Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Đôi lời trần tình đầu năm về chuyện "chửi công an"


Đoan Trang - Đôi lời trần tình đầu năm về chuyện "chửi công an"

Đăng bởi Ha Tran on Wednesday, February 1, 2017 | 1.2.17



Một vài người quen, bạn bè của tôi có thắc mắc “sao Trang ‘chửi công an’ ghê thế”. Có một chị đồng nghiệp, sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, mới hạ giọng: “Hỏi thật, hai chân thế nào rồi, đau lắm phải không? Vì tôi thấy mỗi lần cô viết về công an, tôi thấy giọng cô khác, nặng nề quá, không phải là cô nữa. Những lúc đó, tôi nghĩ chắc cô đang đau lắm”.



Tôi chỉ cười cười, không biết nói sao. Không phải vì sợ hay có điều gì phải giấu giếm, mà chỉ đơn giản vì tôi mắc một thứ “bệnh nghề nghiệp” của nhiều nhà báo, đó là luôn cảm thấy khó khăn khi nói về bản thân.

Tuy nhiên, về chuyện “chửi công an” trong năm vừa qua, thì có thể làm rõ một vài vấn đề như sau:

Thứ nhất, nó không liên quan đến chấn thương của tôi. Nói cách khác, không phải vì bị công an đánh què chân mà tôi đâm ra thích chỉ trích họ.

Thứ hai, nếu xem kỹ, bạn đọc có thể thấy tôi không “chửi”, mà là vạch mặt và lên án họ.

Thứ ba, đối tượng của sự lên án không phải là toàn ngành công an nói chung, mà định danh chính xác là “lực lượng an ninh bảo vệ chế độ”, tức là những kẻ mà lợi ích đang gắn chặt với chế độ độc tài và vì thế, ra sức bảo vệ nó.

Chẳng người bình thường, có suy nghĩ nào lại không hiểu công an là một nghề trong xã hội, nên nó phải được hưởng sự tôn trọng bình đẳng với mọi nghề khác. Hơn thế nữa, do sứ mệnh của nó là bảo vệ quyền và quyền tự do của người dân, vì lợi ích cộng đồng, cho nên đúng ra nó còn là một nghề cao quý, như những nghề phục vụ cộng đồng khác.

Tiếc rằng ở xứ độc tài cộng sản, nghề công an đã bị bóp méo đến biến dạng. Nó đã hư hỏng ngay từ đầu (năm 1945), khi dung nạp nhan nhản những thành phần thất học, bất lương, thậm chí lưu manh, vào trong lực lượng. Chiến tranh càng là cơ hội cho nó hỏng thêm, bởi lẽ trong chiến tranh, vì mục đích “chiến thắng”, người ta có thể làm tất cả, đương nhiên kể cả chà đạp lên pháp luật và nhân quyền: Thời chiến, công an có thể mặc nhiên ám sát bất kỳ ai bị nghi là “Việt gian”, “phản bội cách mạng”, mà không cần một quá trình điều tra, xét xử nào. Ví dụ như chiến sĩ công an nhân dân Võ Thị Sáu đã vài lần dùng lựu đạn giết và làm bị thương hàng chục người, trong đó chỉ có một sĩ quan Pháp, còn lại đều là người Việt. Chẳng ai biết họ phạm tội gì mà bị chị Sáu “thay mặt cách mạng” trừng trị như vậy.

Dù sao cũng phải nói rằng, chiến tranh là khi cuộc sống đảo lộn và xã hội đã biến dạng; không thể thực hành dân chủ, nhà nước pháp quyền hay thực thi nhân quyền trong thời chiến được. Vì thế, khó có thể dùng nhãn quan của người trong thời bình để phán xét các hành động xảy ra trong chiến tranh, và cũng vì thế, chiến tranh là đáng ghê tởm.

Tuy nhiên, sau chiến tranh, nghề công an ở Việt Nam tiếp tục hư hỏng khi trở thành công cụ trong tay đảng độc tài, trong đó, đội ngũ an ninh bảo vệ chế độ trở thành lực lượng phản động nhất, vì chúng tiếp tay cho đảng đắc lực nhất. Dần dần, chính chúng cũng sử dụng đảng và “lý tưởng” của đảng làm công cụ, chiêu bài để kiếm chác.

Cụ thể hơn, đội ngũ ấy là cái hang ổ có những tên gọi như: “Tổng cục An ninh”, “Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an”… Không một hoạt động nào của hang ổ này được công khai, kể cả địa chỉ chính xác của nó. Ngân sách dành cho nó đương nhiên là bí mật nhà nước; công việc, nhiệm vụ của nó, danh tính của nhân viên cũng được giữ kín. Nói chung, tính bí mật, mưu mô, thủ đoạn là đặc thù và cũng là sức mạnh của nó, cứ phải công khai minh bạch cái gì là nó chết.

Cho nên nó càng không thể công khai sự bất lực và đê hèn của nó: Không chống nổi tình báo Trung Quốc, không bảo vệ được an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia, thì đè mấy thằng dân đen ra mà chống, rồi dán cho dân cái nhãn “khủng bố”, “xâm hại an ninh quốc gia”. Không có phản động thì vẽ ra phản động, vẽ ra thế lực thù địch, chống phá. Luôn luôn, an ninh Việt Nam phải tạo ra kẻ thù, phải có kẻ thù, vì thực sự chúng sống nhờ kẻ thù. Không có “bọn dân chủ”, an ninh cạp đất mà ăn.

Đã thành lệ, cứ sau mỗi vụ bắt bớ, đàn áp, lại có an ninh lên lương, lên chức. Ít người biết rằng vụ bắt Thúy Nga sẽ giúp một đồng chí thượng tá kịp được thăng lên đại tá trước khi nghỉ hưu, để khi “về vườn” sẽ được hưởng lương cao hơn. Cũng ít người biết rằng, mỗi vụ phá một hoạt động nào đó của “bọn dân chủ”, như hội thảo, lớp học, biểu tình… đều ghi điểm cho ít nhất một đồng chí an ninh, để khi xét thi đua sẽ được hưởng thêm nhiều lợi tức.
Chúng gọi những người hoạt động xã hội là “bọn dân chủ”, “bọn lợi dụng chiêu bài nhân quyền để gây rối và chống phá nhà nước”. Nhưng thực chất, chính chúng mới là những kẻ lợi dụng chiêu bài “bảo vệ chế độ” để vẽ dự án, xin kinh phí, xin hỗ trợ, nhằm đàn áp dân chủ và phá hoại sự phát triển bình thường của xã hội, và CHỈ ĐỂ ĐỚP.

Những kẻ kiếm ăn và làm giàu nhờ tự do của người khác như thế, bạn nghĩ chúng có đáng bị “chửi” không? Có lẽ chúng đáng bị một điều gì hơn vậy nữa kia.

Dẫu sao, trong năm 2017, ngoài những bài tấn công vào lực lượng “còn đảng còn mình”, tôi sẽ cố gắng viết về một vài lĩnh vực khác mà tôi rất quan tâm, và có lẽ đó cũng là những lĩnh vực mà nhiều người dân Việt Nam như tôi cần phải biết: chính trị và chính sách công.

Đảng Cộng sản đã và đang ăn tàn phá hại đất nước này. Tham nhũng, bóp nghẹt doanh nghiệp tư nhân, kìm hãm tầng lớp trung lưu, cấu kết với tư bản đỏ tàn phá môi trường và tài nguyên, tiêu diệt xã hội dân sự, nhồi sọ và tẩy não thanh niên… Như Lech Walesa (nhà hoạt động công đoàn, tổng thống Ba Lan sau cải cách) đã nói: “Người cộng sản là những tổ sư về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó thành cái hồ cá lại”. Điều ông nói đã thành hiện thực ở Việt Nam những năm tháng mạt sản.

Dẹp đảng cộng sản đi rất khó, dọn cái đống rác khổng lồ mà đảng để lại cũng sẽ cực nhọc không kém (tuy lúc đó không còn nguy hiểm nữa). Chúng ta sẽ phải bắt tay vào việc đưa tô súp thành hồ cá trở lại kể từ bây giờ.
Đoan Trang
(Blog Phạm Đoan Trang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét