Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam 'bằng lệnh miệng'


Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam 'bằng lệnh miệng'

Đăng bởi Lê Sơn on Friday, February 24, 2017 | 24.2.17





Nhà vận động vì môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những người tiên phong yêu cầu khởi tố Formosa.


Sau hơn 4 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động cho nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xác nhận thông tin này với VOA Việt Ngữ.

Theo Bà Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký lệnh gia hạn tạm giam đối với con bà vào ngày 13/1/2017, nhưng bà chưa hề nhận được văn bản này, tất cả chỉ là thông báo miệng:

“Theo lệnh tạm giam 4 tháng thì ngày 10/2 là hết hạn tạm giam. Ngày 14/2 khi không nhận được thông tin gì thì tôi có làm đơn. Ngày 21/2 họ mời tôi lên, họ nói họ có quyền gia hạn tạm giam thêm 3 tháng. Anh mời tôi lên là đại úy Ngô Xuân Phong, ảnh đọc cho tôi lệnh gia hạn tạm giam ký ngày 13/1, gia hạn từ ngày 7/2 cho tới ngày 7/5, tức là gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tôi hỏi tại sao khi gia hạn không thông báo cho gia đình thì họ nói chỉ thông báo cho người bị tạm giam thôi.”

Khi hỏi về việc trong hơn 4 tháng qua chính quyền có cho phép Như Quỳnh tiếp xúc với luật sư hay không, bà Tuyết Lan cho biết luật sư đã làm hết trách nhiệm của họ, “họ gửi văn bản đi nhưng không được hồi đáp, những gì họ làm đã rơi vào im lặng". Bà Lan cho VOA biết thêm:

“Tôi có hỏi tại sao con tôi cho đến bây giờ vẫn chưa gặp được luật sư, và vì ‘sao anh không trả lời văn bản cho luật sư biết?’. Anh (công an) Ngô Xuân Phong nói là ‘đã trả lời bằng văn bản cho luật sư nhưng không hiểu vì sao địa chỉ không đến.’ Tôi mới hỏi rằng khi gửi qua bưu điện thì trên đó có số điện thoại của văn phòng luật sư Hưng Đạo của ông Nguyễn Hà Luân, thì tạo sao người ta không gọi điện thoại. ‘Cho nên vấn đề này anh giải thích cho tôi không thuyết phục lắm.’ Ảnh im lặng.”

Trong khi chính quyền im lặng thì gia đình của nhà hoạt động vì quyền con người, vì môi trường, một bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Tuyết Lan cho biết trong một tháng qua, gia đình bà không được phép ghi một lời nhắn dù rất ngắn, hỏi thăm sức khỏe từ hai đứa con của Như Quỳnh để gởi đến người mẹ trong trại giam. Bà Tuyết Lan nói bà ngoại của Quỳnh năm nay hơn 90, sau khi chứng kiến cảnh Quỳnh bị còng tay và giải đi cho đến nay thì tinh thần bà hoàn toàn suy sụp, còn hai khi đứa con của Quỳnh thì quá nhỏ. Bà nói con trai 4 tuổi của Quỳnh cứ hỏi “sao mình cầu nguyện hoài mà Chúa chưa cho mẹ về!”

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Nha Trang, tỉnh Khánh Hoa bắt vào ngày 10/10/2016 và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thành viên chủ chốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, là phụ nữ châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vào năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.

Trong nhiều năm qua, Như Quỳnh đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ tiếng nói của người dân tranh đấu cho nhân quyền như: “Tuyên bố công dân tự do”, “dã ngoại nhân quyền”, “café nhân quyền”. Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Bà Lan luôn hy vọng rằng chính quyền sẽ hiểu được tiếng nói chính đáng của người dân, nhất là về vấn đề môi trường, điều mà Quỳnh từng lên tiếng trước đây:

“Những việc sau này, sau khi con tôi đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về Trung Quốc, bây giờ tất cả tiếng nói của cộng đồng đều đi tiếp con đường của Quỳnh, đều phản ảnh những điều con tôi nói là sự thật. Họ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn. Tôi mong rằng chính quyền sẽ thấy rằng những đòi hỏi này là chính đáng, chứ đừng dùng từ ‘truyên truyền chống phá nhà nước’ là không đúng sự thật.”

Hôm 12/10, Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius ra thông cáo nói ông "quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh".

Thông cáo kêu gọi Việt Nam "thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt".

Đáp lại yêu cầu bình luận của đài VOA, phát ngôn nhân phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Katina Adams, nhấn mạnh:

“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích cô Quỳnh cùng tất cả những tù nhân lương tâm khác, cho phép tất cả mọi người dân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng và ngoài đời mà không sợ bị trả thù. Xu hướng gần đây bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa [tại Việt Nam] rất đáng ngại và đang đe dọa che phủ tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam.”

Cùng lúc đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước ra tuyên bố chung “kêu gọi mọi người tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam tiếp tục lên tiếng và yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho blogger Mẹ Nấm.”

Khi bắt giam Như Quỳnh vào tháng 10 năm ngoái, truyền hình Công an Nhân dân nói Quỳnh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ viết bài trên mạng xã hội và trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài để ‘xuyên tạc đường lối chính sách của đảng’, ‘kích động hận thù dân tộc giữa Việt Nam với một số quốc gia láng giềng’, ‘nói xấu’ lãnh đạo Việt Nam, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’ và ‘gây phương hại đến an ninh quốc gia.’

Khi đó báo Công an Nhân dân viết: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đối tượng có quá trình hoạt động chống đối quyết liệt, từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng cảnh cáo, xử lý bằng các hình thức khác nhau nhưng đối tượng ngày càng tỏ ra coi thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng, tính chất hành vi vi phạm pháp luật ngày càng nguy hiểm.”

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét