Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016
Khi truyền thông nhà nước lên tiếng
Khi truyền thông nhà nước lên tiếng
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 17 tháng 5 năm 2016 | 17.5.16
Chiếc loa phóng thanh bộ đội Bắc Việt dùng để tuyên truyền trong thời chiến tranh Việt Nam được trưng bày ở Hà Nội hôm 8/4/2015.AFP photo
Truyền thông trong nước tiếp tục có phóng sự hình ảnh và bài viết cáo buộc đích danh một số người trong nước kích động dân chúng xuống đường biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường trước thảm họa cá chết vừa qua dọc theo bờ biển các tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng.
Ba nhà trí thức bị nêu tên trên phóng sự của An Ninh TV và VTV1 trong hai ngày 14 và 15 tháng 5 là giáo sư Nguyễn Huệ Chi- người chủ xướng trang Bauxite Vietnam; tiến sĩ Nguyễn Quang A- nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển độc lập IDS, và nhà báo- nhà thơ Hoàng Hưng.
Phản ứng của người bị cáo buộc ra sao, và những người công khai lên tiếng về các vấn nạn tại Việt Nam đang được người khác đồng cảm thế nào?
Sự thay đổi
Vào trưa ngày 16 tháng 5, tiến sĩ Nguyễn Quang A trình bày:
“Thứ nhất tôi muốn cải chính lại đó là phản ứng đối với cái gọi là An Ninh TV; còn cái tối hôm qua trên VTV sẽ có một phản ứng khác mà của nhiều người chứ không chỉ của giáo sư Huệ Chi, Hoàng Hưng và tôi.
Đó là phản ứng đối với một video clip của An Ninh TV. Tôi cho rằng những lực lượng thực sự thù địch với đất nước này, họ đã bóp méo sự thật, cắt dán những chuyện không đâu để tìm cách bôi nhọ, vu cáo những người biểu tình, các trí thức liên quan đến tại họa cá chết ở miền trung Việt Nam.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cách làm của những cơ quan truyền thông Nhà nước như VTV1 và ANTV không còn có tác dụng như xưa, ông phân tích:
Thông tin đã trở thành thông tin đa chiều, đảng cộng sản không còn độc quyền những thông tin đó nữa. Lúc đó bắt đầu có những ý kiến khác nhau và có thể là tương đối rộng rãi nữa.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
“Trước đây khi mà không có thông tin nào khác, khi mà người dân không xem được những kênh TV ở bên ngoài, không có Internet, không nghe được đài ở đâu khác mà chỉ nằm trong sự kiềm tỏa của mảng truyền thông của nhà nước. Người ta cũng không đi du lịch.
Có thể nói người dân bị kìm kẹp do hoàn cảnh khách quan hay do chủ quan, người dân không được tiếp xúc với những thông tin khác. Lúc đó với độc quyền thông tin thì người ta có thể làm được việc đó ( bóp méo, cắt dán…), và thậm chí làm rất thành công trong việc tuyên truyền, trong việc nhồi sọ trong đầu óc người dân rằng: nhất nhất cái gì mà hệ thống này phát ngôn ra là đúng.
May mắn thay thời thế đã thay đổi là trong vài chục năm vừa qua người dân Việt Nam đã bắt đầu đi du lịch nhiều hơn, người ở trong nước cũng có thể tiếp cận với thông tin bên ngoài nhiều hơn và có mạng Internet thì lúc đó những tiếng nói khác với tiếng nói chính thống bắt đầu được cất lên và người ta bắt đầu có thể tiếp cận được với những thông tin đó. Hay nói cách khác: thông tin đã trở thành thông tin đa chiều, đảng cộng sản không còn độc quyền những thông tin đó nữa. Lúc đó bắt đầu có những ý kiến khác nhau và có thể là tương đối rộng rãi nữa.
Lẽ ra chính quyền này phải thích nghi với sự thay đổi đó; thế nhưng họ vẫn nghĩ rằng họ vẫn còn có thể độc quyền tất cả mọi thông tin, và cách hành xử của họ trên các mạng thông tin, trên TV, trên báo dưới sự kiểm soát của cái mà tôi gọi là cảnh sát tư tưởng không còn tác dụng nữa.
Tất nhiên nó còn tác dụng rất lớn đối với một mảng khá đông dân chúng Việt Nam. Nhưng mà chừng nào những người đó cũng tiếp cận được với thông tin và cũng bắt đầu có suy nghĩ độc lập; theo tôi lúc đó tình hình sẽ khác đi.”
Sự đồng cảm
Người dân xuống đường biểu tình tại Hà Nội hôm 1/5/2016. AFP photo
Những nhà hoạt động bị cáo buộc trong những phóng sự, bài báo của cơ quan truyền thông Nhà nước khi chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng cơ quan tuyên truyền của đảng và chính phủ vẫn theo lối mòn suốt mấy mươi năm qua.
Họ cho rằng những phóng sự và bài viết nhắm vào các nhà đấu tranh, nhà hoạt động xã hội nay không còn hiệu quả như xưa kia, không muốn nói là hoàn toàn phản tác dụng.
Nữ nghệ sĩ Kim Chi từ Hà Nội cho biết công việc làm vì dân, vì nước của bà mặc dù bị chính quyền cáo buộc là gây rối, kích động người khác; thế nhưng trong thực tế những người bà quen biết và tiếp xúc đều chia sẻ sự đồng cảm của họ. Bà cho biết:
“Những người gặp tôi, ôm chặt lấy tôi, nắm tay tôi và nhìn tận vào mắt tôi họ nói chúng tôi lúc nào cũng ngưỡng mộ chị; những anh lớn thì nói Kim Chi ơi em rất đáng quí…, chẳng hạn như thế! Nhưng tôi nghĩ có những hoàn cảnh người ta chưa dám dấn thân như những người khác bởi vì nhiều khi con người ta còn có những công việc tốt, có nhiều lương, lậu, bổng lộc, vị trí… người ta sợ làm như chúng tôi thì ảnh hưởng đến công việc của con cái người ta.
Tôi không giận họ đâu, tôi rất cảm thông và nghĩ rằng tôi họ bày tỏ cảm thông với mình là quí rồi; nhưng trong lòng tôi cầu nguyện giá ước gì ai cũng làm như mình thì chắc sẽ mau thay đổi.”
Bác sĩ Đinh Đức Long ở Sài Gòn cũng chỉ ra thực tế về điều đó:
Còn một số người thì yên phận, xưa nay chữ sợ nằm trên đầu họ, họ cho rằng có đảng và nhà nước lo, có nói cũng không giải quyết được gì. Đó là quyền của họ.”
- Bác sĩ Đinh Đức Long
“Người dân Việt Nam có điều buồn là bị mấy chục năm ‘thuần hóa’ rồi; cho nên rất nhiều người ủng hộ tôi là đúng, nhưng không dám bày tỏ ý kiến. Cái chữ sợ rất lớn.
Còn một số người thì thờ ơ cho rằng việc này có đảng và nhà nước lo. Trong đồn, công an nói với tôi để đảng và nhà nước lo. Tôi nói đảng và nhà nước lo sao để mất Hoàng Sa, Trường Sa, sao để cá chết, sao cứ nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường? Thế các anh có lo được đâu!
Thứ hai nữa hiến pháp qui định người dân có quyền tham gia giám sát và quản lý xã hội. Chúng tôi làm hoàn toàn phù hợp hiến pháp và ôn hòa. Các anh có quyền gì cấm tôi? Họ đều không trả lời được.
Người dân Việt Nam hiện rất phân hóa, ngay trong những người đàn áp chúng tôi cũng rất phân hóa. Có những người vì miếng cơm, manh áo; họ gần như khóc . Nhưng có những người rất hung hăng, họ muốn lập công để chứng tỏ sự trung thành với chế độ, họ muốn được thăng chức!
Người dân cũng vậy, cũng phân hóa: Có người vì bổng lộc, vì cái gì đó gắn bó với chế độ; nhưng ở đây đâu phải gắn bó một cách đàng hoàng đâu. Ví dụ họ buôn gian, bán lậu, không muốn bị kiểm soát nên phải chấp hành. Nếu như họ làm khác thì bị thanh tra, không kinh doanh được. Đó là họ lợi dụng lẫn nhau; chẳng quan tâm nhưng cũng chán ngán lắm và cách thể hiện của mỗi người một khác.
Còn một số người thì yên phận, xưa nay chữ sợ nằm trên đầu họ, họ cho rằng có đảng và nhà nước lo, có nói cũng không giải quyết được gì. Đó là quyền của họ.”
Trên facebook, nhiều người chia sẻ status của tác giả có tên Phan Xuân Cần tựa đề ‘Không nên đề cao phản động’. Tác giả tự giới thiệu là người từng làm trong ngành an ninh, viết rằng ‘có một qui luật là bọn phản động nào cũng hư trương thanh thế’. Hễ cứ biểu tình, phản ứng tập thể là qui về phản động tức quá dề cao bọn phản động, là giúp chúng hư trương thanh thế. Và như vậy cũng là coi thường dân chúng.
Theo tác giả tự xưng là cựu an ninh Phan Xuân Cần thì ông tin là người dân không dễ bị dắt mũi như thế ; người dân không thể xuống đường chỉ vì bị ai đó xúi giục, khi trong lòng không có một chút bất bình nào.
Gia Minh
(RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét