Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017
NHỮNG GÓC KHUẤT LỊCH SỬ
NHỮNG GÓC KHUẤT LỊCH SỬ
Ảnh chụp màn hình bài báo Tuổi Trẻ.
NHỮNG GÓC KHUẤT LỊCH SỬ
Luân Lê
24-2-2017
Trả lại sự trung thực và sự thật của lịch sử, là trả lại sự trong sạch cho những nỗi oan khuất của dân tộc.
Trong bài báo này đã nêu rõ hai vấn đề rất quan trọng của lịch sử đã bị (cố tình) lãng quên suốt bao nhiêu năm, né tránh và đôi khi là cố tẩy xoá để hòng không cho nó được minh diện.
Một là, cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 – 1957, đảng cộng sản đã nhận rõ sai lầm, nhưng sai như thế nào, hậu quả ra sao (bao nhiêu người chết), vì sao dẫn đến việc “phải đạt chỉ tiêu mỗi (làng) xã phải có 5% địa chủ, cường hào, gian ác phải bị trừng trị? Tại sao gia đình bà Năm Cát Hanh Long – một gia đình đại địa chủ tư sản đã có công đóng góp tài sản và nuôi những cán bộ nòng cốt cách mạng cộng sản lại nằm trong đối tượng bị tiêu diệt đầu tiên và là khởi dầu cho công cuộc cải cách sai lầm hãi hùng tới 4 năm ròng? Người cày có ruộng, nhưng rất nhiều xác người đã bị giết hại dã man, tài sản điền địa bị “cướp bóc” mà không thông qua xét xử hay trưng mua. Trong nền cộng hoà miền Nam việc cải cách ruộng đất cũng được thực hiện trong thời gian này nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã áp dụng chính sách “người cày có ruộng, nhà nước trưng mua”. Bởi thế không có tình trạng chủ đất bị giết hại hay tước đoạt tài sản ngang nhiên.
Hai là, công lao của nhà Nguyễn. Một thời chúng ta được giáo dục và học lịch sử dưới góc nhìn thụ động của việc tuyên truyền rằng vua Nguyễn Ánh là kẻ bán nước hại dân, cõng rắn cắn gà nhà. Tuy nhiên, vua Nguyễn Ánh là một vị vua sáng suốt và rất độc lập, với tâm thức tự cường dân tộc rất lớn. Ông đã không muốn ký kết hay để cho Pháp hiện diện trên đất nước mình, với Ông, để Pháp vào nước ta thì chẳng khác nào dâng nước cho họ, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho đế quốc Pháp không sớm thì muộn. Nhưng tiếc rằng do triều đình phong kiến lúc đó với lực lượng yếu, kinh tế nghèo nàn, khoa học không tốt nên đã bị chiếm đánh bởi Pháp khi họ xâm lược năm 1858, một cách nhanh chóng chỉ trong vài tháng với vài nghìn binh lính, tàu chiến chúng ta đã trở thành thuộc địa của họ.
Cho tới những dòng lịch sử bị lãng quên.
Để nói về lịch sử dù rất đáng tự hào nhưng cũng đầy đau thương, mất mát và sai lầm, chúng ta không thể không nhắc tới những dòng lịch sử đã từng bị đối xử bất công, mà thậm chí là tàn nhẫn.
Đó là chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc với quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 do Đặng Tiểu Bình ra lệnh tổng tấn công chỉ để “dạy cho Việt Nam một bài học”, chúng ta cũng không nhắc tới mà còn cố tình lãng quên trong hàng chục năm qua. Cuộc chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988 cũng không được tưởng nhớ đến mà chỉ nằm lặng lẽ trong tầm thức và nỗi đau đớn của những người trong cuộc. Cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 được phát động bởi Mao Trạch Đông cũng không được nhắc tới trong những trang sử của dân tộc.
Rồi chuyện ông Ngô Đình Diệm không hề ác ôn bằng cách “lê máy chém khắp miền Nam” để giết người như được tuyên truyền và giáo dục cho các thế hệ trẻ mấy thập kỷ qua. Ông Diệm cũng là một người yêu nước và đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu khi không muốn Mỹ can thiệp và đưa quân tới miền Nam Việt Nam. Chính vì thế mà ông mới bị quân đội đảo chính và bị giết để thay thế. Ông Diệm coi Trung Quốc mới là kẻ thù của quốc gia, còn Bắc Việt là người cùng một nhà, nên không cần lo lắng nhiều, điều ông ấy để tâm là sự bành trướng thâm độc của Trung Cộng đối với cả dân tộc và con người Việt trên dải đất chữ S và cùng với đó là mối lo về sự lan rộng của chủ thuyết cộng sản sẽ gây hại cho người dân và xã hội thời bấy giờ.
Và còn nhiều sự kiện lịch sử được nguỵ tạo hay thêu dệt nên bởi “Bên thắng cuộc” (cộng sản) như thiếu niên anh hùng tẩm xăng Lê Văn Tám với “ngọn đuốc sống” đốt cháy thân mình phá kho xăng địch.
Trong lằn ranh của sự thật và dối trá, nhiều hình tượng đã được tạo dựng lên hay tô đẹp hơn thêm, phần còn lại là những nhân vật “phản diện” bị bôi đen trong bàn tay của kẻ chép sử trong vai người chiếm lĩnh lịch sử hay bị bụi phủ trong những lát cắt thời gian.
Nếu chúng ta không thể nhìn nhận lịch sử dưới góc nhìn trung thực một cách toàn diện, khách quan và khoa học thì hình hài dân tộc chúng ta, giống như một con Voi, sẽ được biến thành những thứ hoàn toàn khác nhau trong con mắt của những thày bói mù loà. Thế thì quả thực vô cùng nguy hiểm đối với dân tộc, khi những giá trị quốc gia lại được xây dựng trên nền nhận thức của những thế hệ lệch lạc, lầm sai và thiếu hụt.
Những bài học kinh nghiệm được rút ra nhờ những sai lầm.
Những giá trị hữu ích được tạo nên nhờ những thiếu sót.
Những tri thức đúng đắn được hình thành nhờ những cứ liệu tổng thể.
Tương lai tươi đẹp chỉ được kiến tạo nên bằng những chất liệu trung thực đầy đủ của quá khứ.
Và đương nhiên, một đất nước, không thể văn minh và tử tế nếu con người ta trong xã hội ấy lại không ngần ngại để mà dối trá nhau, ngay cả với lịch sử của chính dân tộc mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét