Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016
Phải xử lý thích đáng đối với những kẻ đội lốt dân
VNTB- Phải xử lý thích đáng đối với những kẻ đội lốt dân
Reply
Đào Đức Thông, opposite, Phải xử lý thích đáng đối với những kẻ đội lốt dân, VNTB
14.5.16
Đào Đức Thông
(VNTB) - Đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phải xử lý nghiêm minh và thích đáng đối với những hành vi đánh dân trên của những kẻ đội lốt dân.
Phải xử lý thích đáng đối với những kẻ 'đội lốt an ninh' đánh người biểu tình như Phạm Hữu Đức.
Quyền biểu tình là quyền công dân Việt Nam, được Hiến định tại Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 - văn bản pháp lý cao nhất của Nước CH XHCN Việt Nam; Công dân nước Việt Nam được làm tất cả những gì pháp luật Việt Nam không cấm. Các mối quan hệ xã hội luôn đi trước pháp luật, nên khi nó phát sinh thì luật pháp phải điều chỉnh kịp thời, vì nó tồn tại trước và là hành vi tất yếu.
Biểu tình là biểu đạt chính kiến của nhân dân nhằm xây dựng một thứ gì đó tốt hơn cho xã hội, cho Quốc gia chứ không phải để phá bỏ đi, trừ khi Xã hội và Quốc gia đầy dẫy những cái ác, cái xấu, hủ bại, lạc hậu và cực đoan thì cần phải phá bỏ để xây dựng lại.
Biểu tình làm chấm dứt chiến tranh hoặc xung đột, nhưng bạo lực khơi dậy những thứ ngược lại.
Bạo lực, trấn áp không bao giờ là cách khôn ngoan để giải quyết một vấn đề mà cần cái đầu ôn hòa để xử lý.
Bạo lực chỉ khiến mọi thứ kết thúc nhanh hơn, bởi nó thể hiện sự bế tắc chứ hoàn toàn không phải là một biện pháp thông minh của giới lãnh đạo một Nhà nước trước dân chúng của mình.
Chính quyền phải hiểu nguyên tắc: Trước dân chúng cần ôn hoà, trước ngoại bang cần mạnh mẽ. Đó mới là phương cách thông minh để đứng vững trước những biến cố xã hội của thời đại và lịch sử.
Thế nhưng, đất nước Việt Nam hiện tại đang rơi vào khủng hoảng niềm tin trầm trọng, nguyên nhân là Chính quyền sử dụng bạo lực tùy tiện đàn áp biểu đạt chính kiến của nhân dân. Sáng ngày 8/5/206, người dân Sài Gòn xuống đường để biểu thị thái độ của mình và mong muốn vấn đề được người có trách nhiệm trong Chính quyền tiếp nhận, xử lý. Nguyện vọng đó, ý nguyện đó, thắc mắc đó dưới hình thức biểu tình nhằm gửi thông điệp cho ai? Không ai khác ngoài Chính quyền, người đại diện cho dân xử lý vấn đề xã hội.
Thế nhưng… buồn thay! Tiếng nói của người dân bị lọt thỏm, không được người có trách nhiệm trong Chính quyền lắng nghe.
Những người đại diện cho dân, do dân bầu ra là Chủ tịch, là Bí thư... tuyệt nhiên không lộ diện.
Một Chính quyền Việt Nam khoẻ mạnh và trí tuệ thì phải tiên đoán sự kiện và có giải pháp nhằm giữ an lành cho dân chúng. Chính quyền phải cử người đại diện đối thoại với dân, phải cử chuyên gia tâm lý để xử lý vấn đề dân nêu.
Nhưng ở đây hoàn toàn không có chuyện đó. Không một người đại diện nào của Chính quyền đứng ra lắng nghe và xử lý. Chính quyền đã không gần dân, xoa dịu nỗi đau của dân mà ngược lại còn tung lực lượng an ninh ra trấn áp, đánh đập, bắt bớ dân chúng thẳng tay như thể dân chúng là kẻ thù. Họ đẩy dân chúng vào thế đối cực, sẵn sàng đối kháng bằng bạo lực. Điều này khiến nhân dân trong nước và bạn bè Quốc tế kinh ngạc, sững sờ vì tại đất nước Việt Nam, hệ thống tuyên truyền của Chính quyền các cấp hàng ngày, hàng giờ, năm này qua năm khác vẫn thường nói với nhân dân khẩu hiệu: "Chính quyền của Dân, do Dân và vì Dân".
Thật sự nhìn vào những biểu ngữ chúng ta thấy ngay ý muốn của người dân. Người dân muốn một môi trường trong sạch và một Chính quyền minh bạch. Nhưng Chính quyền xem những yêu cầu chính đáng đó là điều đối nghịch.
Trong mắt của Chính quyền hiện nay thì biểu tình là do sự giật dây của "bọn phản động", của "Việt Tân", của "phong trào dân chủ"... Chính quyền nhìn đám đông biểu tình bằng con mắt thù nghịch.
Còn nhớ những ngày đầu nhậm chức, ông Đinh La Thăng đã chiếm được cảm tình của dân chúng Sài Gòn bằng những lời nói và hành động hợp lòng dân. Vài sự kiện gây náo loạn xã hội đã được ông xử lý khiến dân mát lòng mát dạ. Dân Sài Gòn đang khấp khởi vui mừng vì có được một lãnh đạo vừa ý dân. Thế nhưng tại sao vụ biểu tình vừa qua thì ông ở đâu, sao không xuất hiện trấn an dân chúng? Dân chẳng những không tìm thấy sự đồng cảm của ông mà lại còn bị an ninh đàn áp, bắt bớ, đánh đập. Dân trông chờ bàn tay che chở của Chính quyền thì lại nhận được bàn tay sắt làm tổn thương nặng nề đến sức khỏe và tinh thần.
Lẽ nào giới cầm quyền Việt Nam đang khinh rẻ dân chúng? Lẽ nào Chính quyền trốn dân?
Nếu Chính quyền duy trì sự cai trị xã hội bằng bạo lực vô nhân, bất chấp Hiến pháp và sẵn sàng tấn công chà đạp những quyền năng tối cao của một công dân, của xã hội thì đó chính là bằng chứng cho hành vi xâm hại Hiến pháp - một đạo luật mà chính Nhà nước và Đảng yêu cầu mọi người phải sống theo Hiến pháp và pháp luật, có nghĩa vụ trung thành với Hiến pháp.
Hành động đánh đập phụ nữ, trẻ em của Chính quyền Sài Gòn vào sáng ngày 8/5/2016 trong tình trạng người dân đang ôn hoà và thực hiện quyền công dân, quyền con người mang tính hiến định, là một hành vi phi nhân tính và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm Hiến pháp của giới lãnh đạo Sài Gòn.
Đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phải xử lý nghiêm minh và thích đáng đối với những hành vi đánh dân trên của những kẻ đội lốt an ninh. Nếu giới cầm quyền Đảng và Nhà nước Việt Nam dung túng và tiếp tục sử dụng biện pháp trấn áp biểu thị của Nhân dân thì chắc chắn sẽ đẩy xã hội Việt Nam đi đến những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc cũng như sự căm phẫn dồn nén của nhân dân đi đến điểm cuối cùng...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét