Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Vì sao Nguyễn Tấn Dũng có số phiếu đề cử thấp?


Vì sao Nguyễn Tấn Dũng có số phiếu đề cử thấp?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Tư, ngày 13 tháng 1 năm 2016 | 13.1.16





Bộ Chính Trị vừa kết thúc bàn bạc về nhân sự đưa ra trung ương 14, gần như ngay sau khi tan cuộc họp ít giờ. Nhiều hãng thông tấn quốc tế như BBC, RFA đã có thông báo về kết quả nhân sự đưa ra. Trong danh sách này không có tên của Nguyễn Tấn Dũng.

Những cái tên được nêu ra là Trần Đại Quang, chủ tịch nước; Nguyễn Kim Ngân chủ tịch quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc thủ tướng và cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng làm TBT thêm một vài năm.

Các bản tin khiến người đọc loáng thoáng thấy Nguyễn Tấn Dũng đã bị hạ bệ và rời khỏi cuộc chơi.

Để củng cố thêm, nguồn tin khác đưa ra cho rằng ông Dũng chỉ được Bộ Chính Trị ủng hộ có 1 trên 16 phiếu giới thiệu ông ở lại.

Gần như mọi người đều cảm giác đây là bộ tứ mới chính thức ra mắt công chúng. Mọi việc đã hạ màn.

Nhưng không, đây là một sự lập lờ. Nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy đây chỉ là danh sách đề nghị của BCT giới thiệu để trung ương 14 đồng ý đem ra đại hội 12 bầu phiếu.

Và Nguyễn Tấn Dũng có phải bị thất thế không? Chẳng phải. Đương nhiên trong danh sách của BCT không có tên ông Dũng. Bởi ông Dũng vốn đã không tin tưởng sự công bằng của Bộ Chính Trị do ông Trọng dẫn dắt. Bởi vậy, ông Dũng không làm đơn xin BCT để được tái cử. Do đó BCT chỉ xét duyệt những người có đơn xin được ở lại, trong đó có ông Trọng.

Vừa là người viết đơn xin, vừa là người đứng đầu trong tổ chức xét duyệt đơn xin ấy. Ông Trọng có tên ở lại và được BCT giới thiệu làm TBT.

Với cái nghị quyết 244 mà chính ông Trọng ký, quy định là BCT đưa ai ra đề cử thì người đó được. Ngoài ra trung ương đề cử ai, người đó phải rút, vì không rút là trái nghị quyết 244.

Đây là điều khôi hài và quái gở nhất của cơ chế cộng sản, Chúng ta thường nói ở đất nước này, không có luật. Người ta thích áp dụng luật thế nào cũng được, cần thì người ta đẻ ra thông tư, nghị định để xử lý thay cho luật theo từng lúc có lợi cho họ.

Trong cuộc chơi của Đảng, trên cương vị ngừoi đứng đầu, ông Trọng tự xin tham gia trò chơi, ông vừa đóng vai ban tổ chức, lại vừa là người đặt ra điều kiện, quy tắc chơi. Thiếu nước ông soạn nghị quyết của Bộ Chính Trị ấn định ông làm TBT tiếp.

Hãy nên nhớ rằng, những danh sách mà báo chí đề cập kia, chỉ là danh sách của Bộ Chính Trị do ông Trọng làm chủ đưa ra. Một danh sách được lập ra trên những quy tắc do chính ông Trọng soạn ra.

Tất nhiên trong danh sách như thế không thể nào có tên những người mà phe ông Trọng không thích. Chẳng hạn như ông Nguyễn Thiện Nhân. Còn ông Dũng không có tên là đương nhiên, vì ông Dũng không làm đơn xin như ông Trọng, thì sao Bộ Chính Trị đứng đầu là ông Trọng xét duyệt được. Đây là cái rất khôn của ông Dũng, nếu ông đưa đơn, chắc chắn ông sẽ bị gạt. Như thế ông Dũng chả có gì để kêu ca được, ông đã gửi đơn xin người ta tức ông chấp nhận cuộc chơi người ta đặt ra. Nếu bị gạt kêu vào đâu.

Tuy ông Dũng không nạp đơn xin Bộ Chính Trị, nhưng nguồn tin tiết ra ông Dũng được BCT cho phiếu rất thấp. Tin này làm người ta cảm giác ông Dũng đồng ý luật chơi của BCT, và đã bị điểm thấp. Qua đó để cho uy tín của ông Dũng bị thấp đi.

Đây là trò mèo để bịp dư luận, như kiểu bài báo mới đây có tên Nhân Dân đặt trọn niềm tin, giao phó trách nhiệm cho Đảng dẫn dắt. Nhân Dân nào đồng ý với Đảng mà nói rằng họ giao phó cho trách nhiệm cho Đảng? Ông Dũng cũng có xin xỏ BCT bỏ phiếu đề cử ông ấy đâu, mà tin tức nói BCT bỏ phiếu thấp cho ông ấy?

Đến đây càng thấy luật văn minh, công bằng với cộng sản là một điều xa lạ. Mường tượng đến những nhà đấu tranh dân chủ, ra toà không hề được tranh luận, công tố viên đọc luật, toà xem lý lịch, người dự là người của công an Đảng. Toà tuyên án và kết thúc phiên toà.

Thật trớ trêu, số phận của người từng chỉ đạo bắt bớ, xét xử Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất và sắp tới là Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bây giờ, ông Dũng lại là một nạn nhân của những luật chơi bất công mà chính ông từng dùng để hại người khác.

Đau đớn hơn, người điều khiển luật lại chính là đồng chí của ông, những người mà ông cũng đã bỏ nhiều công sức để bảo vệ chế độ, tức bảo vệ quyền lợi, vị trí của họ. Ông không như những người kia họ đứng hẳn về phía đối lập. Họ không bị đồng chí của họ xử ép, họ bị những kẻ họ công khai chỉ trích xử ép họ. Nhân dân hiểu họ và luôn bên họ.

Tin rằng qua vụ này, ông Dũng sẽ hiểu sự ấm ức của những người từng bị ông chỉ đạo xử ép và thân nhân cùng bạn bè họ.

Tuy nhiên thì ông Dũng vẫn còn một cửa hẹp, đó là trung ương đề nghị thêm tên ông vào danh sách tái cử, ra đến đại hội ông có được số phiều cần thiết để tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao.

Hoặc còn một cửa nữa đỡ phải trông đợi vào trung ương, đại hội lỡ rủi các đối thủ của ông lại giờ trở như họ từng làm. Đó là học Nguyễn Ánh, người mà đã bao lần thảm bại, nhờ hòn đảo Phú Quốc và đồng bào ở các tỉnh Nam Bộ mến yêu mà làm nên nghiệp lớn. Cửa này là sáng nhất và ở trong tay mình quyết định.


Bùi Thanh Hiếu


(Người Buôn Gió blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét