Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016
Mua lại nước Việt Nam với giá nào?
Mua lại nước Việt Nam với giá nào?
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 09 tháng 4 năm 2016 | 9.4.16
Mua lại nước Việt Nam với giá nào?
Nhiều độc giả Người Việt đồng ý với đề nghị “Mua lại nước Việt Nam” từ tay đảng Cộng Sản; để họ trả lại cho dân Việt Nam quyền tự mình lo quản trị đất nước mình. Nếu quý vị thấy ý kiến này vô lý, đặt câu hỏi “Tại sao đất nước của mình, mình lại phải mua lại?” thì xin thông cảm. Chúng ta đã thấy cảnh nhiều chủ nhà phải “mua lại” căn nhà của chính mình. Nhà mình cho họ trú ngụ rồi bị chiếm luôn. Ðuổi không ra. Ðòi, không trả. Thưa kiện, không ai xử. Dùng vũ lực càng không được, vì chúng nó du côn hơn mình! Khi một bọn côn đồ lại nắm cả pháp luật trong tay, thì làm sao được? Giải pháp cuối cùng để mời bọn cướp ra khỏi căn nhà mình, là thí cho chúng nó một số tiền. Bao nhiêu người đã phải làm như thế rồi!
Nhưng có độc giả nêu lên nỗi khó khăn: Kiếm đâu ra tiền mà mua lại nước Việt Nam? Bạn TTNV viết: “Dân đen ở Việt Nam (80%) thì trên răng dưới dế, khố rách áo ôm, vốn liếng chỉ có cái mạng cùi! Quan chức, đại gia thì bận lo 'hốt nhanh, hốt gọn, hốt sạch' rồi ôm bọc bạc qua Thụy Sĩ (chưa tới được Panama!) Vậy thì lấy cái gì mà ‘mua lại’ đây?”
Một độc giả khác, ký tên Người Buôn Mộng, đưa ra đề nghị người Việt ở nước ngoài phần lớn khá giả hơn đồng bào trong nước hãy gánh lấy việc góp tiền mua lại nước Việt Nam. Theo Người Buôn Mộng thì “hơn ba triệu người Việt ở hải ngoại sẽ đi quyên góp cho đủ 19 tỉ Mỹ kim, để chia tặng đồng đều cho 19 ma đầu trong Chính Trị Bộ mới được bầu lên” với một số điều kiện để họ trả lại nước Việt Nam cho người Việt Nam.
Con số 19 tỷ đô la có lớn quá không? Bạn Người Buôn Mộng đã tính toán, thấy đủ sức kiếm ra. Vì mỗi năm người Việt ở nước ngoài vẫn đem hàng chục tỷ đô la về trong nước! Nhà báo Vũ Kim Hạnh mới viết trên Facebook của cô rằng, “Dòng kiều hối chảy về Việt Nam từ Mỹ khoảng 7-8 tỷ đô la, thì dòng đô la chảy ra cũng không ít.” Nếu chia 19 tỷ cho ba triệu người Việt ở nước ngoài thì mỗi người chỉ góp trên ba ngàn đô la! Những người yêu nước có của sẽ đóng góp gấp đôi, gấp ba, bù cho những người thiếu tiền! Có thể mua được!
Ðề nghị trả giá 19 tỷ rất thực tế, nhưng chúng ta sẽ không cần đến. Thực ra, có thể mua lại đất nước từ tay đảng Cộng Sản mà không cần phải trả tiền mặt. Nghĩa là có thể mua chịu, mua trả góp, giống như ở các xã hội ổn định người ta vay nợ mua nhà vậy. Vậy có thể mua lại nước Việt Nam theo lối trả góp cho đảng Cộng Sản như thế nào?
Xin quay lại với ý kiến của các nhà kinh tế Ba Lan thời 1980. Họ đề nghị mua lại nước Ba Lan từ tay đảng Cộng Sản, sẽ trả tiền cho tất cả các đảng viên Cộng Sản; không trả riêng cho các lãnh tụ trong Bộ Chính Trị hay Trung Ương Ðảng. Dân Ba Lan hứa sẽ trả cho đảng viên Cộng Sản tất số các lợi nhuận mà họ đang được hưởng và sẽ được hưởng nếu vẫn nắm chính quyền. Nghĩa là, dù mất quyền hành nhưng các đảng viên Cộng Sản vẫn hưởng các lợi lộc, lại được bảo đảm hưởng lâu dài, không lo mất.
Như vậy thì cái giá mua lại nước Việt Nam như thế tính ra thành bao nhiêu tiền? Làm sao biết được là giá đắt hay rẻ? Muốn trả lời thắc mắc này, cần tính toán theo lối các ngân hàng: Những món tiền sẽ trả trong tương lai đều có thể tính ngược lại thành một cái giá tương đương trong hiện tại.
Cách tính toán này, trong môn Tài Chánh Học (Finance) gọi là “hiện giá” (present value). Thí dụ, mình có trong tay một trái khoán (giấy nợ), trên đó viết rằng người cầm giấy này sẽ được trả 105 đồng, trong một năm nữa. Nếu lãi suất trong thị trường đang là 5% một năm, thì người ta sẵn sàng trả 100 đồng để mua cái giấy nợ đó. Giá trị 100 đồng này là “hiện giá” của lời hứa trả tiền trong tương lai, tính toán rất giản dị. Khi dân Việt Nam hứa cho các đảng viên Cộng Sản được hưởng lương bổng suốt đời nếu họ bán lại đất nước cho mình, số tiền trả trong tương lai đó cũng có thể tính thành một “hiện giá.” Ðó là cái giá mua lại nước Việt Nam.
Muốn cho dễ hiểu, quý bạn hãy tưởng tượng có một người hứa trả cho bạn 100 đồng mỗi tháng, mãi mãi không bao giờ ngừng, đời con đời cháu vẫn được hưởng. Dòng tiền nhận được trong tương lai đó tương đương với bao nhiêu tiền trong hiện tại? Nói cách khác, quý vị sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua lời hứa đó? Cái giá này chính là “Hiện Giá.” Hiện giá lớn hay nhỏ tùy theo quý vị nghĩ mình đáng được hưởng lãi suất bao nhiêu. Lãi suất cao hơn thì hiện giá thấp hơn.
Thí dụ, nếu lãi suất là 1% mỗi tháng (như lãi suất trung bình mà các doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả bây giờ) thì Hiện Giá của dòng tiền 100 đồng đều đặn này là 10,000 đồng. Tại sao? Giản dị lắm, nếu quý vị vay ai 10,000 đồng với lãi suất hàng tháng là 1% thì quý vị sẽ phải trả chủ nợ 100 đồng mỗi tháng, tức 1% của 10,000 ngàn. Nếu lãi suất cao hơn, thí dụ 2% mỗi tháng, thì hiện giá của dòng tiền 100 đồng mỗi tháng đó chỉ còn là 5,000 đồng. Vì nếu vay ai 5,000 đồng, với lãi suất 2%, mỗi tháng cũng phải trả 100 đồng!
Thực tế hơn, thử tưởng tượng tình trạng một người vay nợ để mua nhà. Vay một số tiền gọi là P đồng (thí dụ, 250 ngàn đồng); hứa trả góp trong n tháng (thí dụ, 25 năm tức là 300 tháng), với lãi suất r% mỗi tháng (thí dụ 5% một năm, chia cho 12). Có thể tính số tiền trả mỗi tháng là M đồng, theo công thức:
M=P nhân với{{r(1+r) lũy thừa{n}} rồi chia cho {(1+r)lũy thừa {n} trừ 1}}}
Với thí dụ trên đây, ngân hàng đã tính ra số tiền M trả mỗi tháng là 1,454 đồng.
Ngược lại, nếu một người nhận được 1,454 đồng đồng đều đặn trong 300 tháng, trong khi lãi suất là 5% một năm, thì “Hiện Giá” của các món tiền tương lai đó là 250 ngàn đồng. Tính toán giống như cho vay số tiền 250 ngàn đồng với cùng lãi suất 5% và thời gian trả góp là 25 năm. Hiện giá này cũng cao hay thấp tùy theo lãi suất trong thị trường cao hay thấp.
Lãi suất phải tính ra sao? Trong thị trường tài chánh, dù cho vay trực tiếp, hoặc mua bán trái phiếu, lãi suất cao hay thấp tùy thuộc số tiền hy vọng nhận được trong tương lai chịu bất trắc, rủi ro nhiều hay ít. Mối rủi ro càng lớn thì lãi suất càng cao, để bù lại cho nỗi bất trắc người đầu tư phải chấp nhận.
Bây giờ trở lại với câu hỏi dân Việt Nam nên trả cho đảng Cộng Sản bao nhiêu tiền để mua lại nước Việt Nam; để dân mình tự lo việc quản trị nước mình, xây dựng dân chủ, phát triển kinh tế, chấm dút tham nhũng, xây dựng lại đạo lý dân tộc và bảo đảm xã hội công bằng? Về phía người bán, đảng Cộng Sản có thể chấp nhận giá cả là bao nhiêu để họ trả lại nước Việt Nam cho dân Việt?
Theo lối các kinh tế gia Ba Lan 30 năm trước, có thể đề nghị cho các đảng viên Cộng Sản, từ Bộ Chính Trị xuống tới các anh chị cán bộ thôn, xã, cam kết cho họ được hưởng tất cả số lương bổng, trợ cấp và quyền lợi về y tế, xã hội, suốt cuộc đời sau này của họ, cho đến khi chết. Tất cả các món tiền đó có thể tính ra thành hiện giá, cho từng đảng viên. Người nắm quyền cao sẽ được hưởng nhiều, cấp thấp sẽ được ít. Nhưng ai cũng có thể tin rằng họ sẽ còn tiền, họ chỉ mất quyền hành sai bảo hoặc bắt giam người khác mà thôi.
Ðổi lại, đảng Cộng Sản sẽ trao trả lại quyền làm chủ đất nước cho hơn 90 triệu người Việt Nam. Dân Việt sẽ bỏ phiếu bầu một Quốc Hội mới, lập chính phủ mới, lo sửa Hiến Pháp và luật lệ để mọi người đều sống trong dân chủ tự do.
Ðộc giả Người Buôn Mộng, ở San Diego, Hoa Kỳ, đã đề nghị diễn tiến việc trao trả quyền hành theo mấy bước sau đây: Thứ nhất, Bộ Chính Trị đồng thanh tuyên bố đảng Cộng Sản Việt Nam là một sai lầm và thảm họa vĩ đại nhất cho nước Việt Nam, sẽ lập tức được giải thể. Thứ hai, quyền “làm chủ, quản trị, và lãnh đạo” nước Việt Nam sẽ được quyết định trong một cuộc bầu cử tự do, phổ thông, do Liên Hiệp Quốc kiểm soát - giống như ở Campuchia hồi năm 1993 vậy.
Ðộc giả TTNV lạc quan, nhắc lại kinh nghiệm dân Tây Ðức “mua lại” Ðông Ðức từ tay đảng Cộng Sản, nhờ thế nước Ðức đã thống nhất. Mai mốt, dân Nam Hàn có thể sẽ mua lại cả Bắc Hàn từ tay gia đình họ Kim.
Tuy nhiên, bài toán trên đây chỉ nói tới tiền bạc, đến giá cả; còn rất nhiều “ẩn số” chưa đề cập tới. Quý vị nào đã trải qua kinh nghiệm “mua lại nhà của chính mình” từ tay các cán bộ chiếm nhà, hoặc quý vị đã sống qua thời kỳ các nước Cộng Sản đổi chủ, xin mời góp thêm ý kiến.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét