Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Vì sao Việt Nam bị đề nghị ‘tái hòa nhập’ CPC?


Vì sao Việt Nam bị đề nghị ‘tái hòa nhập’ CPC?

Đăng bởi Elvis Ất on Wednesday, March 1, 2017 | 1.3.17




Để gặp được phái đoàn châu Âu, các tổ chức xã hội dân sự VN đã phải bí mật, vì luôn bị công an ngăn chặn.Ảnh: Defend The Defenders

Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Sau hàng loạt báo cáo lên án chính quyền CSVN vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng của các tổ chức Ân xá quốc tế, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế, Ủy ban Bảo vệ ký giả không biên giới, tổ chức Phóng viên không biên giới…, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vừa công bố bản báo cáo mang tựa đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Đánh giá việc đưa vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) 10 năm sau khi rút tên”.


Bằng chứng mới nhất về vi phạm nhân quyền vừa lộ ra vào tháng 2/2017, khi một phái đoàn của Tiểu Ban Phụ Trách Về Nhân Quyền của Nghị Viện Châu Âu đã bị chính quyền và Bộ Công an từ chối thẳng thừng việc cho phép thăm hỏi Hòa thượng Thích Quảng Độ (đang bị một hình thức giam lỏng ở Sài Gòn), và một số tù nhân lương tâm. Sự hài hước đến quá mỉa mai là phái đoàn của Liên minh châu Âu chỉ được thăm… các cơ quan chính quyền Việt Nam.


Sau chuyến thị sát về nhân quyền ở Việt Nam, nhiều thành viên của phái đoàn Nghị viện châu Âu đã lộ rõ thái độ hoàn toàn không hài lòng, thậm chí giận dữ trước cách hành xử ngày càng bất chấp của chính quyền Việt Nam. Cách hành xử ấy lại càng trở nên cực đoan, trong bối cảnh mà Việt Nam chỉ còn biết trông chờ Hiệp định tự do thương mại với EU, sau khi Hiệp định TPP đã gần như tan vỡ.


Nhưng khác với tâm thế có vẻ khá bàng quan vào những năm trước, lần này giới nghị sĩ EU đặc biệt quan tâm đến nhân quyền, và nói thẳng với giới quan chức Việt Nam là sẽ rất khó để Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, nếu Việt Nam không hề cải thiện về quyền con người.


Không phải ngẫu nhiên mà vào giữa năm ngoái, Nghị viện EU đã đưa ra một bản văn nghị quyết lên án chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền với lời lẽ nặng nề chưa từng có.


Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng. Riêng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn bị đàn áp nặng nề. Công an thẳng tay đánh đập không chỉ tín đồ mà cả giới tu sĩ của các tôn giáo ly khai như Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công giáo Dòng chúa Cứu thế và Công giáo ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Tin Lành…


Trong năm 2016, chính quyền Việt Nam đã cưỡng chế giải tỏa trắng chùa Liên Trì – một trong số hiếm hoi cơ sở tôn giáo còn lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đến đầu năm 2017, chính quyền lại đang âm mưu giải tỏa nhà thờ và dòng tu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm ở Sài Gòn, bất chấp lời can ngăn của một số đại sứ quốc tế như Canada, Hoa Kỳ…


Tất cả đều cho thấy chính sách dỡ bỏ CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là… sai lầm.


Được hưởng lợi đáng kể từ việc thoát khỏi CPC, sau đó Việt Nam còn được chấp thuận trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007. Trong vài ba năm sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã “chung vui” cùng chế độ bằng những chiến dịch đầu cơ kinh hoàng, mang lại vô số tiền bạc cho lớp đại gia đầu cơ và giới quan chức tham nhũng chính sách. Nhưng đồng thời từ năm 2008 đến nay, chính quyền CSVN lại gia tăng bắt bớ người bất đồng chính kiến. Chỉ riêng hai năm 2011 và 2012 là “cao điểm”, số người bất đồng bị bắt hàng năm đã lên tới gần năm chục.


Lê Dung


(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét