Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Vì sao xã hội Việt Nam không thể hết côn đồ?


VNTB - Vì sao xã hội Việt Nam không thể hết côn đồ?
Reply
bất công xã hội, bất ổn, côn đồ, công an, Thái Bạch, VNTB, Đối diện
11.10.15





Thái Bạch (VNTB) Cuốn Từ điển Tiếng Việt, bản in năm 2007 của Viện ngôn ngữ định nghĩa từ “côn đồ” như sau: Côn đồ là du côn, đầu trộm đuôi cướp, kẻ không nghề nghiệp, chuyên cướp giật, đánh lộn, phá phách.



Xã hội Việt Nam đầy rẫy côn đồ. Ảnh: minh họa

Không cần làm một thống kê thì ai cũng biết rằng xã hội Việt Nam tràn ngập những thành phần như vậy. Không ai muốn trở thành côn đồ, bằng chứng là không một kẻ côn đồ nào muốn con cái đi vào vết xe đổ của mình. Tại sao một dân tộc bốn nghìn năm văn hiến như dân tộc Việt Nam lại nở rộ côn đồ như ngày hôm nay, nguyên nhân chắc chắn không thuộc về văn hóa ngàn năm của chúng ta, cũng không thể đổ tại chiến tranh vì 40 năm trôi qua đã là quá lâu. Nguyên nhân liệu nằm ở chính phủ?

Sự thiếu hụt khoa học nhân văn

Ai có nguy cơ trở thành côn đồ? Hầu hết trước khi trở thành côn đồ, người ta là những người hiền lành nhưng thiếu hiểu biết.

Giáo dục trong nhà trường của Việt Nam là nền giáo dục đứng hàng đầu thế giới về mũi nhọn, luôn luôn chiếm các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Nhưng về mặt bằng, chất lượng trung bình của học sinh Việt Nam thuộc loại yếu nhất thế giới. Đó là do thiếu hụt khoa học nhân văn.


Điều đáng nói là trước đó, đất nước Việt Nam đã từng có được một nền giáo dục về cơ bản là khá tốt. Đầu tiên là viên đá nhân-nghĩa-lễ-trí-tín của Nho gia, tiếp theo là nền giáo dục mô hình Pháp quốc ngay trên đất An Nam cũng được đánh giá là có tính nhân bản, cuối cùng là nền giáo dục vàng son của đệ nhất Cộng hòa (nền giáo dục đệ nhất Cộng hòa thời tổng thống Ngô Đình Diệm được đánh giá là cao hơn cả thời đệ nhị Cộng hòa của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu). Hai nền giáo dục sau đi theo mô hình của Pháp quốc, thấm nhuần tư tưởng tự do mà người mô tả là Jean Jacque Rousseau.


Xin lưu ý, mô hình giáo dục của Pháp quốc là một mô hình tiên tiến và được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Học sinh tốt nghiệp trung học của Pháp có thể thành công tại tất cả các trường đại học trên thế giới. Đó là vì kiến thức xã hội của học sinh Pháp rất rộng, có thể nói là hơn hẳn sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp đại học. Tốt nghiệp phổ thông Pháp đã là trí thức. Xã hội Pháp cũng từng nghèo khó ở nhiều địa phương không thấy mấy ai đi làm côn đồ, vì ai cũng được đào tạo phổ thông một cách khai phóng.


Học sinh Pháp có thể nói là yêu văn chương bậc nhất thế giới. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Khoa học nhân văn tuy khong phát biểu ra thành những văn bản hàn lâm trong trường trung học nhưng tinh thần nhân văn đã chiếm một dung lượng đáng kể trong nội dung giảng dạy, thông qua một nền văn học nhà trường chân chính.


Bỗng nhiên, sau 1975, mọi giá trị của nền giáo dục mô hình Pháp đó bị chế độ mới chối bỏ sạch sành sanh, nhất là những giá trị nhân văn bất biến theo thời gian bị thay thế bởi những tuyên truyền phe phái. Xin lấy ví dụ, trong thời Hồ Chí Minh thì cả nước coi Trung Quốc là bạn, nhưng đến thời Lê Duẩn, vị lãnh đạo nổi tiếng cương quyết này ghi trong Hiến pháp rằng Trung Quốc là kẻ thù không đội trời chung. Các phe phái diễn dịch quan niệm xã hội theo ý mình chứ không theo quy ước nhân văn rằng chân lý thuộc về mọi người. Tư duy xã hội cập nhật cái mới quá nhanh trong khi chưa bắt nhịp được với cái cũ. Nền văn học nhà trường Việt Nam không phải là văn chương, vì nó biến con người làm công dân trở thành thần dân. Những tác phẩm ca ngợi tình thương giữa con người với con người và với thiên nhiên bị cố tình thay thế bởi những bài thơ tuyên truyền cho chế độ. Những bài thơ đó kích động thù hằn giữa người Việt và phương Tây trong khi trẻ em chưa nhận thức được Mỹ tốt xấu thế nào, một lý do khác lớn hơn là không ai có quyền bắt trẻ em lớn lên trong thù hận.


Nhà cầm quyền còn dùng cái tốt này để che đậy cho hành động xấu về bản chất kia, và dùng cái xấu kia để phê phán cái tốt thuần túy này. Văn hóa đó rất phản nhân văn. Xin đơn cử một ví dụ, nhà trường Việt Nam ca ngợi hình ảnh các anh hùng thiếu niên như Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Kim Đồng… đã hy sinh để đánh giặc ngoại xâm. Một số học sinh Pháp đọc được điều này và phản đối, rằng tại sao các thầy cô Việt Nam lại ủng hộ quân đội sử dụng trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên vào chiến tranh? Học sinh Pháp thấy được điều này nhờ quan điểm nhân văn khi nhìn nhận bất kỳ vấn đề gì. Lẽ sống tình thương không bao giờ cổ vũ cho việc biến trẻ em thành người lính. Thiếu khoa học nhân văn, những hành động côn đồ của người lớn ngang nhiên khoác trên mình tấm áo cao cả.


Nhà Phật có câu: “Ngu dốt lớn nhất đời người là thiếu hiểu biết.” Giai cấp thống trị tại Việt Nam lúc này đang làm cho người dân kém hiểu biết trong phạm trù thiết thực nhất là nhân văn. Đây rõ ràng là một hình thức ngu dân kiểu mới, nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc mở trường học lưa thưa của thực dân Pháp ngày trước. Trong hai hành động mà pháp luật không với tới được, khoa học nhân văn sẽ trả lời cho con người biết hành động nào là đẹp, hành động nào là không đẹp. Côn đồ trong xã hội tự động nảy sinh, vì không biết đâu là tốt, đâu là xấu.


Nhu cầu bạo lực kích thích nguồn cung côn đồ


Côn đồ đang quyết liệt hành hung các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, nhất là tại Hà Nội, nhất là khi Việt Nam sắp gia nhập TPP. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, có phải lực lượng thân Tàu trong ngành công an Việt Nam đã thuê côn đồ sử dụng bạo lực để đập tan ý chí của các nhà hoạt động xã hội? Câu hỏi này không quan trọng bằng câu hỏi, khi mà nhân chi sơ- tính bản thiện thì tại sao xã hội Việt Nam không bao giờ hết côn đồ? Vào thời chiến, côn đồ sinh ra do loạn lạc, vào thời bình, côn đồ sinh ra là do có bên thứ ba lợi dụng.


Quy luật cung - cầu là một quy luật có thể thấy ở mọi lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt trong kinh tế. Để dập tắt đối lập, ngành công an đã sử dụng côn đồ, các quan chức chính quyền cũng sử dụng côn đồ để bịt miệng người dân tố cáo mình. Những tên côn đồ này được ra lệnh không bao giờ giết người, nhưng là đánh dằn mặt.


Chị Thúy Nga, một phụ nữ nổi tiếng đấu tranh cho nhân quyền bị một tay côn đồ hành hung cách đây không lâu. Tên côn đồ này còn chửi rủa chị là phản động, và tự hào khoe rằng bố hắn là đảng viên 70 năm tuổi đảng. Chị Thuý Nga hỏi lại rằng, nếu bố anh 70 năm tuổi đảng mà anh đi làm côn đồ như thế thì có xấu hổ hay không. Tên côn đồ cúi mặt vì xấu hổ. Rõ ràng, khi thuê côn đồ đi hành hung nhà dân chủ , trước đó công an đã lừa dối rằng việc tên côn đồ làm là vinh quang, là giữ gìn trật tự an ninh quốc gia. Khi gặp lý lẽ của chị Thúy Nga, tên côn đồ này đã bừng tỉnh.


Người có nhu cầu dùng côn đồ, cũng là người cầm quyền, đã kích thích nguồn cung côn đồ. Chúng được trấn an rằng việc làm của mình là anh hùng, là bảo vệ tổ quốc.


Ngày thường, khi không được công an giao việc hành hung các nhà dân chủ, những anh “công an vô danh” này sẽ làm việc gì. Chỉ có hai việc mà thôi, một là dùng tiền để nhậu nhẹt, hết tiền thì lại đi cướp bóc những người dân thường, việc thứ hai là giang hồ cũ tìm kiếm và kết nạp giang hồ mới. Cứ thế tre già măng mọc, chuỗi phạm pháp này không bao giờ dừng được.


Đất nước Việt Nam thế kỷ XXI, chín mươi triệu dân đang sống trong một thời đại bất an. Nhà dân ba lớp cửa vẫn chưa yên tâm, bố mẹ không thể để con cái tự đi học vì sợ bị bắt cóc giữa đường, phụ nữ không dám mang nữ trang và túi xách trong lúc dạo phố... Tất cả là do những người cộng sản quản lý đất nước bằng gian dối. Để bảo tồn lợi ích, họ đã ngăn không cho khoa học nhân văn phát triển nơi tâm hồn trẻ thơ, rồi khi con người trưởng thành thì họ tạo ra thị trường côn đồ, khoác lên thanh niên tấm áo an ninh quốc gia để bắt họ làm những việc tội lỗi. Cuối cùng thì nạn côn đồ sẽ không để ai trong đất nước được yên tâm sinh sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét