Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017
Đất lành chim đậu, cần sổ hộ khẩu để làm gì?
Đất lành chim đậu, cần sổ hộ khẩu để làm gì?
Đăng bởi Lê Sơn on Sunday, February 26, 2017 | 26.2.17
“Bây giờ quy định có hộ khẩu thành phố mới tuyển công chức, viên chức. Trong khi trộm cướp, mại dâm, ma túy có cần hộ khẩu gì đâu cứ “vào” vô tư”.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi " Nếu cứ đòi hộ khẩu thì sao thu hút được người tài?". Ảnh: Thanhnien.vn
LTS: Vấn đề hộ khẩu đang trở thành một rào cản lớn đối với công tác tuyển dụng nhân tài đối với các địa phương.
Thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng việc này đang khiến cho nhiều tiêu cực nảy sinh như việc “chạy chọt”, nạn “cò mồi”… gây tốn kém và bất bình trong nhân dân.
Không những thế, những tiêu cực này còn làm nản lòng những người có thực tài muốn cống hiến cho đất nước.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hiện nay, các đơn vị cơ quan nhà nước khi tuyển dụng công - viên chức đều đưa ra yêu cầu hộ khẩu đối với những người muốn được tuyển dụng.
Vì thế, nó đã trở thành một rào cản lớn cho công tác tuyển dụng, cũng như đối với người xin việc.
Từ đó, dẫn đến rất nhiều những dịch vụ “cò mồi” gây ra những khó khăn, tốn kém cho những ứng cử viên khi đi xin việc ở địa phương khác.
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã hỏi Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm:
“Bây giờ quy định có hộ khẩu thành phố mới tuyển công chức, viên chức. Trong khi trộm cướp, mại dâm, ma túy có cần hộ khẩu gì đâu cứ “vào” vô tư”.
Ông còn đặt vấn đề thêm: “Hiện tại thành phố đang thiếu giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở, nhất là giáo viên công nghệ thông tin, thể dục, nhạc, họa, múa… nhưng vì vấn đề hộ khẩu, các trường cũng không tuyển đủ”.
Từ cách đặt vấn đề của ông Đinh La Thăng khiến ta nhớ đến câu nói của người xưa: “Đất lành chim đậu” nhưng rõ ràng chỉ vì cái hộ khẩu mà làm cho “chim” rất khó đậu. Nếu đậu được cũng phải trải qua rất nhiều những khó khăn.
Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm rồi nhưng chúng ta vẫn còn tư duy theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” thì việc thu hút được nhân tài về các địa phương vẫn là một câu hỏi lớn cho các nhà tuyển dụng.
Hơn 10 năm trước, khi không xin được việc ở quê nhà nên tôi đành phải nhờ một người quen xin việc vào một tỉnh phía Nam. Rào cản đầu tiên khi xin việc là cơ quan chủ quản đòi là phải có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên.
Vì không quen biết nên việc xin nhập khẩu là vô cùng khó khăn nên bắt buộc tôi phải nhờ “cò” lo việc này và đành ngậm ngùi đưa “phí” mất 10 triệu đồng.
Một điều oái oăm nữa là về quê cắt khẩu thì cũng bị gây khó dễ khi biết tôi cắt khẩu để đi xin việc. Cuối cùng phải “dúi” cho họ một số tiền cho xong để kịp với thời gian nộp hồ sơ nơi tôi xin việc.
Tôi có ông cậu ruột làm công chức nhà nước tại một tỉnh ở vùng Tây Bắc, năm ngoái đến tuổi về hưu, lúc lo hoàn thiện giấy tờ thì mới té ngửa ra giữa giấy khai sinh và hộ khẩu ở quê lệch nhau 1 năm. Vì thế, ông phải về quê để điều chỉnh giấy tờ.
Ông lên gặp cán bộ tư pháp của xã thì anh này nói việc này khó làm lắm.
Năn nỉ mãi thì anh cán bộ tư pháp nói theo kiểu ban ơn: "Em sẽ cố gắng làm cho anh nhưng anh phải lo chi phí cho lãnh đạo".
Ông cậu tôi đành phải gật đầu và hỏi giá cả thì anh cán bộ tư pháp phán giá là 5 triệu đồng.
Hai ngày sau, anh cán bộ tư pháp gọi điện báo là tối vào nhà em để lấy giấy tờ.
Sau khi cảm ơn và đưa 5 triệu đồng cho cán bộ tư pháp để chào ra về thì anh ta gãi đầu và nói: “Ớ, chứ anh không cho em đồng nào à, 5 triệu này là của lãnh đạo chứ em đâu có phần”.
Thế là ông cậu tôi đành rút ví và đưa cho anh ta thêm 500.000 đồng mới chào ra về.
Trong công tác qui hoạch cán bộ hiện nay của một số địa phương vẫn còn nhiều nơi mang tư tưởng cục bộ địa phương.
Khi qui hoạch một chức danh thì có nhiều người nhưng khi điều đi học thì vẫn chọn người địa phương.
Chính vì thế, không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh và ý chí tiến thủ của nhiều người đang công tác tại các cơ quan nhà nước.
Một điều không thể phủ nhận được là phần lớn các cán bộ, công viên chức nhà nước khi làm việc ở địa phương khác họ có ý chí phấn đấu và tiến thủ rất cao.
Bởi phần lớn họ quan niệm “thân cô, thế cô” nên không có gì quan trọng hơn là chứng minh năng lực và hết lòng vì công việc để đảm bảo cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, sự đánh giá năng lực đối với những người này không phải lúc nào cũng chính xác và công bằng.
Quay lại với những phát biểu của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh cho ta thấy rằng chuyện yêu cầu hộ khẩu khi tuyển dụng đang trở thành rào cản lớn trong quá trình phát triển đất nước và sinh ra tư tưởng cục bộ cho các địa phương.
Những thành phố, những nơi phát triển nhanh về kinh tế, xã hội luôn là mảnh đất cho những lao động có chất xám cao tìm đến.
Nếu, chúng ta cứ yêu cầu khắt khe về hộ khẩu sẽ làm cho họ nản chí và vô hình trung lại là kẽ hở để cho nhiều kẻ thu lợi bất chính.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều loại giấy tờ, lắm loại thẻ như: Sổ hộ khẩu, sổ hộ tịch, giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân… đã và đang tạo nên rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Vì thế, mỗi khi đi xin việc, chuyển công tác, đi lại trên các phương tiện giao thông hay làm một thủ tục gì cứ phải xuất trình hết giấy tờ này đến giấy tờ khác.
Đặc biệt là trong quá trình thực hiện thì đôi lúc chỉ vì một sai sót nhỏ không trùng khớp trên các loại giấy tờ cũng đẩy người dân tất bật chạy hết chỗ này đến chỗ khác và tất nhiên sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí.
Bởi, một thực tế là cùng một công việc nhưng người dân “biết” thì mọi khó khăn, thiếu sót cũng trở nên nhanh chóng và nhẹ nhàng. Còn không, nhiều người bị hạch sách hết cái này đến cái khác…
Đất nước đã và đang đổi mới, chính phủ đang quyết tâm đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, đó cũng là mong mỏi của người dân.
Nếu chúng ta cứ cứng nhắc với những thủ tục như cách đây hàng mấy chục năm trước không chỉ cản trở sự phát triển của đất nước mà còn gây ra những khó khăn tốn kém vô cùng cho người dân.
Nguyễn Cao
(GDVN)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét