VNTB- Tài liệu cũ về cuộc chiến Việt Nam *: “Tất cả khổ nạn là ở đây này”
Reply
forum, Hoài Ngọc, Tài liệu cũ về cuộc chiến Việt Nam *: “Tất cả khổ nạn là ở đây này”,VNTB
19.5.16
Hoài Ngọc
Stalin
(VNTB) - Một người bạn công tác ở Viện Hàn lâm KHXH gửi cho tôi một tài liệu gõ lại. Không phải tài liệu mật, mà là tài liệu cũ, hồi xưa in ra phát không khắp nơi, nay nằm xó góc kho sách. Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ bãi bể nương dâu rồi! Đó là cuốn sách mỏng 33 trang a4 của Nhà xuất bản Sự thật và một tờ báo Nhân Dân. Tuy nhiên với người ưa thích nghiên cứu lịch sử thì tài liệu có một giá trị nhất định. Người bạn nói với tôi “Tất cả khổ nạn của Việt Nam là ở đây này”.
Cuốn sách quan trọng mang tên “TUYÊN BỐ CỦA HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA và TUYÊN NGÔN CỦA HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN 65 NƯỚC” (xuất bản lần thứ ba ở Hà Nội 1957), gọi tắt là Tuyên bố và Tuyên ngôn của Hội nghị quốc tế cộng sản 1957. Nhà xuất bản Sự Thật trực thuộc trung ương Đảng đã xuất bản ngay sau Hội nghị.
Sau đó, báo NHÂN DÂN viết bài xã luận trịnh trọng giới thiệu hai tài liệu đó, trích vài ý chính sau đây:
CƯƠNG LĨNH CỦA CHÚNG TA
(Xã luận báo Nhân Dân ngày 24/11/1957)
Bản tuyên ngôn của Hội nghị các đại biểu các Đảng cộng sản và Đảng công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Mát - scơ - va từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 1957 đã được công bố. (…)
Báo Nhân Dân trổ tài chém gió chính trị:
Bản tuyên bố có giá trị như một bản cương lĩnh chung của các Đảng cộng sản và Đảng công nhân các nước xã hội chủ nghĩa trong thời đại của chúng ta ngày nay. Đồng thời nó cũng nêu lên những vấn đề cơ bản có tính chất nguyên tắc phổ biến đối với toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế, đối với công cuộc bảo vệ hoà bình và đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Bản tuyên bố nêu rõ nội dung căn bản của thời đại chúng ta là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, sự tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, sự tan rã tất nhiên của chủ nghĩa tư bản, khả năng bảo vệ hoà bình thế giới.
Và chém gió tiếp tục: “Ở thời đại chúng ta, sự phát triển của thế giới là do quá trình và những kết quả của cuộc thi đua giữa hai hệ thống xã hội đối lập với nhau quyết định trong bốn mươi năm qua, chủ nghĩa xã hội đã tỏ ra là một chế độ xã hội, nó vượt xa chủ nghĩa tư bản”.
Trong lúc Hà Nội ráo riết chuẩn bị đưa quân vào miền Nam, báo Nhân Dân kết luận:
“Phần cuối cùng của bản tuyên bố nêu rõ:“Hiện nay bảo vệ hoà bình là cuộc đấu tranh quan trọng nhất trên toàn thế giới”.
Quốc tế cộng sản và Hà Nội rất ưa dùng các từ ngữ đẹp đẽ màu mè như “bảo vệ hòa bình thế giới” để chuẩn bị bạo lực gây chiến.
Quốc tế cộng sản đã tuyên bố cuộc chiến tranh ý thức hệ như sau:
“Bản tuyên bố không những có tính chất chung của bản cương lĩnh chính trị mà còn là kim chỉ nam cho các Đảng cộng sản và công nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên toàn thế giới”.
(...)
Tinh thần bản Tuyên bố nhất trí với nghị quyết của Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên xô và trong một trình độ nhất định đã phát triển thêm những kết luận của Đại hội về những vấn đề nói trên.
Đối với công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc cũng như đối với công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà của nhân dân ta, bản tuyên bố có ý nghĩa cương lĩnh là vì: nó đã nêu cho chúng ta những quy luật phổ biến về cách mạng và kiến thiết chủ nghĩa xã hội.
Vì sao phải có Tuyên bố và Tuyên ngôn?
Tháng 2 năm 1956 đã xảy ra một sự kiện lịch sử quốc tế vô cùng quan trọng trong phong trào cộng sản thế giới. Đó là “Bản báo cáo mật” của N.S Khrushop, bí thư thứ nhất Đảng CS Liên Xô đọc tại Đại hội lần thứ 20. Gọi là báo cáo mật vì chỉ những đại biểu Liên Xô mới được dự phiên họp kín này. Các đại biểu của các Đoàn đại biểu ĐCS “anh em” được mời dự Đại hội cũng không được dự phiên họp đó. Sau đó, mỗi trưởng đoàn đại biểu ĐCS dự Đại hội được phát riêng một bản báo cáo, trong đó có Chu Đức trưởng đoàn của Đảng cộng sản Trung quốc, Trường Chinh là trưởng đoàn của Đảng lao động Việt Nam. Cũng cần nói thêm, lúc này Nikita Khrushop là tổng bí thư kiêm thủ tướng (từ 1953 đến 1964). Ông là người kế nhiệm Staline. Ông đọc Báo cáo mật vạch rõ hồ sơ tội ác của lãnh chúa Staline, kêu gọi chống lại tật sùng bái Staline và đưa ra đường lối “xét lại”…Tổng bí thư Nikita Khrushop người chủ trương đường lối "Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung", bị cho là đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng các dân tộc, đối lập với tư tưởng Mao Trạch Đông.Khrushop không còn tin ở thuyết dùng bạo lực lập ra chuyên chính vô sản trên toàn thế giới của Mác và Lê-nin nữa.
Báo cáo mật của Khrutshop gây hoang mang cho Đảng Liên Xô, Đảng Trung Quốc và Việt Nam.
“Chủ nghĩa xét lại” Khrushop bị các đồng chí bảo thủ ngăn cản và về sau này quyết tìm cách hạ bệ. Tuy nhiên khi Khroushop chưa thể bị hạ bệ thì Hội nghị quốc tế nói trên cố tìm cách duy trì nguyên tắc bằng cách ra hai văn bản quan trọng của họ.
Đường lối của Khrushop bị Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh lên án kịch liệt là "xét lại". Hậu quả là rạn nứt trầm trọng giữa hai nước cộng sản Liên Xô- Trung Quốc để rồi hai cường quốc này không bao giờ hàn gắn được nữa.
Hà Nội cũng ngả theo Bắc Kinh tẩy chay Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô kỳ 23 vào tháng 3 năm 1965. Thế là rõ, dù Mỹ có nhảy vào Việt Nam hay không thì TQ và VN đã quyết là làm, từ năm 1957, dựa vào hai bản Tuyên bố và Tuyên ngôn kể trên.
Vào giữa thập niên 1960, trong Đảng Lao động Việt Nam xuất hiện những người có khuynh hướng thân Liên Xô, chấp nhận chính sách xét lại của Khrushop (chủ trương chung sống hòa bình với khối Tư bản chủ nghĩa, tránh đối đầu). Nhóm ưu tú này không muốn phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam, mà cho rằng phải xây dựng nền tảng CNXH ở miền Bắc trước khi nghĩ đến đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Họ cho rằng nếu phát động đấu tranh vũ trang sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào trực tiếp tham chiến, khi đó chẳng những sẽ thất bại mà còn làm mất lòng Liên Xô. Nhóm này bị nhóm ủng hộ đấu tranh vũ trang do Lê Duẩn lãnh đạo cáo buộc là theo Chủ nghĩa Xét lại và họ bị bắt hoặc khai trừ đảng vào năm 1967. (Một trong nhũng người tiên phong CHỦ NGHĨA XÉT LẠI ở Việt Nam và trú ẩn tại Liên Xô là ông Nguyễn Minh Cần, người vừa qua đời mấy bữa nay).
Hà Nội tung ra chiến lược tuyên truyền chuẩn bị cuộc chiến miền Nam rất công phu. Nào là, ở miền Nam Ngô Đình Điệm sau đó là Mỹ ngụy đàn áp tàn bạo nhân dân yêu nước v.v.và vân vân. Nào là Ngô Đình Diệm từ chối Hiệp thương Tổng tuyển cử… Vì thế họ kích động tinh thần nghĩa khí của miền Bắc bảo vệ đồng bào miền Nam, khiến cho không khí tòng quân sôi sục lên. Cuộc xây dựng CNXH vội vã ở miền Bắc đều lấy mục tiêu chính là làm hậu phương vững chắc cho cuộc chiến miền Nam. Nhất là năm 1964 khi không quân Mỹ ném bom miền Bắc thì coi như không gì ngăn cản được cuộc chiến Ý thức hệ và Nội chiến nữa. Ít ai biết rằng hai bản Tuyên bố vàTuyên ngôn từ năm 1957 đã khẳng định quyết tâm “thống nhất đất nước” bằng mọi giá kể từ sau Hiệp định Geneva tháng 4.1954. Hai bản Tuyên bố và Tuyên ngôn trở thành cơ sở lý luận vững chắc cho mọi chiến lược của Đảng CSVN nhằm “giải quyết miền Nam” đúng hơn là “giải phóng miền Nam”. Hai văn bản đó xác định nguyên lý tuyên truyền của Đảng CSVN suốt cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975.
Chỉ sau khi hệ thống Liên Xô tan vỡ 1990, Việt Nam mới đi tìm một hệ thống lý luận “mới” để thay thế và đến giờ vẫn chưa tìm được. Trong khi chưa tìm được Tuyên bố mới thì họ tạm dùng “kiên định chủ nghĩa Mác Lê nin” để câu giờ.
* Tuyên bố và Tuyên ngôn hội nghị quốc tế cộng sản 1957
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét