Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Phòng, chống tham nhũng: CAND lên tiếng, Nhân Dân trả lời


VNTB - Phòng, chống tham nhũng: CAND lên tiếng, Nhân Dân trả lời
Reply
Anh Văn, Báo Nhân Dân, chống tham nhũng, news, opposite, phòng, VNTB
28.2.17

Anh Văn (VNTB) ĐCSVN có thể chống được tham nhũng? Đúng, nhưng với điều kiện cần và đủ là tôn trọng xã hội dân sự một cách thực tâm, coi khu vực này là đối tác thực sự đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai





Đừng đem lịch sử ra để biện hộ hiện tại


Trong một bài viết gần đây của báo CAND, liên quan đến chống diễn biến hòa bình [1]. Tác giả Vũ Như Khôi (Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc Phòng) lên tiếng phê phán luận điểm ĐCSVN không thể chống tham nhũng, suy thoái, và chỉ trích luận điểm này như là một “suy diễn chủ quan, võ đoán, là luận điệu xấu của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân.” Tuy nhiên, những quan điểm của tác giả dường như lạc điệu với thực tế chính trị - xã hội hiện tại.


Tác giả cho rằng, quốc gia nào dù một đảng hay đa đảng cầm quyền thì nạn tham nhũng, suy thoái vẫn thường xảy ra, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh, có trình độ quản lý kinh tế, xã hội cao. Điều này cơ bản không sai, vì sự tuyệt đối hóa gần như không tồn tại. Ngay tại các nước như Đan Mạch, Na-uy, Thụy Điển,... những quốc gia được xếp hạng minh bạch hàng top 4 thế giới cũng nảy sinh ra tham nhũng. Tuy nhiên, mức độ tham nhũng ở các quốc gia này hoàn toàn nhỏ về quy mô, số lượng so với tại một nước như Việt Nam, Nam Phi, Somalia. Sudan. Sự khác nhau đó không những là hệ quả của sự khác biệt về chế độ chính trị, mà khác ngay tỏng cách vận dụng luật để kiềm soát tham nhũng - tạo phúc lợi cho nhân dân; hay đơn thuần chỉ để duy trì quyền lực cho cá nhân hoặc đảng phải.


Ông Vũ Như Khôi khẳng định, “đảng nào vì nước, vì dân […] để hạn chế thấp nhất tham nhũng, suy thói”. Quan điểm này rất đúng, tuy nhiên, khi dẫn chứng về Việt Nam, thì ông lại đề cập đến thái độ “xử lý không khoan nhượng” của Đảng và Nhà nước vào thời kỳ chiến tranh gắn với những nhân vật cộng sản đời đầu? Cái tư duy lấy quá khứ, biện hộ ha lấp liếm cho hiện tại này đã từng bị châm biếm bởi chính những nhà lý luận của Xô-Viêt trước đây, khi thẳng thắn chỉ trích qua, “những con ngỗng đã khoe khoang rằng chúng đã ‘cứu được thành La-mã’, nhưng đã bị bác nông dân giơ thanh củi lên và bẻ lại, ‘thôi hãy gác chuyện ông cha ngày xưa lại, và hãy nói xem chúng mày đã làm được công cán gì chưa?”.


Cần nhắc lại, các “luận điệu phê phán” đối với hành vi cai trị của ĐCSVN là ở thời điểm hiện nay, nó không nhằm vào quá khứ. Những quan điểm phê phán của cá nhân, tổ chức đấu tranh nhân quyền là trực diện với những nhà cộng sản hiện đại (tư bản đỏ), những người đã và đang xóa bỏ thành quả cách mạng trong quá khứ, làm phai nhạt yếu tố “xử lý không khoan nhượng” trong Đảng ở quá khứ. Chính vì lý do đó, mà ngay cả ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trong buổi tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí 2015 được tổ chức tại TP. HCM ngày 8/3/2016 đã thừa nhận rằng, “tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi chứ còn dân thường không có tham nhũng.” Và tình hình diễn biến của các sự vụ liên quan đến tham nhũng nhà nước là cực kỳ nghiêm trọng và phức tạp. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đau đầu khi nhắc lại hiện trạng, “nhiều người bảo chống nội xâm càng khó, là vì tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận mình khuyết điểm, ai nhận kỷ luật đâu”.


Một đảng chống tham nhũng và thực tế


Tham nhũng không nằm ở một đảng hay đa đảng, nhưng mức độ tham nhũng như thế nào, xử lý triệt để ra làm sao lại tạo nên đặc trưng tham nhũng của chính chế độ cầm quyền đó.


Không thể cào bằng với lý luận, ở đâu cũng phát sinh tham nhũng để “chứng tỏ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái”. Bởi sự cầm quyền của một đảng, đã tạo ra cơ hội và dung dưỡng quyền lực lớn trong xã hội. Tác giả hãy nhìn qua Singapore với mô-tuýp có vẻ giống Việt Nam, khi Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền trong hàng thập kỷ, nhưng đảng của ông Lý Quang Diệu lại liên tục thực hành chống tham nhũng một cách nghiêm khắc, quản trị nền hành chính công một cách minh bạch. Điều này đã cộng điểm, và giúp cho Đảng PAP “nắm quyền” liên tục, trước Đảng Công nhân Singapore.


Sẽ chẳng thể nào kiểm soát được quyền lực nhằm chống suy thoái hay tham nhũng, khi mọi thứ đã bị “độc tôn”, và sự độc tôn lại được coi là cốt lõi của duy trì sự tồn tại của đảng, chế độ như đối với hệ đảng cộng sản. Do đó, quyền lực ĐCSVN càng lớn, thì suy thoái càng nhiều; đối với các nước đa đảng nó là hiện tượng – vì bản thân một đảng lên cầm quyền chịu sự giám sát ngang bằng của các đảng phái khác cũng như làm tốt công tác phòng chống tham nhũng nếu không muốn mất uy tín cử tri; thì ngược lại, ở ĐCSVN lại là bản chât, không chịu sự chi phối của ai, đảng nào ngoài chính bản thân đảng với nguyên tắc “tự phê bình”. Do đó, đối với các nước khác, tham nhũng là “vua con”, thì Việt Nam là “vua tập thể” – gắn chặt với nguyên tắc “lợi ích nhóm” (nguồn cơn của biến chất, suy thoái con người).


Thay vì lẩn tránh, hãy đối diện


Sự sa đọa của đảng viên, hay sự tụt dốc về mặt chính danh của ĐCSVN ngày hôm nay phần lớn đến từ sự thiếu đấu tranh trong nội bộ đảng. Bởi nguyên tắc di trì đảng độc tài, chính là thường trực thái độ phê phán với những sai lầm của mình (chính đảng). Chính nó sẽ khiến cho không có bất kỳ một Trịnh Xuân Thanh nào lọt ra được nước ngoài sau khi gây thất thoát tài sản nhà nước. Còn ngược lại, nếu dung túng, giảm nhẹ sai lầm nhằm tô vẽ chính đảng thì đó là thái độ “nguy hiểm đến cực độ” (J.V.Stalin trong tác phẩm “Bàn về xây dựng đảng” (tr 274 – 275) chỉ ra), vì nó đẩy đảng đó đi vào sự tiêu vong khi xã hội có biến cố bất ngờ. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu không nằm ngoài quy luật đó.


Tác giả Vũ Như Khôi đã phạm sai lầm đó, khi không những bao biện cho nạn tham nhũng – suy thoái bằng những cụm từ miêu tả cuộc chiến chống tham nhũng trên lý thuyết, không chỉ ra được lượng người và sự kiện nổi trội, ngân sách nhà nước bị đục khoét. Thay vào đó, chỉ tập trung ngôn từ để miêu tả hệ thống ban bệ chống tham nhũng, các văn kiện đề cập đến tham nhũng mà không đưa ra các giải pháp rõ ràng. Tác giả đã quên rằng, cuộc chiến chống tham nhũng và suy thoái là cuộc chiến trong thực tế hơn là lý thuyết, các ban bệ đưa ra nếu không có đủ chế tài và khả năng chống tham nhũng bên trong thì nó chỉ là mô-tuýp chống tham nhũng, suy thoái hình thức. Thế nên, bao năm với Nghị quyết của Đảng, luật lệ của Nhà nước, rồi Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính T.Ư, nhưng tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” vẫn diễn ra là vậy.





Từ bên trong, vào năm 2014, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT Việt Nam, gần 1.000 dự án đầu tư có vốn nhà nước xảy ra thất thoát, lãng phí. Năm 2016, 5 dự án kinh tế thuộc nhà nước đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng bị thua lỗ trầm trọng vì tham nhũng. Trong lĩnh vực chống tham nhũng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ lại dính chàm tham nhũng.


Ở bên ngoài, Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đưa ra ngày 25/01/2017, đã xếp Việt Nam ở vị trí 113/176 (33 điểm/ 100 điểm). Đây là kết quả dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Và dù, trong năm 2016, theo TI, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến phòng chống tham nhũng nhưng, Việt Nam vẫn “chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng”.


Liên quan đến tinh thần “thân lý thuyết” như cách bài viết đang bộc lộ, tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (24/02) vừa diễn ra, ông Tổng Bí thư đã phê phán: “Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải hành động, nói phải đi đôi với làm, không nói lý thuyết, đạo lý chung chung,” ông Nguyễn Phú Trọng cho hay.


Nhân Dân trả lời: Nâng cao vai trò của CSO (Xã hội Dân sự) trong phòng, chống tham nhũng


Do đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái hiện nay của Đảng Công sản Việt Nam không thể thành công là hơi thiếu khách quan, nhưng quá chậm chạp trong điều kiện quyền lực toàn trị. Trong khi báo CAND đăng tải bài viết với quan điểm tìm mọi cách nhằm giảm nhẹ hành vi và hiện trạng tham nhũng trong đảng thì báo Nhân Dân, trong một nội dung đăng tải gần đây, đã tập trung vào giải pháp khắc phục.


Theo đó, trong bài “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống tham nhũng” ngày 10/02 [2], tác giả Việt Khang thừa nhận các tổ chức xã hội dân sự (CSO) đã tham gia tích cực và góp phần hiệu quả trong hoạt động phòng chống tham nhũng, ngay cả trong điều kiện Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản liên quan chưa quy định cụ thể “vai trò, trách nhiệm của các chủ thể này” trong cuộc chiến chống nội xâm.


Do đó, việc phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) tạo động lực chống tham nhũng cho Việt Nam, trong đó tạo điều kiện pháp lý và ghi nhận “vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách kêu gọi Chính phủ nâng cao tính minh bạch, tăng cường tiếp cận thông tin đại chúng và thúc đẩy sự đóng góp của công dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ”.

Hội thảo “Sáng kiến của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy Minh bạch và Trách nhiệm giải trình” vào ngày 27/8/2013 tại Hà Nội. Ảnh: msdvietnam

Chính sự mời gọi CSO vào cuộc chiến này sẽ tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng tự tin trong vai trò giám sát và phòng chống tham nhũng ở cấp cơ sở lẫn trung ương.


Việc thực hóa quy định UNCAC đến đâu, sẽ cho thấy quyết tâm thực tế của lý thuyết chống tham nhũng của ĐCSVN như thế nào.


Vậy ĐCSVN có thể chống được tham nhũng? Đúng, nhưng với điều kiện cần và đủ là tôn trọng CSO một cách thực tâm, coi khu vực này là đối tác quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội Việt Nam. Muốn vậy, Đảng không thể chống tham nhũng một mình và tự thân được, mà phải tập dần trong việc chia sẻ trách nhiệm chung trong phòng chống tham nhũng với các CSO, thay vì cứ tiếp tục tự xử lý theo lối ngõ cụt như hiện tại.


Quan điểm “Một trăm ông Võ Kim Cự không thể thông thái bằng tai mắt nhân dân” của TS Luật học Phạm Duy Nghĩa hoàn toàn xác đáng nếu đại diện ông Võ Kim Cự là ĐCSVN.


Tham khảo
[1] http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Phe-phan-luan-diem-Dang-Cong-san-Viet-Nam-khong-the-chong-tham-nhung-suy-thoai-429148/


http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Phe-phan-luan-diem-Dang-Cong-san-Viet-Nam-khong-the-chong-tham-nhung-suy-thoai-429326/


[2] http://www.nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/32027102-nang-cao-vai-tro-cua-cac-to-chuc-xa-hoi-trong-phong-chong-tham-nhung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét