Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016
Việt nam: Sự chi phối của lợi ích nhóm đối với bộ máy nhà nước
Việt nam: Sự chi phối của lợi ích nhóm đối với bộ máy nhà nước
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2016 | 13.5.16
Sau khi cố gắng thoát khỏi cái bóng ma của kinh tế chỉ huy cách đây khoảng 30 năm, Việt Nam xuất hiện như một quốc gia có những bước phát triển đáng kể về kinh tế. Nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa đi kèm, rõ ràng những gì Việt Nam đạt được hoàn toàn nhờ vào kinh tế thị trường hơn nhờ vào tính “ưu việt” của kinh tế xã hội chủ nghĩa mang lại.
Cũng từ đó, các thành phần kinh tế trong một xã hội mở bắt đầu lao mình vào cơn lốc kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Trên con đường thênh thang của “quốc doanh là chủ đạo”, các đại công ty nhà nước lập ra mang dấu ấn đầy hào quang của một nền công nghiệp hiện đại tưởng chừng đang lấp ló trước mắt các nhà lãnh đạo CSVN.
Lợi ích cục bộ thu vén được từ những đại công ty đã kích thích các sân sau của các lãnh đạo chen chân trong mọi ngành nghề kinh doanh lớn nhỏ. Kết hợp với quyền lực chính trị, họ tìm cách xích lại gần nhau hoặc phân chia các khu vực béo bở của nền kinh tế vừa khởi sắc. Tất cả đua nhau bòn rút, làm giàu nhanh chóng, chìm đắm trong lợi nhuận phi pháp.
Từ đó “lợi ích nhóm” hình thành bởi các doanh nhân thời đại mới, núp đàng sau các bố già là những ủy viên Bộ chính trị đang chi phối từng lãnh vực như điện lực, giao thông, xây dựng, ngân hàng, thực phẩm. Mỗi nhóm lấy lợi ích của nhóm mình làm mục tiêu lớn nhất để hành động.
Điều tai hại thấy trước mắt là lợi ích của đất nước bị bỏ qua như một chuyện đương nhiên. Nhìn chung bộ máy kinh tế có vẻ chạy đều từ trên xuống dưới, nhưng thực ra nó bị chi phối nặng nề bởi những đầu tàu mờ ám mà người ta gọi là lợi ích nhóm.
Những thế lực kinh tế này càng ngày càng lớn mạnh đến một lúc nào đó nó có thể chi phối cả nền chính trị đất nước, cũng chỉ vì lợi ích riêng tư của phe nhóm mình.
Tại Việt Nam, mọi người đều thấy các phe nhóm kinh doanh đều có dính líu chặt chẽ với những người đang nắm quyền lực trong tay từ trung ương tới địa phương trong đủ mọi ngành, mọi cơ quan chính phủ. Họ ra sức cấu kết nhau để có thể đủ sức nắm chặt lãnh vực hoạt động mà không sợ quyền lợi bị nhóm khác giành lấy.
Sự tác hại của lợi ích nhóm như nấm gặp mùa mưa trong 2 nhiệm kỳ thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng.
Nhóm từ “lợi ích nhóm” lần đầu tiên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vào năm 2012 khi khai triển Nghị quyết trung ương 4. Ông Trọng luôn nhấn mạnh đến việc phải loại trừ lợi ích nhóm nhưng càng mong muốn loại trừ, lợi ích nhóm càng lớn mạnh và mức độ trầm trọng càng tăng cao. Không ít lần trong các hội nghị trung ương trước đây, lợi ích nhóm đã tác động mạnh mẽ khiến Ban chấp hành trung ương đi ngược lại chiều hướng của Bộ Chính Trị.
Người ta cũng có thể nhìn thấy nó xâm nhập vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Sự móc ngoặc ăn chia giữa cán bộ có chức quyền và doanh nhân trở nên công khai. Tài sản quốc gia, vốn đầu tư các dự án nhà nước bị phù phép lọt vào tay lợi ích nhóm, biến thành khối tài sản phi pháp khổng lồ của quan tham và tầng lớp đại gia đỏ mới xuất hiện.
Cùng với tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm như một cặp song sinh tung hoành để lại những khoản lỗ và sự thất bại ê chề của các đại công ty xử dụng vốn đầu tư nhà nước mà cuối cùng chính người dân phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Xuân Phúc
Mới đây trong hai ngày 4 và 5 Tháng 5, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và dàn lãnh đạo mới của chính phủ đã trình diện báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ đầu tiên của mình. Đây là thời gian mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp nhiều thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, từ vụ cá chết hàng loạt ở bờ biển Miền Trung đến nạn khô hạn ở Miền Tây và vùng Cao Nguyên Trung Phần.
Thừa hưởng một ngân sách cạn kiệt và núi nợ công càng ngày càng phình to, bóng ma của các “lợi ích nhóm” tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế vốn đã èo uột trong những năm tháng cuối cùng của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Cảm thấy không thể khoanh tay để bị xỏ mũi,trong phiên họp đầu tiên này ông Nguyễn Xuân Phúc cũng muốn thể hiện mình “có đủ bản lĩnh”, chứ không phải là một thủ tướng kém nổi bật như lời đồn đoán.
Ông đã mạnh miệng yêu cầu các thành viên chính phủ phải “làm gương” về đức tính liêm chính, một điều hiếm thấy trong hàng ngũ của những đày tớ nhân dân ngày nay. Ông Phúc còn tỏ ra can đảm khi nói thẳng ra rằng “Thủ Tướng và các Phó Thủ Tướng không thể ký” những văn bản mà ông cho là bị chi phối bởi lợi ích nhóm được xếp đặt trước. Không ai ngạc nhiên về lời tuyên bố này của ông Phúc vì nó cũng chỉ xác nhận hai điều:
Thứ nhất, trong suốt gần 10 năm của triều đại Nguyễn Tấn Dũng, các văn bản ký ra đều bị các lợi ích nhóm ảnh hưởng. Điều này có thể chứng minh qua tình trạng chi tiêu hoang phí, sự sụp đổ của các đại công ty, hệ thống ngân hàng nằm trong tay các đại gia liên hệ mật thiết với trung ương đảng trong mục đích rửa tiền và thao túng nền kinh tế theo chiều hướng có lợi nhất cho nhóm của mình.
Thứ hai, lợi ích nhóm hiện nay đang là một thế lực chi phối mạnh mẽ trong guồng máy hành chánh. Nó không hề vắng mặt trong bất cứ hoạt động nào của chính phủ thời kỳ sau Nguyễn Tấn Dũng. Nó cho người ta thấy cái bóng của Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn ám ảnh và qua các đàn em cũ, phần nào uy thế của Dũng vẫn còn mạnh, ít nhất là trong thời gian chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn ngụp lặn dưới cửa biển Vũng Áng.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên Sông Hồng kết nối với Trung Quốc chưa được ông Nguyễn Xuân Phúc phê chuẩn.
Đó là lý do cắt nghĩa vì sao trong thời gian này, Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo buộc Nguyễn Xuân Phúc không được ký những văn bản nào làm lợi cho phe Nguyễn Tấn Dũng. Cũng chính vì vậy mà ngày 9 Tháng 5 vừa qua, Nguyễn Xuân Phúc chưa chịu phê chuẩn “Siêu Dự án Sông Hồng”, tức Dự án xây dựng tuyến giao thông đường thủy xuyên Á mà vốn đầu tư ban đầu lên đến 1,1 tỷ đô-la.
Rõ ràng trong bộ máy nhà nước hiện nay, ảnh hưởng của Nguyễn Tấn Dũng còn quá lớn. Liệu lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc một lần nữa có bị bán rẻ bởi các thế lực chính trị đen tối được thúc đẩy bởi đồng tiền của lợi ích nhóm?
Phạm Nhật Bình
(CTM)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét