Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016
Vì sao chưa công bố nguyên nhân cá chết?
Vì sao chưa công bố nguyên nhân cá chết?
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Tư, ngày 04 tháng 5 năm 2016 | 4.5.16
Người dân biểu tình phản đối tập đoàn Đài Loan phá hoại môi trường Việt Nam hôm 1/5/2016 tại Hà Nội. AFP photo
Đến hôm nay là đúng 4 tuần lễ từ khi xảy ra tình trạng cá, hải sản chết hằng loạt tấp vào bờ biển từ Hà Tĩnh xuống đến Thừa Thiên- Huế và cả Đà Nẵng; tuy nhiên cơ quan chức năng Nhà nước chưa chính thức công bố nguyên nhân dẫn đến tình trạng được thừa nhận là thảm họa môi trường như thế.
Lý do nhạy cảm?
Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 5 vừa qua đến Hà Tĩnh làm việc với những địa phương bị nạn cá chết hằng loạt gây hại đến cuộc sống ngư dân và gia đình của họ suốt dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung.
Chỉ đạo của thủ tướng là phải tìm cho ra nguyên nhân để xử lý thích đáng cũng như trợ giúp người dân bị ảnh hưởng do nguồn sinh kế gần bờ cạn kiệt.
Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang thì trong thực tế giới khoa học Việt Nam, cũng như một số nhà khoa học quốc tế đã nắm được nguyên nhân của tình trạng mà nhiều người đồng ý là thảm họa môi trường tại khu vực miền trung vừa rồi.
Ông đồng ý với ý kiến cho rằng nếu để càng lâu thì việc xác định nguyên nhân càng khó nên và ông trình bày:
“Vấn đề sự cố môi trường mà để càng lâu thì càng khó xác định, càng khó nói lên bản chất, tính khoa học của vấn đề.
Nhưng thực tế không đúng như vậy ở Vũng Áng. Ở Vũng Áng sau khi xảy ra sự cố như thế thì (các) nhà khoa học đã ra rất nhiều phương án để tiến hành và những phương án đều thu được những kết quả. Nhưng ở Việt Nam ‘nhạy cảm’ do đó để công bố tất cả những điều mà khoa học làm ra, kể cả mô hình hóa, kể cả sử dụng ảnh viễn thám đều đặt lên bàn! Cáo nào được công bố ra, cái nào từ từ. Điều này là do Nhà nước quyết định.
Nguyên nhân xảy ra ở Vũng Áng thì khoa học xác định được rồi, và người ta đã mô hình hóa để dự báo sẽ lan truyền như thế nào, và hiệu quả sinh thái trong tương lai ra sao.
- Giáo sư Nguyễn Tác An
Nguyên nhân xảy ra ở Vũng Áng thì khoa học xác định được rồi, và người ta đã mô hình hóa để dự báo sẽ lan truyền như thế nào, và hiệu quả sinh thái trong tương lai ra sao. Tất cả đều có làm khi sự cố xảy ra. Và kết quả đó ngày càng hoàn thiện, bổ sung; nhưng về bản chất chắc nó cũng không thay đổi.
Tuy nhiên vấn đề truyền thông ra là phải cân nhắc, mà đó là vấn đề của các nhà quản lý chứ không phải của các nhà khoa học.”
Một chuyên gia về hải dương khác là tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cũng cho biết ông đang chờ cơ quan chức năng công bố kết luận về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường vừa rồi; thế nhưng ông có nghi ngờ có thể không như mong đợi:
“Có chờ hai tháng, ba tháng cũng vậy thôi! Người ta nói chưa tìm ra nguyên nhân. Người ta nói ‘chưa tìm ra’ có nghĩa 6 tháng, 3 tháng hay 2 tháng thì chưa biết được; nhưng chắc chắn người ta nói chưa tìm ra.
Theo tôi nghĩ có cái gì đó mà người ta không muốn nói. Chứ tìm cả năm cũng vậy vì người ta đã biết nguyên nhân rồi. Như thế thôi, không được ai phát biểu hết: chỉ Tổng Cục Môi Trường và Bộ Tài nguyên- Môi trường mới được phát biểu, ai muốn phát biểu cũng không được. Người ta đã nói như vậy rồi thì thôi!”
Nhận định về nguyên nhân
Theo Giáo sư Nguyễn Tác An thì các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước và cơ quan chức năng Việt Nam đã có một thống nhất với nhau về nguồn gây ra tình trạng cá, hải sản chết hằng loạt như vừa qua từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế:
Người dân biểu tình tại Hà Nội hôm 1/5/2016 phản đối tập đoàn Đài Loan Formosa xả chất thải độc hại ra biển. AFP photo
“Mọi người đều thống nhất, chắc tôi nghĩ Nhà nước cũng phải thống nhất: sự cố xảy ra là do tác động nguồn thải từ trong bờ ra và người ta cũng định hướng được nguồn thải từ đâu. Nhưng việc công bố tên tuổi như thế nào là việc của Nhà nước.
Còn thải ra như thế nào, hàm lượng ra sao, gây độc hại bao nhiêu thì khoa học người ta tính toán hết. Cần phải phối hợp, rồi người ta lấy ảnh viễn thám từ ngày 6 tháng tư đến 20 tháng tư giúp cho nhìn nhận khoa học của các nhà khoa học Việt Nam có cơ sở hơn.
Các nhà khoa học Việt Nam đo trực tiếp, rồi dung phương pháp mô hình hóa, trên đó dung ảnh viễn thám cung cấp làm cho kết quả càng khách quan hơn.
Nhất là bây giờ có chuyên gia Mỹ, Đức, Israel qua và chúng tôi có cơ hội thảo luận tất cả mọi vấn đề ra. Thế nhưng không có nghĩa các chuyên gia công bố ngay ra đâu. Có thể người ta công bố ở các tạp chí khoa học của người ta. Nhưng tôi nghĩ theo trong thỏa thuận chắc họ muốn công bố phải được sự ‘thỏa thuận’ của Việt Nam.
Nên hiểu rằng khoa học người ta làm vì Trời, vì chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ khoa học rất cao và khi làm gì thì chúng tôi làm ngay. Nhưng có điểm khác biệt: đối với những công trình khoa học thông thường thì chúng tôi có thể công bố ngay tất cả; còn đây là vấn đề quản lý của Nhà nước nên chúng tôi chỉ trình bày những báo cáo đó cho Nhà nước thôi, không công bố rộng rãi ra.
Về khoa học tôi có thể nói rằng trình độ khoa học của Việt Nam cũng không phải phát triển lắm so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Nga, Pháp nhưng cũng đủ trình độ, năng lực để xác nhận và có những số liệu cụ thể ( để cho) ra những cái gì. ”
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại cũng có ý kiến về hoạt động của những nhà khoa học trong vụ việc xảy ra ở ven biển các tỉnh bắc trung bộ:
“Có một số đơn vị tham gia nhưng không thấy công bố gì cả nên không biết thế nào!”
Tác hại lâu dài
Hai nhà khoa học hải dương Nguyễn Tác An và Nguyễn Hữu Đại đều cho biết những độc chất thải ra khiến cho sinh vật biển chết hằng loạt như vừa qua nay hẳn đã lắng xuống và nằm ở lớp trầm tích dưới biển. Đây là một mối nguy mà có thể trở lại gây tác hại khi có một tác nhân nào đó.
Giáo sư Nguyễn Tác An trình bày:
“Vừa rồi list những chất mà công ty Formosa nhập vào thì người ra có cả và có công bố ra. Nguyên tắc là không thể thu lại (những chất thải ra).
Nếu đúng là kim loại nặng thì tồn tại lâu và điều đáng sợ là sinh vật ăn tích lũy dần và con người ăn vào tích lũy dần.
- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại
Biển là môi trường liên tục nên (chất thải) sẽ di chuyển nhưng đặc biệt sẽ trầm lắng xuống lớp trầm tích. Do đó để lâu thì khó có bằng chứng, nhưng thực ra trầm lắng xuống trầm tích và người ta có thể lấy mẫu ở trầm tích thì có thể biết toàn bộ sự tích lũy đó như thế nào. Nhưng khi (chất thải) nó đã ra biển thì không chỉ tác động cho Hà Tĩnh, các tỉnh miền trung mà cả khu vực Biển Đông.Tác động tức thời, độc chất thì tác động rất nhanh và nay có lo ngại khi mà chúng ở lớp trầm tích thì khi có sự cố gì như bão tố hoặc con người tác động ở đó thì làm chất độc ‘tái sinh’ ra thứ cấp và lại gây đợt chết sinh học nữa. Vấn đề là nguy cơ cho vùng biển và sinh thái có khả năng sẽ lâu dài vì nhà máy đâu bị ngừng sản xuất đâu, nó vẫn sản xuất và thải ra liên tục.”
Ông cũng nói đến khả năng ‘tự làm sạch’ của vùng biển nơi bị ô nhiễm bởi độc chất gây hại cho sinh vật biển:
“Thông thường ở Việt Nam tốc độ tự làm sạch rất lớn. Vùng biển Việt Nam là vùng biển nhiệt đới và nằm trên hệ thống hoàn lưu tương đối đặc thù do đó khả năng tự làm sạch rất lớn. Thông thường, ô nhiễm hữu cơ như tràn dầu thì chừng 20 ngày nó đều xử lý được. Nhưng chất thải công nghiệp là chất thải tích lũy, không phải chỉ thải ra một lần mà công nghiệp sản xuất liên tục nên thải ra liên tục. Nói nôm na ra tác động hôm sau sẽ hơn hôm trước vì tích lũy mà.”
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại có ý kiến về tình trạng này:
“Chắc chắn nó (chất thải) nằm đó và từ từ phát tán ra, nhưng phát tán trong thời gian bao lâu thì không biết. Nếu đúng là kim loại nặng thì tồn tại lâu và điều đáng sợ là sinh vật ăn tích lũy dần và con người ăn vào tích lũy dần. Các nhà khoa học nước ngoài cho chắc chắn là như vậy.
Còn người ta công bố như thế nào chúng tôi vẫn chờ nhưng tôi là nhà khoa học tôi đoán biết như vậy; còn khổ chỉ là khổ người dân!”
Biện pháp
Người dân biểu tình phản đối tập đoàn Đài Loan Formosa ở Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Trên mạng xã hội xuất hiện lá thư của tiến sĩ Tô Văn Trường gửi cho bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài Nguyên- Môi trường. Lá thư đề ngày 1 tháng 5, trong đó tiến sĩ khoa học Tô Văn Trường sau khi nêu ra bức xúc và lo lắng trước thảm họa cá chết dọc bãi biển miền Trung mà đến khi ông này viết lá thư ngỏ theo ông thì cả chính phủ và giới chuyên môn các cấp đều chưa khẳng định hoặc bác bỏ những điều cơ bản làm căn cứ để lên án ai đó và đề xuất biện pháp xử lý.
Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng nêu ra câu hỏi vì sao lại phải kêu gọi đầu tư nhà máy thép. Ông nhắc lại chi tiết vào ngày 15 tháng giêng năm 2008, Formosa mới có thư trình thủ tướng về dự án thép thì ngay ngày hôm sau 16 tháng giêng , vị quan chức hang đầu của Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Võ Kim Cự có thư trình thủ tướng ‘cho phép’ mặc dù Formosa không hề gửi thư đó cho ông Cự.
Về thẩm quyền cấp phép thời hạn cho thuê đất thì Hà Tĩnh chỉ có thể cho thuê tối đa 50 năm thôi, thế nhưng tỉnh này vượt quyền cho Formosa thuê đất đến 70 năm.
Tiến sĩ Tô Văn Trường nêu rõ “Sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và thực sự khoa học sẽ giúp giải quyết tận gốc những vấn nạn và lùng nhùng lâu nay về môi trường. Có thể nói vụ cá chết ở ven biển miền Trung là điển hình, là phép thử sức mạnh hệ thống chính trị- xã hội của chúng ta trước các mối đe dọa không chỉ về môi trường mà còn về chủ quyền đất nước nữa.”
Giáo sư Nguyễn Tác An cũng nêu ra những biện pháp và công việc cần phải thực hiện đối với vụ việc sinh vật biển mà đặc biệt là cá chết hằng loạt tấp vào bờ các tỉnh miền trung kể từ ngày 6 tháng tư vừa qua:
“Thứ nhất rà soát lại các nhà máy có vi phạm những điều theo đánh giá tá động môi trường hay không; nếu có thì ở mức độ nào. Điều này đòi hỏi do các nhà quản lý thực hiện.
Thứ hai là ý kiến do cả xã hội đưa ra là phải tăng cường quản lý các nhà máy sản xuất. Chuyện sản xuất là của họ, còn chuyện kiểm soát là của mình.”
‘Tuyên bố về Tội ác Đầu độc Biển Miền Trung Việt Nam’ đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam nêu rõ vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề mà chứng cứ là hằng chục tấn cá biển lớn nhỏ chết giạt vào bờ từ đầu tháng tư được ví như giọt nước tràn ly sau quá nhiều tai họ do các dự án khai khoáng như bauxite Tây Nguyên đến thủy điện, nhiệt điện, chế biến… tràn lan trên khắp đất nước bất chấp mọi cảnh báo của giới trí thức và người dân.
Gia Minh
(RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét