Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016
Thông điệp của Tổng thống Mỹ Obama
Đặng Xương Hùng - Thông điệp của Tổng thống Mỹ Obama
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 28 tháng 5 năm 2016 | 28.5.16
Chuyến đi thăm Việt Nam 23-24/5/2016 vừa qua của Tổng thống Obama dường như chỉ là một bước tiến thêm trong quan hệ Việt-Mỹ. Bước ngoặt của quan hệ hai nước đã được đánh dấu khi Mỹ đón tiếp ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015. Lúc đó, người Mỹ đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng: Mỹ chấp nhận thể chế chính trị cộng sản ở Việt Nam.
Điều đó cho ta thấy người Mỹ đã nhìn nhận, với Mỹ, cộng sản không còn là mối lo ngại hàng đầu nữa. Để làm yên lòng giới lãnh đạo Việt Nam, thông điệp này từ đó đến nay đã nhiều lần được khẳng định lại thông qua những phát biểu và hành động của các quan chức Mỹ và của ông đại sứ Ted Osius. Rõ nhất là câu chuyện xung quanh việc ông đại sứ không muốn chụp hình với lá cờ vàng.
Lần này, Tổng thống Obama qua thăm Việt Nam, thông điệp nói trên một lần nữa được nhắc lại. Thêm vào đó, qua quan sát toàn bộ chuyến đi, ta còn thấy Tổng thống Obama muốn chuyển đi hai thông điệp khác: một là cho Trung Quốc, hai là cho người dân và giới trẻ Việt Nam.
1- Chả cần phải thông thái cho lắm mới đi đến được nhận định rằng Tổng thống Mỹ đồng ý qua thăm Việt Nam là muốn gửi đi một thông điệp cho Trung Quốc : « những đứa con hoang đàng » đang nhích dần về phía Mỹ và đã có thể có vũ khí Mỹ.
Trước chuyến đi, nhiều phân tích cho rằng khả năng gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương không nhiều, vì rằng nó có thể bị gắn với những tiến triển về nhân quyền ở Việt Nam. Thế nhưng, cho dù Mỹ thừa biết, thậm chí biết rất rõ những vi phạm nhân quyền của Việt Nam gần đây rất trầm trọng, nhưng trong chuyến đi, phía Mỹ vẫn kín đáo ghi nhận những tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam để thuận hơn, để mở lối cho việc công bố chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam. Làm như vậy, cùng một lúc Mỹ đạt hai mục tiêu, một món quà cho Việt Nam và một thông điệp cho Trung Quốc.
Ai cũng biết mục tiêu lâu dài của Mỹ khi nâng tầm quan hệ với Việt Nam, để là vừa chỉ dẫn, vừa ép buộc Việt Nam đi gần về phía thực thi nhân quyền và dân chủ hóa chế độ. Thế nhưng, trong tình thế hiện nay, Mỹ đã tạm gác vấn đề nhân quyền, dân chủ và tính chất chế độ sang một bên, đặt mục tiêu kìm hãm Trung Quốc lên trên. Những động thái của Mỹ trong vòng hai năm trở lại đây cho thấy Mỹ rất chiều theo ý của Việt Nam, không muốn để Việt Nam trong tình trạng bị quá chèn ép, rơi vào thế cô độc mà ngả và cột chặt vào với Trung Quốc.
Mỹ cũng đã cảm thấy, trang bị vũ khí cho một Việt Nam cộng sản không còn nguy hiểm với Mỹ nữa, mà ngược lại nó sẽ tăng cường thực lực quân sự Mỹ tại khu vực, để đối phó với ý đồ độc chiếm biển đông của Trung quốc.
Bằng việc dẫn ra những nhân vật anh hùng của Việt Nam trong lịch sử chống Trung Quốc, đặc biệt là việc trích dẫn « Nam quốc sơn hà » của Lý Thường Kiệt, ông Obama không những vừa muốn khích lệ lòng tự hào dân tộc, khơi dậy tâm lý chống Trung Quốc của của người dân Việt Nam, mà còn vừa gián tiếp gửi thông điệp cho phía Trung Quốc về việc Mỹ cam kết ủng hộ « tuyên ngôn độc lập » này của Việt Nam.
Cho dù, Tổng thống Obama cố « chối » là chuyến đi của ông đến Việt Nam không nhằm cổ súy Việt Nam chống lại Trung Quốc, nhưng nó lại càng làm cho người ta biết tỏng là nó y như dạng ông Nguyễn Phú Trọng, cũng tuyên bố tương tự như vậy khi đi Mỹ.
2- Người Mỹ đã trải đủ thời gian và kinh nghiệm để thông hiểu người Việt Nam. Người Mỹ thừa hiểu rằng người Việt Nam đang ở trong tình trạng hết sức bức bách. Dân chúng Việt Nam, nhất là giới trẻ đang mong đợi chuyến đi của ông như mong một phép màu nhiệm nào đó, như thể mong ông Bụt hiện ra để cứu mình qua cơn bi cực.
Ông đã hiểu tâm lý này của giới trẻ Việt Nam, nên ông vừa thể hiện nước Mỹ có thể làm những điều kỳ diệu, nhưng ông cũng đã trấn an và chuyển đi một thông điệp rõ ràng rằng: Vận mệnh của các bạn nằm trong tay các bạn. Chính các bạn mới là những người tạo ra thay đổi. Đừng chờ đợi sự thay đổi từ bất cứ ai khác. Người Mỹ luôn là bạn và sẵn sàng hỗ trợ.
Trong cả chuyến đi, ông đã gửi đi rất nhiều thông điệp bằng miệng, thông điệp bằng cử chỉ, hành động, mà tựu chung gói gọn trong một thông điệp đơn giản: Thế nào là dân chủ, giá trị của tự do và quyền con người.
Ông đã đề cập đến mọi vấn đề, mà giới lãnh đạo Việt Nam vẫn cơi là nhạy cảm, một cách khéo léo và đầy thuyết phục. Ông nói : « Khi có tự do báo chí, khi nhà báo và blogger có thể vạch ra những bất công và lạm dụng, thì quan chức buộc phải có trách nhiệm hơn và người dân có niềm tin hơn và bộ máy quản lý nhà nước mới hoạt động».
Ông đến Việt Nam ngay trong ngày bầu cử quốc hội và ông đã chỉ ra sự cần thiết của một cuộc bầu cử thật sự tự do và công bằng. « Khi các ứng cử được tự do tranh cử, cử tri có thể lựa chọn những người lãnh đạo của mình, điều đó sẽ làm cho quốc gia ổn định hơn, vì người dân biết rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe và rằng những nhân vật mới xứng đáng được đưa vào hệ thống ».
Chuyến đi của ông như một cuộc biểu diễn, một cuộc trình diễn độc đáo, chỉ có thể là của người Mỹ. Từ sự hoành tráng của chiếc Air Force One, chiếc trực thăng, những chiếc « quoái thú », đến đội cận vệ rất ngầu, tất cả đủ để thỏa mãn thói ham của độc của người Việt Nam. Rồi Tổng thống bằng tất cả sự thông nhạy của mình, ông đã trình diễn trước sự trầm trồ của đông đảo người dân Việt, nhất là với giới trẻ, sự giản dị đến thân thiện của vị tổng thống quyền lực nhất hành tinh. Chỉ chừng ấy thôi, đã đủ để cho người dân Việt có thể so sánh với những gì nhìn thấy từ các vị lãnh đạo của mình, để tự chiêm nghiệm thế nào là dân chủ, thế nào là giá trị của sự tự do và quyền con người.
Một vài phân tích, chia sẻ thêm với bạn đọc về chuyến đi Việt Nam vừa rồi của Tổng thống Mỹ Obama.
Đặng Xương Hùng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét