Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

‘Người Việt hạnh phúc top 4’: Độc giả phản hồi Indochina Research ra sao?


‘Người Việt hạnh phúc top 4’: Độc giả phản hồi Indochina Research ra sao?

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, February 21, 2017 | 21.2.17



Bài phản hồi của Indochina Research (IR) đối với bài viết của TS. Phạm Chí Dũng tiếp tục thu hút nhiều phản hồi trên đài VOA. Đa phần đều bày tỏ sự phẫn nộ trước kết quả nghiên cứu này của IR.



Đây là những người Việt "hạnh phúc thứ 4 trên thế giới" !



Người Việt không phải 700 người ở đô thị lớn


Với luận cứ nông dân chiếm 70% dân số và 50% lực lượng lao động trong xã hội, bạn Quang Hoàng cho rằng, muốn thống kê một cách chính xác theo tiêu chí hạnh phúc hay bất hạnh, lạc quan hay bi quan thì IR cần phải tiến hành ở những miền quê hay tỉnh thành nhỏ. Bởi nếu thăm dò về an sinh người dân mà chỉ hỏi tại Hà Nội và Sài Gòn là hoàn toàn sai. Độc giả Minh Đức đồng tình bày tỏ, bởi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có kinh tế khá và thu nhập cao hơn các vùng khác trong nước thì dân nhìn cuộc sống có thể khác với dân các vùng khác. Nếu muốn có sự chính xác thì cần hỏi người dân rải rác ở khắp các vùng trong nước kể cả các vùng nghèo, kinh tế yếu kém, các vùng xa, kém phát triển. Còn tại thành phố chính quyền tương đối tôn trọng dân hơn ở các vùng xa. Người dân ở các vùng xa có thể bị chính quyền đối xử hà khắc, tệ hại hơn là ở thành phố lớn. Yếu tố này đã làm sai lệch rất nhiều kết quả khảo sát.


Chia sẻ quan điểm với độc giả Quang Hoàng, phản hồi từ độc giả Phuoc đã nhấn mạnh, việc thực hiện nghiên cứu tại 2 thành phố lớn nhất nước đã là “bằng chứng về sự phiến diện và thiếu khách quan”. Bởi đặc thù hai nơi này là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghệ gắn với mức sống cao hoàn toàn “không thể làm căn cứ đại diện cho toàn thể các vùng miền ở Việt Nam được”.


Còn người dùng Ph.D. BA. Hieu Tran Trọng thì lên tiếng “ủng hộ quan điểm” của TS. Phạm Chí Dũng, bởi theo người dùng này, dù nghiên cứu của IR có lý luận, đúng quy trình đi nữa thì “kết quả chỉ phản ánh được mức độ hạnh phúc của nhóm rất nhỏ trong 94 triệu dân Việt”. Cũng theo ông Hieu Tran Trong, khảo sát và phân tích chuẩn mực phải đảm bảo tính chất ngẫu nhiên và khách quan, chứ không phải hoạch định chọn nhóm mà đã biết trước kết quả từ trước.


“Giả sử có ai đó cũng làm nghiên cứu tương tự cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, cao nguyên... nơi mà các em sinh không đủ cơm áo, đi học phải băng rừng lội suối thì mức độ hạnh phúc và lạc quan kinh tế sẽ như thế nào?,” ông Hieu Tran Trong đặt câu hỏi.


Song song đó, độc giả Lê Phong bày tỏ, IR có thể sai lầm khi đưa ra 2 lựa chọn theo kiểu Yes/No, ngay cả khái niệm thế nào là hạnh phúc, các tiêu chí nào thỏa mãn thì mới được coi là hạnh phúc cũng khó có thể làm rõ được.


Bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn đồng tình, và đặt vấn đề rằng, với cách thức làm việc “khoa học” nêu trên, thì nếu IR đặt câu hỏi với dân Mỹ, kết quả là “bét về chỉ số hạnh phúc”, trong khi tại Bắc Hàn là “quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh.








Ai cũng có lý nhưng…


Trước sự phản ứng của hai bên, người dùng Công Quốc khẳng định cả hai “đều không sai”. Theo ông, TS Phạm Chí Dũng xuất phát từ bức xúc tình hình đất nước, nợ nần không có khả năng chi trả mà kết quả đưa ra “lạc quan tếu” như vậy là sai lệch. Trong khi IR phản ứng vì bị nghi ngờ là mua chuộc. Tuy nhiên, ông Công Quốc cũng cho rằng, IR hay một tổ chức quốc tế nào mà muốn khảo sát (phỏng vấn dân Việt về vấn đề nào đó) thì “nên trắc nghiệm kiến thức cơ bản” (về tình hình kinh tế – chính trị) của người được khảo sát hoặc mức độ mị dân của Chính phủ sở tại.


Ông Công Quốc đặt ra giả thuyết, nếu như IR có hỏi 1 triệu người, nhưng 1 triệu người đều bị nhồi sọ, thì dù Việt Nam có sắp bị sụp đổ tài khóa, “dân Việt vẫn lạc quan nhất thế giới” là chuyện thường.


Nhận định nêu trên cho thấy rằng, nhiều độc giả bày tỏ, muốn khảo sát tại một nước phản ánh đúng tình hình nước đó, thì cần phải “nhập gia tùy tục”. Nghĩa là đảm bảo hiểu về tính cách người Việt, văn hóa người Việt, chế độ chính trị người Việt, thậm chí thu nhập – địa vị kinh tế và tôn giáo của người được khảo sát trước khi cho thấy “người Việt đang nghĩ gì”. Bởi nếu không, thì như bạn đọc Hàn Vinh Quang cho biết, khảo sát của IR sẽ rơi vào diện thiếu tinh thần khoa học lẫn thực tế. Và ở một mức độ nào đó, bản chất của kết quả khảo sát là mang mục đích tuyên truyền cho chế độ độc tài. Cũng theo bạn đọc này, nếu IR phỏng vấn tại Triều Tiên với cụm câu hỏi nêu trên, thì 100% câu trả lời sẽ là “tuyệt vời hơn cả thiên đàng”.


Bạn đọc Hai Lua mien Tay trong một phản hồi đã trào phúng rằng, kết quả trên của IR xuất phát từ 700 người được phỏng vấn là những người được “ăn uống” bởi chế độ, bao gồm: 100 Uỷ viên TƯ; 100 Ông/ bà Tướng QĐND; 100 ông/bà Tướng CAND; 200 Đại biểu QH; 200 Ông/ Bà cỡ Bộ trưởng, thứ trưởng các Bộ.


IR cần giải trình thay vì biện hộ


Một nghiên cứu hay khảo sát về xã hội – chính trị – kinh tế Việt Nam cần được nhận được sự phản biện của các tầng lớp xã hội sống tại Việt Nam. Và trách nhiệm của tổ chức khảo sát là phải giải trình thay vì biện hộ chung chung.


Trong trường hợp phản hồi của IR đối với phản biện của TS. Phạm Chí Dũng chỉ cho độc giả thấy về lời tự giới thiệu tổ chức này; nhấn mạnh là đã sử dụng “phương pháp khoa học, độc lập” và cụm câu hỏi dùng để khảo sát 700 người Việt, tuyệt nhiên không hề thấy bất kỳ sự giải trình phương pháp; quy tắc; đối tượng khảo là như thế nào.


Độc giả Hải Trịnh thừa nhận là “thất vọng” với cách mà IR phản hồi, bởi độc giả này mong đợi một bài phản biện chất lượng khoa học cao. Tuy nhiên, “kết quả thất vọng vì chỉ nêu con số% người trả lời mà không nêu rõ những quy tắc thống kê chọn mẫu căn bản như: Số lượng người tham gia; Sự đa dạng của tầng lớp xã hội Thu nhập, học vấn, mức độ tiếp xúc thông tin xã hội, tôn giáo, đảng phái...”. Điều này cho thấy, phản biện của IR chỉ cho có “lệ” mà thôi, không khác gì “biện hộ”.


Một số độc giả khác phê phán cách trả lời đầy “ngụy biện” của IR đối với TS. Phạm Chí Dũng, theo độc giả Lâm, ngoài mẫu thử của IR quá nhỏ (700) thì thực tính nhóm (nghề nghiệp, độ tuổi) đều không được đưa ra. Nếu thế thì kiểu đánh giá xếp hạng này là tồi tệ nhất mà một Tổ chức mang danh quốc tế có thể làm.


Trong lúc đó, một số độc giả như Nguyễn Lộc lại đặt vấn đề với IR cần phải làm sáng tỏ cách thức làm việc độc lập và khoa học với việc công bố các yếu tố như sau: (1) Tổ chức nào cung cấp budget cho nghiên cứu của VN?; (2) Báo cáo đầy đủ (Full report) có công bố online hay không?; (3) Phép thống kê, số lượng mẫu chia làm hai loại: P (population), và S(Sample), khi số lượng người phỏng vấn nhỏ, thì n là S, nghĩa là không đại diện cho Population.


Ngoài ra, người dùng này chia sẻ với IR về số lượng mẫu, ông cho biết, 700 người chia cho độ tuổi từ 18-64 là quá lệch pha. Nếu thu hẹp độ tuổi xuống còn 20-25 hoặc 25-30 kết quả sẽ phản ánh chính xác hơn.


Bên cạnh đó, nhiều độc giả tỏ ra bức xúc khi IR tìm cách lờ đi các số liệu và quan điểm các vị học giả mà TS. Phạm Chí Dũng đã dẫn ra.


“Mưa chuộc” có thể?


Liên quan đến nghi vấn của TS. Phạm Chí Dũng liệu rằng, IR có bị “chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để mua” kết quả có lợi?


Đáp lại, IR cho rằng, tổ chức này từ chối tất cả những bình luận không có căn cứ, không có lý luận khoa học. Tuy nhiên, độc giả Minh Đức lại đặt câu hỏi về vấn đề này. Thế nào là thăm dò ý kiến một cách khoa học? Vì một tổ chức muốn tiến hành thăm dò/ khảo sát xã hội Việt Nam phải “xin phép nhà nước Việt Nam”. Và để tránh những rủi ro trong việc khảo sát rơi vào nhóm người đấu tranh nhân quyền hay cựu tù nhân lương tâm, “nhà nước sẽ kiểm soát danh sách phỏng vấn”. Điều này trái ngược với nguyên tắc bình đẳng trong phỏng vấn đối tượng mẫu. Ngay cả khi phỏng vấn thì với tâm lý sợ sệt người Việt, họ sẽ tìm cách biểu lộ hoặc né tránh các câu trả lời mang tính bất lợi cho bản thân.


Độc giả Minh Đức dẫn chứng, trường hợp nêu trên không phải là suy đoán vô căn cứ, mà nó đã diễn ra tại Nga – một mô hình dân chủ giả hiệu trên thế giới. Chính vì vậy, phương pháp tuy được xem là khoa học ở xứ tự do, nhưng khi nó áp dụng ở một nhà nước độc tài, nó đã không còn là khoa học nữa là vì vậy.


Thậm chí, độc giả “Tiến sĩ Việt” lên tiếng “đồng tình” với nhận định của TS. Phạm Chí Dũng về tình trạng thiếu minh bạch, kết quả của IR là kết quả tốt tuyên truyền một chiều cho phía nhà nước.


Một số độc giả khác như Tâm Thành lại đề cập đến việc, tại sao IR lại không mở rộng vùng khảo sát để đảm bảo tính “khoa học” của mình mà lại tập trung tại hai trung tâm lớn? Điều này nó không khác gì việc trước năm 1975, nhóm nhà báo – phóng viên chỉ co cụm tại Sài Gòn để nhận tin hoặc “hóng tin” tại quán café thay vì chạy ra chiến trường. Hệ quả là, tin tức không phản ánh đúng thực tế.

Kết


Như vậy, sự phản hồi của IR chỉ cho thấy sự “cay cú” và thiếu minh bạch, lẫn trách nhiệm của một tổ chức tự cho rằng “độc lập và khoa học” trước kết quả của mình. Và theo sự khuyến dụ của nhiều độc giả, thay vì tiếp tục trình bày sự thiếu nghiêm túc, sơ cứng trong phản hồi ý kiến đối với các tiếng nói phản biện thì IR cần tham khảo các nghiên cứu về dư luận xã hội, trong đó đáng chú ý là các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như WB, UNDP, ADB, Oxfam, USAID với số lượng mẫu lên đến 10 ngàn người trải dài khắp tỉnh thành Việt Nam, được kiểm tra định kỳ.


IR là thành viên của WIN/Gallup, WIN/Gallup tốt chưa chắc IR cũng tốt như mẹ, và với cách làm thiếu khoa học, minh bạch thì IR sẽ làm giảm độ uy tín của chính tổ chức mẹ, nhiều độc giả cảnh báo.


Anh Văn


(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét