Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

GIỚI HẠN CHO PHÉP


GIỚI HẠN CHO PHÉP

* BÙI VĂN BỒNG


Ôi, đau ê vai, mỏi nhừ chân vẫn chưa qua được "giới hạn cho phép"

Theo báo Tuổi trẻ đăng tin sáng 1-5, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) vừa công bố kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khẳng định đều nằm trong “giới hạn cho phép”.

Tất nhiên đọc tin này ai cũng biết là Bộ TNMT và các “nhà khoa học”, “nhà quản lý” đang muốn làm dịu tình hình, trong đó không khỏi có động cơ sẽ ‘nương tay với Formosa’. Cái “giới hạn cho phép” này là ai “cho phép”, quyền lực của chủ nhân được quyền cho phép đến đâu? Ngay như các báo đưa tin này cũng nghi ngờ: nước biển lấy ở đâu? Chất độc do Formosa xả ngầm từ đáy, phải chăng lấy nước ven bờ tại Vũng Áng là trò …đánh lừa? Chiêu trò nhằm ‘trấn an dư luận’ chăng? Mùa này dòng hải lưu chuyển mạnh về phía nam, nếu như Formosa còn xả thải xuống biển, thì dòng hải lưu đã cuốn đi, đẩy chất độc về Quảng Bình. Tại sao không lấy nước ở Lệ Thủy (Quảng Bình) mà lại lấy nước ven bờ Vũng Áng? Mà có chắc tại Vũng Áng hay không? Chưa nói là bây giờ trước tác hại đã quá rõ và nhiều nguy cơ rung dọa, Formosa đã ngưng xả thải. Bây giờ mới xét nghiệm, lấy gì làm bằng chứng? Nói chung chung, lẩn tránh, riết rồi quen, nhưng có việc dùng từ thành vô lý. Đã là thứ chất cực độc, các chết hàng loạt, thời gian còn "thời sự nóng" mà "chất lượng nước biển trong giới hạn cho phép". Tức là cho phép không chết ngay, mà chết dần dần, từ từ, nhiễm độc vào cơ thể rồi sinh bệnh, có khi ung thư, ...

Nay, từ chuyện nước độc Vũng Áng theo dòng hải lưu từ tầng đáy làm ô nhiễm nghiêm trọng một vùng biển lớn từ nam Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, mà ngành chức năng, bộ chủ quan vẫn cho là “chất lượng nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép”, tôi có mấy lời về cách dùng từ thường xuyên từ quốc hội đến đảng, nhà nước và chính phủ.

Tham nhũng tràn lan, nguy hại vậy mà vẫn “trong giới hạn cho phép”. Thậm chí ông Tổng Thanh tra Chính phủ còn nói là : “Tham nhũng ổn định”! Vậy “ổn định” tức là không ai đụng đến, và tham nhũng tồn tại an toàn trong thể chể, cơ chế xã hội, không sao cả!

Lạm phát đến mức báo động, nợ công chất chồng, nhưng tại các hội nghị các vị cứ bô bô: “Vẫn trong giới hạn cho phép”. Rồi... nợ xấu, tăng giá xăng giá điện, tăng giá thuốc chữa bênh, giá viện phí, giá cả thị trường tăng vọt, tăng thu phí, nhiễm độc thực phẩm, tăng chỉ số CPI…cũng đều trong tầm kiểm soát và "giới hạn cho phép"...Quyền lực của "ông cho phép' này quả là rất siêu! Sao mà mênh mông giới hạn, nhiễu loạn cương quyền?

Cái lối dùng từ chung chung, vô thưởng vô phạt kiểu như: “Ổn định, giới hạn cho phép, phạm vi an toàn, đúng quy trình, trong tầm kiểm soát, có thể chấp nhận, ngoài ý muốn chủ quan, còn nhiều bất cập, chưa xứng tầm…” phải chăng là đường quen lối cũ của lãnh đạo tập thể. Vụ việc và thực trạng không ai chỉ thẳng là gì, mức độ nào, lỗi tại ai, rồi đánh bùn sang ao, rắc rối, phức tạp đến mấy cũng coi như cho qua hết. Do né tránh, đùn đẩy trách nhiệm như vậy, việc quy trách nhiệm rõ cho ai rất khó. Phát biểu của các vị lãnh đạo cho thấy nói về giới hạn, quy trình, tầm kiểm soát...rất trượng như trong văn thơ thường nói "rừng bát ngát"...Nhưng có một khái niệm mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã giới hạn là "đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam". Vậy, tuy giới hạn thời gian quá dài lâu, nhưng khi đó chưa thấy "hoàn thiện CNXH" thì chắc là mới yên tâm từ bỏ con đường đi lên CNXH, từ bỏ (cái đuôi) "định hướng XHCN". Cái chuyện tuyển dụng biên chế, bổ nhiệm cán bộ cũng "đúng quy trình", nhưng quy trình là gì thì moi óc cũng khó tìm ra. Do cái "quy trình ấy" mà nhân sự, chức vụ gia tăng tạm coi là cấp số cộng, thích tuyển dụng thêm bao nhiêu cứ tuyển dụng, thích bổ nhiệm ai cứ ký mạnh tay, miễn là "nằm trong giới hạn cho phép". Nhưng vượt qua cái giới hạn quy định về số lượng, khung biên chế, lại có cái "giới hạn" khác là...do nhu cầu này, bất cập kia...Tóm lại, cũng vì lòng tham không giới hạn, vô đáy!

Đó là ‘bảo bối tập thể lãnh đạo’. Còn như cá nhân phụ trách cũng không dễ quy trách nhiệm pháp luật. Bỏi: “Thành tích vơ vào, khuyết điểm cào ra”. Cá nhân phụ trách khi bí quá lại đổ thừa cho tập thể lãnh đao. Tập thể đó là ai? Ai chịu trách nhiệm chính? Không có!


“Có gì mà cứ phải lo

Giới hạn cho phép còn co giãn mà

Mặc cho dư luận kêu la

Lãnh đạo tập thể , bài ca muôn đời

Họp báo thì nói nước đôi

Dằng dai vụ việc…nước trôi qua cầu”

BVB

Nguồn: Theo Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét