Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017
FTA giữa EU và Việt Nam phải có ràng buộc nhân quyền
Phạm Chí Dũng - FTA giữa EU và Việt Nam phải có ràng buộc nhân quyền
Đăng bởi Lê Sơn on Monday, February 20, 2017 | 20.2.17
Khi lâu đài cát sụp đổ thảm hại
Đã hơn một năm trôi qua tính từ thời điểm Tháng Mười Hai, 2015, khi Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) giữa Liên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam được ký kết chính thức. Nhưng điều “kỳ lạ” là mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Nền kinh tế cùng chân đứng chế độ Việt Nam cũng bởi thế chưa được hưởng lợi thêm chút nào.
Vào đầu năm 2017, một lần nữa, việc triển khai FTA giữa EU và Việt Nam được đặt ra giữa hai bên. Nhưng vào thời gian này, hoàn cảnh đã khác biệt nhiều so với một năm trước.
Một năm trước, chính thể độc đảng Việt Nam vẫn còn say men chiến thắng với kết quả “tôi bất ngờ” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại Hội 12, tiếp đó giới chóp bu Việt Nam chuẩn bị tiếp đón Tổng Thống Mỹ Barack Obama, chắc mẩm Hiệp Định TPP sẽ chỉ còn một sớm một chiều là được thông qua và Việt Nam sẽ nghiễm nhiên có được một suất trong bàn tiệc đứng này.
Nhưng gần cuối năm 2016, tình hình đột ngột chuyển xấu cho giới lãnh đạo Việt Nam. Chiến thắng như thể động đất của ông Donald Trump và tuyên bố rút khỏi TPP của người Mỹ khiến lâu đài cát mang tên “TTP Vietnam” sụp đổ thảm hại. Mơ mộng cũng bởi thế chỉ còn vương lại dấu ấn của nỗi hoang tưởng siêu hình học.
Bây giờ, Việt Nam chỉ còn biết trông chờ vào EU. Cho dù ngay sau khi TPP tan vỡ và ông Trọng vẫn kiên định “triển vọng phát triển còn tốt lắm,” còn giới quan chức Việt vẫn khăng khăng tuyên giáo “còn đến 16 hiệp định thương mại đang hứa hẹn,” nhưng trong thực tế chỉ còn mỗi FTA với EU là còn hy vọng về món lợi lớn nhất cho Việt Nam, nếu phải so sánh với FTA với Nam Hàn – quá trình đàm phán về cả hành tỏi ớt, nhưng khi đi vào thực hiện mới bộc lộ những bất lợi cho phía Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam chỉ còn hy vọng chủ yếu vào FTA với EU – thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và luôn giúp Việt Nam xuất siêu đến $20 tỷ hàng năm chứ không phải luôn nhập siêu đến $30 tỷ mỗi năm như thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Vị thế của thị trường EU sẽ càng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hàng Việt xuất đi thị trường Mỹ đang gặp phải rào cản đáng kể về giám định chất lượng (cá, tôm, gạo), và có thể nền kinh tế Mỹ sẽ gặp phải suy thoái nhẹ trong vài năm tới dẫn tới việc hạn chế nhập cảng từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nhưng vì sao lại có chuyện FTA giữa EU và Việt Nam bị “ngâm” đến cả năm qua, dù phía Việt Nam hết sức mong đợi và luôn cổ vũ cho hiệp định này? Phải chăng có một nguyên nhân đủ lớn đã tác động đến sự chậm chạp này? Nguyên nhân đó là gì?
“Chuyển giao” vai trò giám sát nhân quyền
Trong thực tế, Nghị Viện Châu Âu giám sát hoạt động của các cuộc đàm phán về thương mại giữa EU với Việt Nam. Nhưng không chỉ thương mại, mà còn cả nhân quyền.
Vị trí của vấn đề nhân quyền ngày càng lớn trong các thỏa thuận thương mại tự do. Không phải vô cớ mà vào giữa năm 2016, ngay sau vụ có đến 6/15 khách mời của ông Obama bị công an Việt Nam thẳng tay chặn không cho đến gặp tổng thống Mỹ ngay tại Hà Nội, Nghị Viện Châu Âu đã phát ra một bản nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với lời lẽ nặng nề chưa từng có.
Từ giữa năm 2016, đã xuất hiện những dấu hiệu khởi động cho một cuộc “chuyển giao” về đối thoại, đàm phán và giám sát nhân quyền từ Mỹ sang EU đối với chính quyền Việt Nam. Trong thực tế từ đó đến nay, vai trò đàm phán nhân quyền của Mỹ đối với Việt Nam đã giảm dần, và vào cuối năm 2016 cũng không diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nào như trước đây vẫn thường tiến hành hai lần mỗi năm.
Trong khi đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Pháp Francois Hollande vào nửa cuối năm 2016 lại được điểm xuyết bằng một yêu cầu của Pháp đối với Việt Nam về việc cần trả tự do cho bốn tù nhân chính trị. Cho đến đầu năm 2017, Bộ Công An Việt Nam “bất ngờ” thả theo hình thức tống xuất sang Pháp một tù nhân chính trị, ông Đặng Xuân Diệu.
Còn bây giờ, khi đã lãnh trách nhiệm được “chuyển giao” từ Mỹ về giám sát nhân quyền Việt Nam, EU cần có hành trang nào cho những cuộc đàm phán đầy tính trả treo và căng thẳng trong thời gian tới?
Những bài học kinh nghiệm từ người Mỹ
EU cần rút kinh nghiệm vài bài học sâu sắc từ Mỹ trong chính sách nhân quyền đối với chính quyền Việt Nam:
Vào năm 2007, Việt Nam được Mỹ đưa ra khỏi danh sách CPC (các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) và được tham gia vào tổ chức thương mại thế giới, nhưng sau đó Việt Nam bắt bớ trở lại rất nhiều người bất đồng trong suốt giai đoạn 2008 – 2012 và những năm sau đó.
Từ cuối năm 2016 cho tới nay, sau khi TPP hầu như không còn hy vọng, công an Việt Nam thoải mái sách nhiễu và bắt bớ nhiều nhà hoạt động nhân quyền.
Năm duy nhất mà Việt Nam nhân nhượng thả đến 12 tù nhân lương tâm là năm 2014, khi có tín hiệu hy vọng để Việt Nam tham gia TPP.
Chính sách mềm mỏng có phần thái quá của Mỹ, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của nền hành pháp Obama, rốt cuộc đã chỉ giúp Mỹ và giới dân chủ nhân quyền Việt Nam đạt được một số thành tích rất khiêm tốn. Hậu quả quá dễ thấy là vào bất kỳ thời gian nào mà quan hệ Việt – Mỹ trở nên lạnh nhạt, mà gần nhất là khoảng thời gian cuối năm 2016 – đầu năm 2017, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Kết luận: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền. Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi.
EU có thể làm gì?
Cần lưu ý rằng hơn lúc nào hết, giờ đây chính quyền Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn kinh khủng: TPP tan vỡ; nợ xấu ngân hàng ít nhất $25 tỷ (khoảng 13% GDP), nợ công quốc gia lên tới $430 tỷ (210% GDP); trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la mỗi năm; ngân sách có nhiều dấu hiệu cạn kiệt và có thể sẽ không cầm cự được hết năm 2018; kiều hối và đầu tư nước ngoài đang giảm sút; không còn nguồn tiền mới để phát triển. Về mặt xã hội, phản kháng của dân chúng tăng vọt. Về mặt nội bộ đảng, đấu đá tranh giành quyền lực đã đến mức không khoan nhượng và phát triển tình trạng cát cứ. Toàn bộ những biểu hiện này báo hiệu trước một cơn khủng hoảng kinh tế lẫn khủng hoảng chính trị – xã hội trong tương lai gần.
Cuối năm 2016, cả Quốc Hội lẫn tổng thống Mỹ đồng loạt thông qua Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu về chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền trầm trọng, trong đó có giới quan chức Việt Nam. Đây chính là một đòn bẩy đắc dụng để trợ giúp cho các cuộc đàm phán về nhân quyền của EU với chính quyền Việt Nam.
Từ tình hình trên, đầu năm 2017 chính là thời điểm mà EU hoàn toàn có thể cứng rắn để đàm phán và tuyên bố rằng:
-Chính quyền Việt Nam muốn có được FTA với EU thì phải đáp ứng các điều kiện cải cách thể chế về nhân quyền và mở rộng dân chủ.
-Kết quả thực hiện nhân quyền của chính quyền Việt Nam sẽ là cơ sở để EU quyết định những kết quả về thương mại giữa EU và Việt Nam. Lộ trình FTA của EU sẽ phải song song và gắn chặt với lộ trình thực hiện nhân quyền của chính quyền Việt Nam.
Những nội dung và lộ trình cải cách cụ thể về nhân quyền và dân chủ
Với vị thế không quá khiêm nhường của mình, vào lúc này EU hoàn toàn có thể cứng rắn để đàm phán và đưa ra những điều kiện đối với chính quyền Việt Nam như:
-Quốc Hội Việt Nam phải ban hành Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội ngay trong năm 2017 với những nội dung thuận lợi cho tự do biểu tình và lập hội chứ không phải thiên về quản lý và áp đặt các điều kiện siết bức các quyền tự do.
-Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải công nhận xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt công nhận quyền tự do báo chí với tổ chức đại diện cho quyền này là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
-Công an Việt Nam phải chấm dứt ngay lập tức các hành vi theo dõi, triệu tập trái phép, bắt cóc, đánh đập, bắt giam người hoạt động nhân quyền và người hoạt động tôn giáo.
-Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho 30% số tù nhân chính trị (tức khoảng 30 người trong tổng số khoảng 100 tù nhân chính trị hiện nay). Những tù nhân chính trị còn lại sẽ phải được trả tự do trong hai năm sau đó (2018 – 2019).
-Năm 2017, việc tài trợ của EU cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam sẽ không phải hỏi ý kiến của chính quyền Việt Nam. Một phần đáng kể của tài trợ dự án từ EU sẽ được hỗ trợ cho xã hội dân sự độc lập để có được những kết quả thực tế về dân quyền, thay vì chỉ đổ vào khối hội đoàn nhà nước vừa kết quả thấp vừa quá dễ bị tham nhũng.
-Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam phải ban hành Luật Tự Do Báo Chí và Luật Xã Hội Dân Sự.
-Chính quyền Việt Nam phải xây dựng ngay lộ trình thực hiện các điều kiện nhân quyền trong năm 2017 và trong ít nhất hai năm sau đó (2018 – 2019) song song với lộ trình triển khai FTA với EU và nhận viện trợ từ EU.
-Từ năm 2018 trở đi, chính quyền Việt Nam phải cam kết sẽ cải cách thể chế theo hướng tam quyền phân lập.
Phạm Chí Dũng
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét