Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Tấm vé cho chuyến tàu thịnh vượng cuối cùng!!!


Lãng - Tấm vé cho chuyến tàu thịnh vượng cuối cùng!!!

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 24 tháng 5 năm 2016 | 24.5.16






Vậy là tổng thống mỹ Barack Obama đã kết thúc hành trình của mình ở Hà Nội. Ông sẽ có một ngày làm việc tại thành phố lớn nhất Việt Nam, cũng là nơi mà di sản của nước Mỹ còn nhiều nhất, đó là Sài Gòn (cách gọi đối với người Mỹ trước năm 1975), hay TP Hồ Chí Minh (Theo tên gọi chính thức về mặt hành chính hiện nay). Sau đó Obama sẽ rời Việt Nam để ghé thăm một đồng minh trọng yếu nhất của nước Mỹ là Nhật Bản.


Obama là tổng thống đương nhiệm thứ ba của nước Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Cũng giống như ông Bin Clinton, Obama chỉ ghé Việt Nam khi nhiệm kỳ của mình đã trong những ngày cuối cùng. Ông Bush đã ghé Việt Nam trong một chuyến thăm khi ở giữa nhiệm kỳ vào năm 2006, tuy nhiên, thực ra ông đã đến Việt Nam vì đằng nào ông cũng phải tham gia hội nghị APEC, thời điểm đó do Việt Nam tổ chức.


Nếu nhìn lại lịch sử đầy bão táp trong quan hệ hai nước, có thể nói những chuyến thăm của ba đời tổng thống Mỹ trong thời bình đến Việt Nam (Có hai tổng thống khác đã đến miền nam Việt Nam trước năm 1975), đều là những dấu ấn quan trọng trong sự hàn gắn quan hệ song phương. Tuy nhiên, việc các tổng thống Mỹ chỉ dành những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình (Clinton 2000, Obama 2016) hoặc tranh thủ dự một hội nghị (Bush 2006) cho thấy trong mối quan tâm của nước Mỹ, Việt Nam xếp ở hàng thứ yếu. Thậm chí ông Obama còn ghé thăm Campuchia vào năm 2015, thời điểm ông vẫn còn đang có khả năng định hướng các chiến lược ngoại giao của nước Mỹ.


Dù vậy thì quan hệ Việt Mỹ vẫn có những bước tiến rất dài. Kể từ thời điểm bình thường hoá quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã đạt tới con số 41,43 tỷ USD năm 2015, trong đó Việt Nam suất siêu tới 26,03 tỷ USD, biến Mỹ thành đối tác sinh lợi hàng đầu và quan trọng nhất của Việt Nam. Có thể nói, thị trường Mỹ hiện tại đóng vai trò quan trọng số 1 trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quan hệ song phương sẽ vẫn còn tiến rất nhanh. Sau triển vọng TPP, hiệp hội doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam (AmCham) đưa ra dự báo kim ngạch thương mại song phương sẽ lên đến 80 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, phần thặng dư vẫn nghiêng gần như tuyệt đối về phía Việt Nam.


Không thể nghi ngờ gì, mối quan hệ với Mỹ sẽ tiếp tục là một cầu nối quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới và với cả sự thịnh vượng.


Tháng 9/2015, khi thỏa ước TPP vẫn còn đang trong quá trình đàm phán với nhiều khó khăn, tôi có viết một phân tích về quan hệ song phương Việt Mỹ và đánh giá các vấn đề về chiến lược của mỗi nước. Tiêu đề của nó là "Việt Nam - Hoa Kỳ và sự dịch chuyển của dòng quyền lực Á Châu" https://www.facebook.com/notes/lang-anh/việt-nam-hoa-kỳ-và-sự-dịch-chuyển-quyền-lực-á-châu/10203321422676370 . Ở thời điểm này nhìn lại, nhiều nhận định trong bài viết ấy vẫn còn nguyên giá trị.


Ông Obama đến Việt Nam trong những ngày nắm quyền cuối cùng không phải để khởi đầu cho những chính sách ngoại giao mới giữa hai nước. Mà ông đến để củng cố những gì ông đã định hình trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của mình. Hiệp định khung TPP là một di sản quan trọng của Obama đối với Việt Nam và thế giới. Tất nhiên nó sẽ còn phải chờ được phê duyệt tại quốc hội mỗi nước, sẽ có nhiều khó khăn, nhưng đó là tiến trình không đảo ngược. Mặt khác, ông đến để tuyên bố món quà mà người Việt Nam chờ đợi từ lâu: "Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương" - rào chắn cuối cùng của lịch sử đối với quan hệ hai nước. Trong những ngày nắm quyền cuối cùng, Obama đến Việt Nam để mở nốt những ô cửa cuối cùng còn khép giữa hai bên. Dù rằng câu nói "Save the best for last" (Để điều tốt nhất cho cuối cùng) là một câu nói đầy tính ngoại giao, nhưng thiện chí của Obama và nước Mỹ đối với Việt Nam là không thể phủ nhận.


Tôi muốn nhấn mạnh rằng những cơ hội nước Mỹ giành cho Việt Nam là cực kỳ quan trọng để xây dựng một đất nước cường thịnh và giữ được chủ quyền. Nước Mỹ không tặng không ai cái gì. Họ cho cơ hội, nhưng có nắm được cơ hội đó hay không thì phụ thuộc vào những nỗ lực của chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam. Có thoát được sự lệ thuộc kinh tế với người Tàu hay không, mấu chốt nằm ở chuyến tàu TPP mà Việt Nam được ưu ái tham gia dù là quốc gia lạc hậu nhất về mọi mặt, gồm cả kinh tế lẫn thể chế chính trị độc tài.


Tôi tin rằng chuyến thăm của tổng thống Obama là một cú hích quan trọng với Việt Nam. Đây là chuyến tàu hướng tới sự thịnh vượng và độc lập cuối cùng của Việt Nam. Nếu đất nước này bỏ lỡ, lịch sử sẽ chất vấn những người đang nắm quyền. Ngay lúc này, thế hệ lãnh đạo tại nhiệm của Việt Nam cần ý thức trách nhiệm của họ trước đất nước và dân tộc. Cần có những cải cách mạnh mẽ về thể chế chính trị, để tạo cú hích cho nền kinh tế. Nếu làm được, họ sẽ là anh hùng, nếu tiếp tục đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi quốc gia, thì rồi họ và con cháu họ sẽ phải trả lời với lịch sử.


Ở một phương diện khác, những chuyến thăm của các tổng thống Mỹ đến Việt Nam đều gợi lên một niềm hân hoan mạnh mẽ trong dân chúng. Những gương mặt đón Clinton, Bush, Obama đều mang niềm hồ bởi và mến khách, thật trái ngược với những cuộc biểu tình phản đối trong chuyến thăm gần đây của ông Tập Cận Bình. Sự hiện diện của nguyên thủ một quốc gia mạnh nhất hành tinh, với các giá trị văn minh và tự do, luôn tạo ra sự khao khát và hy vọng đối với người dân Việt Nam, dù nhiều người trong số họ đã từng cầm vũ khí trước năm 1975 và những vết thương chiến tranh vẫn chưa hoàn toàn lành vết.






Có một điều các lãnh đạo Việt Nam sẽ phải học hỏi nhiều về phong cách của tổng thống Obama. Đứng đầu một cường quốc với GDP tới 17000 tỷ USD, ông ấy bước vào một quán bún chả bình dân trên phố Lê Văn Hưu, ngồi trên một chiếc ghế nhựa không tựa lưng giá dưới 5 USD, trước mặt là một chiếc bàn inox rẻ tiền, và ăn một xuất bún chả có giá 2 USD. Dù là hành động mang tính ngoại giao hay là một phong cách gắn liền với một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới, Obama đang chứng minh vì sao ông ấy xứng đáng là lãnh đạo của nước Mỹ. Chưa bao giờ có ai trong các tứ trụ ở Việt Nam có một bữa ăn bình dân tương tự, dù họ đang lãnh đạo đất nước này. Khi sống quá xa dân, chưa bao giờ ăn những thứ người dân đang ăn hàng ngày, thì làm sao có thể hiểu và chia sẻ được những điều người dân vẫn nghĩ??? Các lãnh đạo Việt Nam nên học tập điều này, dù vì thật lòng hay vì ngoại giao. Sau những hành động tương tự, tôi tin rằng các vị sẽ biết thực tế ở đất nước này ra sao, từ đó có thể có những thay đổi trong tư duy của các vị.


Nước Mỹ mang đến cơ hội cho Việt Nam. Nhưng đó không phải món quà miễn phí. Có lên được chuyến tàu hướng tới thịnh vượng hay không, phụ thuộc vào những thay đổi trong tư duy của chính phủ và giới lãnh đạo Việt Nam. Cơ hội lịch sử này sẽ không lặp lại.


Lãng


(FB Lãng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét