi cũng hiểu rằng, ở Việt Nam những năm tháng này là vất vả, gian khổ, nguy hiểm, và chị Nguyệt đã phải chịu đựng quá nhiều. Có lẽ tôi ác, nhưng tôi không muốn chị đi. Tôi cứ muốn “chị ở đây với em, với mọi người, chị nhé”.
Thiên hạ có thể nói rất nhiều điều tệ hại về mỗi cá nhân trong phong trào dân chủ, về những người như chị Nguyệt (Trần Thu Nguyệt), chị Hằng (Bùi Thị Minh Hằng)… Thiên hạ có thể phán xét là các chị ít học, xuất thân từ tầng lớp thấp, “chỉ là dân oan”, không có lý luận, không có tri thức, không thể là lãnh đạo hay người dẫn đường v.v.
Nhưng tôi thì thấy: Họ có thể có những nhược điểm ấy, nhưng họ – chị Nguyệt, chị Hằng – là những người đã luôn ở bên anh em đấu tranh và bọn trẻ trong những cuộc thử lửa dữ dội nhất, trong những lần biểu tình bị đàn áp, những vụ đòi người kéo dài mà sự nguy hiểm và căng thẳng cũng chẳng kém gì lúc đi biểu tình.
Cho dù có ai đứng từ xa mà nói gì, thì sự thật vẫn là chị Nguyệt chưa bao giờ bỏ rơi chúng tôi. Chị Nguyệt luôn luôn có mặt và đi đầu trong những trận đánh ấy và trong cả cuộc chiến đấu này.
Đoan Trang
(Blog Đoan Trang)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét