Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Việt Nam cái gì cũng... xuống cấp


Việt Nam cái gì cũng... xuống cấp

Đăng bởi Lê Sơn on Monday, February 27, 2017 | 27.2.17

“Xuống cấp” chỉ là một mỹ từ nói cho lịch sự, xã hội hiện nay dưới cái gọi là “quản lý” của đảng, Việt Nam không chỉ “xuống cấp” mà tan nát, đang bị tàn phá thì đúng hơn. Với hoàn cảnh này thêm vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành bãi “rác” lớn nhất khu vực, từ những “rác thãi môi trường” cho đến “rác” nhân cách, rồi một ngày nào đó, cộng đồng quốc tế khi nhắc đến hai chữ Việt Nam, họ chỉ nói với nhau rằng “Việt Nam là bãi rác tự do nhất thế giới”.



Vụ ông lão “tỷ phú” vừa chìm xuồng được vài ngày, dường như báo chí trong Việt Nam giờ đây chỉ còn lối thoát duy nhất là chạy theo những scandal của giới showbiz, con đường an toàn cho những tờ báo “định hướng” của đảng cộng sản.

Hết câu chuyện “Anh Thì Không” của Mỹ Tâm, thì ngay lập tức báo chí lại chạy vào nhà Facebook của Hương Lan để “moi móc”, “tìm kiếm” và khai thác “động trời” việc vợ chồng Hương Lan bỏ về giữa tiệc cưới của ai đó chỉ vì Việt Hương và Hoài Tâm diễn hài... quá tục.

Cứ mỗi lần nhắc đến những nhân vật của showbiz là lượng view tăng ào ào, cần chi “chống tham nhũng”, cần chi đăng những tin tức “nhạy cảm” vừa không có view nhiều, vừa lo sợ bị “ai đó” rút thẻ báo chí chỉ vì “nói xấu lãnh đạo”.

Kể từ khi mạng xã hội phát triển, thế là người dân lại có một xu hướng kỳ lạ, cứ thích các tin tức thuộc dạng “lá cải” thì kiếm báo chính thống của đảng mà đọc, còn nếu nghiêm túc, muốn tìm hiểu nhiều góc cạnh của các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, thì hầu hết người dân đều vào mạng xã hội để đọc tin tức, bình luận của những trang Fanpage thuộc... "Lề Dân".

Cục diện nghịch lý này được gọi là “xuống cấp” của nền báo chí ở Việt Nam, nói là “xuống cấp” nhưng có... cấp đâu mà xuống, tình hình của Việt Nam có cái gì mà không “xuống cấp” như báo chí, dường như mọi việc đều “thụt lùi” dưới sự cai trị của đảng.

Những tòa nhà kiến trúc do người miền Nam và người Pháp xây dựng cả trăm năm không sao, báo chí lại dùng chữ “xuống cấp” để “dọn đường” cho việc phá hủy các kiến trúc đó, để rồi thay vào những kiến trúc... Không giống ai, kết quả vài năm sau, nếu không bị bê tông cốt... tre, thì cũng mái bị sập, hay gạch lót bị... bung.

Những cửa biển từng một thời là nơi được xem là không khí trong lành, nơi vui chơi gia đình trong dịp lễ, thì này “xuống cấp” với những rác rưởi khổng lồ, nước biển nhiễm kim loại, thủy ngân, có lượng độc tố cáo vì... chất thãi.

Những cánh đồng với phù sa thẳng cánh, từng một thời là vựa lúa của cả Đông Nam Á, giờ “xuống cấp” đến mức phù sa bị “nhập mặn”, nông dân “lang thang” đầu đường xó chợ, đất đai hoang phế vì trồng cái gì cũng bị... lỗ lã, cứ đem đất tặng không cho những “nhà phát triển” xây khách sạn, xây... nhà máy thép.

Những đền đài xưa cũ, những nơi thờ kính tôn giáo có cả hơn trăm năm, vốn là nơi thanh tịnh cho tâm hồn, nơi nghiêm trang cổ kính, nay lại bị “xuống cấp”, nhường chổ cho những sơn phết lòe loẹt, những trò chơi “cướp có văn hóa”.

Những chương trình TV, phát thanh vốn cổ võ cho cái đẹp của dân tộc, đưa những thông tin xác thực với đời sống người dân, thì nay “xuống cấp” các “giờ vàng” đều nhường chổ cho những game show rẻ tiền, dung tục, ăn nói tục tĩu.

Ngay cả nhân cách con người cũng “xuống cấp” từ những trò “bề hội đồng” vì ghen tuông của các cô gái trẻ tuổi học sinh, cho đến lời tuyên bố vung vít của “ông” lãnh đạo, thay vì lao vào giải quyết những bế tắc của ngành y tế, tìm giải pháp giảm giá thành của thuốc men cho người dân, thì lại đòi phải có giải Nobel y học của thế giới.

Dưới cái gọi là “quản lý” đất nước của đảng cầm quyền, hơn 40 năm qua, miền nam Việt Nam từ một vùng đất vốn là niềm mơ ước của các nước lân bang như Malaysia, Thái Lan, Singapore hay Đài Loan, nay “xuống cấp” trầm trọng, giáo dục thì toàn tiến sĩ “giấy”, kiến trúc thì sập lên sập xuống, tài nguyên thì chỉ còn cái vỏ, con người thì biến thành những Zombie vô cảm với mọi thứ ngoại trừ... tiền.

Tôi có một anh bạn, vốn là người làm việc trong bộ ngoại giao, khi “đi xứ” ở Singapore 3 năm, anh tuân thủ rất nghiêm ngặt về những luật lệ qui định của đảo quốc này, vốn là người nghiện thuốc lá nặng, mỗi khi hút thuốc anh phải kiếm chổ bỏ tàn thuốc vào đúng những nơi có qui định. Tuy nhiên anh kể tôi nghe, khi mãn nhiệm trở về Việt Nam, chưa đầy 3 tháng, thì anh cũng giống như nhiều người khác, bún tàn thuốc lung tung, bừa bãi.

Nhưng cũng là người Việt Nam, khi ra đến nước ngoài thì hoàn toàn lột xác, trở thành một con người khác, lại được “nâng cấp” trở thành có ích cho xã hội hơn, bạn có bao giờ nghĩ đến tại sao như vậy không?

Đó là vì người dân xứ người họ tôn trọng luật pháp của chính quốc gia của họ, nhưng tại sao tôn trọng? Là vì những luật lệ đó do chính người dân bỏ phiếu để thành luật, không phải là thứ luật lệ áp đặt từ chính quyền.

Tại sao ở những khu vực được xem là bất ổn chính trị như Thái Lan, người cảnh sát vẫn được người dân tôn trọng, du họ có biểu tình căng thẳng đến mức độ nào? Đó là vì cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, họ chỉ làm nhiệm vụ của họ, còn xứ sở của Việt Nam, công an, cảnh sát chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tài sản của đảng và chế độ, do đó người dân mới không xem cảnh sát ra gì, sẵn sàng “cãi tay đôi” với công an, vì họ biết rõ, họ không được luật pháp và công an bảo vệ như bảo vệ đảng và bảo vệ chế độ.

Báo chí Việt Nam không chỉ “xuống cấp”, mà nó chỉ là thứ công cụ tuyên truyền để bảo vệ cho đảng cai trị, báo chí Việt Nam có bao giờ đứng về phía xã hội và dân chúng đâu, do đó họ không thể đụng tới những kẻ có “thẻ đảng” ở tầng lãnh đạo, mà chỉ khai thác những ‘lùm sùm” của giới showbiz, giới có tiền bạc.

Vài chính những điều này đã dẫn đến cái “văn hóa bệnh hoạn” mà tôi đã từng viết trong vụ ông Hoàng Kiều, tại sao Hoàng Kiều không gây những scandal đó ở nơi ông ta đã định cư, dù rằng xã hội Mỹ tự do gấp cả trăm lần so với xã hội Việt Nam? Đó là tuy tự do, nhưng những trò scandal này vốn không có chổ để phát triển nhưng các xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc, vì nền báo chí ở những xã hội này, họ “thọc thẳng” vào những vấn nạn của xã hội, của các cơ chế chính trị tiêu cực trong chính quốc gia của họ, nhiều hơn là khai thác những trò tầm phào, đơn giản là vì họ có tự do lựa chọn cách đưa tin, viết xã luận hay bình luận, còn báo chí ở Việt Nam thì không có, họ không thể đụng tới các sự kiện “nhạy cảm” hay nhân vật “nhạy cảm”.

Kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống của Hoa Kỳ, cho đến nay đã có bao nhiêu tờ báo, truyền hình công kích mãnh liệt những chính sách của ông về nhiều vấn đề, thậm chí nhiều nơi còn tổ chức biểu tình đòi ông Trump phải... từ chức.

Trong khi tại Việt Nam, khi xảy ra thảm họa Formosa, có tời báo nào dám chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm Formosa ngay đúng lúc xảy ra thảm họa? Có tờ báo nào dám phê bình Nguyễn Xuân Phúc khi ông này “nói láo” một cách trắng trợn trong sự kiện cả đoàn xe lái vào khu đi bộ của phố cổ Hội An?

Đơn giản là vì báo chí của Việt Nam không được phép nhắc đến những “nhạy cảm” của giới được gọi là lãnh đạo, và cuối cùng báo chí Việt Nam chỉ “đành” chọn “chơi” hết mình trong các sự kiện của Mỹ Tâm, của Việt Hương Hoài Tâm, của Trấn Thành, Trường Giang hay của... Đàm Vĩnh Hưng tố mẹ ruột mang nợ nần mà thôi.

Nền báo chí như vậy sẽ đưa dân tộc về đâu? Câu trả lời không có gì khó, đưa dân tộc trở lại thời kỳ hoang dã của con người hàng ngàn năm trước, và biến con người trở thành những con thú hoang, không biết đến đạo đức xã hôi, không biết đến luân lý gia đình, chỉ biết “chúi mũi” vào kiếm ăn, kiếm sống rồi trở thành những con “lừa” để người ta dẫn dắt, hút máu và làm thịt.

“Xuống cấp” chỉ là một mỹ từ nói cho lịch sự, xã hội hiện nay dưới cái gọi là “quản lý” của đảng, Việt Nam không chỉ “xuống cấp” mà tan nát, đang bị tàn phá thì đúng hơn.

Tin tôi đi các bạn, với hoàn cảnh này thêm vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành bãi “rác” lớn nhất khu vực, từ những “rác thãi môi trường” cho đến “rác” nhân cách, rồi một ngày nào đó, cộng đồng quốc tế khi nhắc đến hai chữ Việt Nam, họ chỉ nói với nhau rằng “Việt Nam là bãi rác tự do nhất thế giới”.

Trần Nhật Phong

(DLB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét