Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Quan hệ giữa Đảng và Quốc hội: đã có thay đổi


Quan hệ giữa Đảng và Quốc hội: đã có thay đổi

Đăng bởi Hai Hoang Van on Chủ Nhật, ngày 03 tháng 4 năm 2016 | 3.4.16



Ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

(TBKTSG) - Bắt đầu công tác ở Quốc hội từ năm 1978, với hai nhiệm kỳ gần đây là đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, chia sẻ những tâm tư, kinh nghiệm của ông về quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với TBKTSG.


TBKTSG: Tới đây, tỷ lệ đại biểu chuyên trách của Quốc hội sẽ được nâng lên 35-40%. Ông nhìn nhận gì về cơ cấu này?


- Ông Nguyễn Văn Phúc: Nói về cơ cấu thì nhiều chuyện đáng bàn, nhưng tỷ lệ 40% chuyên trách là một bước tiến vì đây là một trong những điều kiện để nâng cao hoạt động Quốc hội đồng thời phải là những người có chất lượng. Cơ cấu đúng sẽ quyết định chất lượng. Trong Quốc hội có nhiều loại cơ cấu lắm như cơ cấu trung ương, địa phương. Nếu cơ cơ cấu không khéo, nhấn mạnh cơ cấu địa phương thì chính sách của Quốc hội nghiêng về địa phương hơn là vì quốc gia.


Hay cơ cấu về chuyên môn đào tạo. Nếu có nhiều đại biểu có chuyên môn về kinh tế hay luật thì chất lượng của Quốc hội sẽ tăng lên. Cơ cấu chuyên môn giờ rất ít. Ngay cả Ủy ban Kinh tế cũng thiếu. Khóa trước, anh Hà Văn Hiền (Chủ tịch Ủy ban) bàn với tôi tìm một ủy viên thường trực có kinh nghiệm xây dựng các đề án nông nghiệp nông thôn. Chúng tôi tìm được một người ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên, khi giới thiệu ứng cử thì họ được bố trí vào một quận phát triển về thương mại, dịch vụ ở TPHCM, vậy là trượt. Vì thế, trong cả nhiệm kỳ rồi, Ủy ban Kinh tế không có phó chủ nhiệm nào được đào tạo sâu về nông nghiệp nông thôn, mà vẫn phải làm thì làm sao làm tốt được. Mà đó mới chỉ là ngành nông nghiệp, còn rất nhiều ngành kinh tế khác cũng cần người giỏi.


TBKTSG: Nhìn sang cơ cấu của Chính phủ, ông tâm tư điều gì nhất?


- Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định cơ cấu cụ thể của Chính phủ, mà giao cho Quốc hội quyết định cơ cấu Chính phủ theo từng nhiệm kỳ. Trong rất nhiều nhiệm kỳ, cơ cấu Chính phủ không thay đổi với ngần ấy bộ thôi.


Chúng tôi đã nhiều lần nêu vấn đề vì sao để Cục Quản lý cạnh tranh trong Bộ Công Thương? Ngay cả Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận tiến tới phải để cho cơ quan này độc lập để đảm bảo tính khách quan của nó khi bộ còn nhiều doanh nghiệp nhà nước.


Hay như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trên thế giới thì ủy ban này là độc lập vì đây là cơ quan điều tiết thị trường, có thẩm quyền xử phạt, điều tra. Ta lại đặt ở Bộ Tài chính với lập luận là để gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo tôi, đến lúc phải nghĩ đến vị trí của ngân hàng trung ương. Có nên đặt trong cơ cấu của Chính phủ không, hay nên là cơ quan độc lập theo luật.


Hiện nay trong quan điểm còn khác nhau lắm. Bản thân NHNN cũng không muốn độc lập đâu, luôn muốn gắn với Chính phủ. Như thế thì làm sao để chính sách tiền tệ độc lập với chính sách tài khóa được. Thế mới có chuyện tài chính vay ngân hàng nhà nước để chi tiêu cho ngân sách.


TBKTSG: Đâu là nút thắt trong câu chuyện làm luật trong quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ?


- Có hai luồng quan điểm khác nhau về việc này. Luồng thứ nhất nói, Quốc hội phải làm luật, không để các bộ làm nữa để tránh tình trạng luật đó phản ánh lợi ích của bộ, ngành đó. Quan điểm thứ hai thì nói, nhu cầu làm luật là từ cơ quan quản lý điều hành, nên họ phải đề xuất và trình.


Tôi cho rằng cả hai quan điểm này đều cực đoan. Ở Việt Nam có đặc thù là dù phân nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng tính thống nhất của ba nhánh là lớn vì đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng. Nói là luật do Quốc hội ban hành, nhưng luật đó là nhất quán từ các bộ cho đến Chính phủ và Quốc hội, chứ luật đó có của riêng Quốc hội, hay của riêng Chính phủ đâu.


Hiện nay phần lớn các dự án luật do Chính phủ trình vì Chính phủ có bộ máy, có thực tiễn và Quốc hội thẩm tra, thảo luận để loại bỏ những lợi ích ngành, nhóm, và cân đối lợi ích quốc gia. Đó là vấn đề lớn phải bàn. Chứ có vị bảo thôi, đã là luật thì phải để Quốc hội làm thì không thực tế.


TBKTSG: Cơ chế như vậy làm luật nhiều khi không đi vào thực tiễn cuộc sống, gây khó khăn cho người dân?


- Thực tế là năng lực lập pháp của Quốc hội ngày càng được nâng cao, nhưng chất lượng luật vẫn đáng lo. Có luật có hiệu lực rồi mà phải chờ thêm 1-2 năm sau mới có nghị định hướng dẫn. Khi xây dựng luật, có những quan điểm của ngành, của chuyên viên không được Quốc hội chấp nhận, thì khi làm nghị định, thông tư họ lại lồng vào quan điểm đấy, bẻ cong cả luật.


TBKTSG: Vậy trách nhiệm là ở Quốc hội, hay Chính phủ?


- Ở khâu giám sát. Quốc hội còn yếu trong việc giám sát. Có những luật mà Quốc hội ban hành rồi là coi như xong, không quan tâm giám sát nữa.


TBKTSG: Làm sao hài hòa hóa giữa chủ trương đường lối của Đảng và nghị quyết Quốc hội?


- Tôi đã từng phát biểu ở nhiệm kỳ trước. Nguyên tắc ở ta là Đảng lãnh đạo, kể cả với Quốc hội. Vấn đề là phải xác định sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội khác với các thiết chế khác ở chỗ nào vì Quốc hội và hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử. Ví dụ, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm, khi Ban Chấp hành Trung ương, hay Bộ Chính trị quyết định quá cụ thể các chỉ tiêu, thì không còn dư địa cho Quốc hội bàn. Lúc đó, Đảng quyết định luôn rồi, chứ không chỉ dừng lại chủ trương nữa và chuyện đưa ra Quốc hội chỉ là để hợp thức hóa thôi. Cho nên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Quốc hội.
Thực ra, nhiều khi chính anh em cán bộ viết văn bản từ kết luận của Bộ Chính trị hay trung ương để gửi sang đảng, đoàn Quốc hội, thì anh em viết quá chi tiết. Chi tiết quá thì Quốc hội thảo luận thế nào được nữa.


TBKTSG: Những diễn biến gần đây mà ông chứng kiến có cho thấy sự thay đổi trong quan hệ giữa Đảng và cơ quan dân cử không?


- Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng Quốc hội lại cơ quan quyền lực cao nhất. Phải xác định ranh giới của hai cơ quan này thế nào?


Bây giờ Đảng đổi mới nhiều. Trước đây, hầu như Chính phủ chỉ trình các báo cáo trực tiếp sang bên Đảng mà không trình sang Quốc hội. Khi Bộ Chính trị đã kết luận rồi, thì Chính phủ mới đưa sang bên Quốc hội. Như vậy thì rất khó. Tuy nhiên, trong vài nhiệm kỳ vừa rồi, Bộ Chính trị đã để những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Đảng, đoàn Quốc hội phải có ý kiến trước. Nếu đó là lĩnh vực kinh tế thì Ủy ban Kinh tế phải có ý kiến. Như vậy là có đổi mới, có nghĩa là các cơ quan Quốc hội cũng đã có ý kiến.


TBKTSG: Xin ông dẫn ra một vài ví dụ cụ thể?


- Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, có hai dự án điển hình về sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội. Thứ nhất là dự án đường sắt cao tốc. Ban đầu, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, nhưng khi đưa ra Quốc hội thì bị bác. Bộ Chính trị sau đó thấy phù hợp và chấp nhận, và từ đó cả Bộ Chính trị và trung ương cũng rút kinh nghiệm.


Đến dự án sân bay Long Thành, bên Quốc hội thảo luận, tổ chức hội thảo, rồi mới quay về trung ương. Ngay cả Tổng bí thư họp cũng nói, phải rút kinh nghiệm để Quốc hội bàn kỹ dự án này cho dân chủ, tức là Bộ Chính trị và trung ương đã rút kinh nghiệm từ dự án đường sắt cao tốc, tôn trọng và đổi mới việc trình ra Quốc hội.


TBKTSG: Vậy còn việc mở rộng Thủ đô nhiệm kỳ trước nữa?


- Về câu chuyện mở rộng thủ đô, lúc đầu lấy ý kiến Quốc hội là về thời điểm thực hiện, còn chủ trương là đồng ý rồi. Quốc hội cũng đồng ý với chủ trương sáp nhập, nhưng vẫn đề nghị cân nhắc thời điểm nào cho chín muồi.


Ban đầu, dự án được đưa ra lấy ý kiến, được số phiếu là 50-50, có nghĩa là 50% đồng ý sáp nhập ngay kỳ này, 50% đề nghị để kỳ sau quyết vì không nên quyết ngay khi mới chỉ đưa ra lấy ý kiến Quốc hội có một lần. Nhưng rồi, Đảng chủ trương là phải làm ngay, và Đảng dùng sự lãnh đạo của Đảng với các đại biểu là đảng viên, cuối cùng thì trên 92% đại biểu đồng ý sáp nhập ngay.


Tư Giang


(Thời báo KT Sài gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét